THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:25

Doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

 

Doanh nghiệp xã hội là gì?

Doanh nghiệp xã hội được hiểu là một tổ chức có các hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu mang tính chất an sinh xã hội là chính. Trong đó, lợi nhuận thu được sẽ sử dụng để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng xã hội, thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho các cổ đông hoặc chủ sở hữu như những hoạt động kinh doanh của các mô hình doanh nghiệp khác. Ở Việt Nam, doanh nghiệp xã hội lần đầu tiên được quy định tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Theo đó, doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Ở nhiều nước phát triển, các doanh nghiệp xã hội được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế suất, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực,… Ví dụ như ở Thái Lan, Chính phủ nước này dành 3% từ tiền thuế của ngành công nghiệp thuốc lá và hoạt động vũ trường để rót cho các doanh nghiệp xã hội. Còn tại Mỹ, những ai hoạt động trong lĩnh vực này sẽ được miễn thuế hoàn toàn.

Việt Nam là quốc gia có những điều kiện và mô hình tiêu biểu để phát triển loại hình doanh nghiệp này. Trước tiên, Việt Nam vẫn định hướng theo mô hình xã hội chủ nghĩa, chú trọng nhiều vào việc giải quyết các vấn đề xã hội. Chỉ cần một định hướng như vậy, mô hình doanh nghiệp xã hội đã có tiềm năng rất lớn để phát triển. Hiện Việt Nam đã có hàng trăm doanh nghiệp xã hội chính thức đăng ký hoạt động và hàng nghìn doanh nghiệp khác có ý định trở thành doanh nghiệp xã hội. Bên cạnh đó, với sự tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam trong những năm qua làm cho nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế cho các hoạt động xã hội sẽ ngày một giảm. Vì vậy, việc phát triển các doanh nghiệp xã hội sẽ góp phần giải quyết một số vấn đề về xã hội và môi trường khi các doanh nghiệp này cam kết dành ít nhất 51% lợi nhuận hằng năm cho hoạt động tái đầu tư các lĩnh vực môi trường, xã hội mà họ đã cam kết và đăng ký.

Hiện tại, ở nước ta cũng có những doanh nghiệp xã hội hoạt động rất hiệu quả, tuy nhiên số lượng vẫn còn hạn chế so với tiềm năng và yêu cầu đặt ra cho vấn về an sinh xã hội của nước ta. Điển hình về sự thành công của doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam, đó là Koto - trường đào tạo nghề nhân đạo đang sở hữu chuỗi nhà hàng ở Hà Nội và TP.HCM. Trong hơn một thập kỷ phát triển, trường này chỉ nhận những trẻ em lang thang cơ nhỡ có hoàn cảnh khó khăn về đào tạo nghề dịch vụ, khách sạn và hướng nghiệp cho các em. Sau những khoá học như thế, nhiều nhân viên trẻ đã được nhận vào làm tại các nhà hàng và khách sạn lớn ở Việt Nam.

 

Nhu cầu việc làm cho người khuyết tật là rất lớn


Giải pháp để các doanh nghiệp xã hội phát triển

Để phát triển mô hình doanh nghiệp xã hội thì các doanh nghiệp cần phải đưa ra được phương án kinh doanh với mục tiêu vì cộng đồng đặt trên lợi nhuận. Nếu mô hình thực sự hiệu quả sẽ nhận được nguồn vốn tài trợ từ Chính phủ Việt Nam và các tổ chức phi Chính phủ, phi lợi nhuận quốc tế. Ngoài ra, để phát triển được thì bản thân các doanh nghiệp phải chứng minh, khẳng định vai trò của mình trong các hoạt động xã hội và tự tìm kiếm các nguồn tài chính như: các nhà thiện nguyện, các quỹ tài trợ phi Chính phủ,... Bên cạnh đó, ngoài sự nỗ lực của chính bản thân các doanh nghiệp xã hội, Nhà nước cũng cần xây dựng các chính sách cụ thể cho doanh nghiệp xã hội, xoay quanh những vấn đề trọng tâm, như: các chính sách  khởi nghiệp cho doanh nghiệp xã hội. Đối với những doanh nghiệp xã hội đang hoạt động cần phải có những ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích về đầu tư, thuế, quỹ đất; hỗ trợ về tài chính, nhân lực; phát triển quỹ tài chính hoặc nguồn tài chính để giúp cho doanh nghiệp xã hội phát triển.

Nước ta đãtrỉai qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Hệ lụy của những cuộc chiến tranh để lại cho nhân dân cả nước là rất lớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Họ, những đối tượng chính sách, và cả những đối tượng xã hội khác như trẻ em cơ nhỡ, mồ côi, người khuyết tật, người neo đơn,… rất cần sự giúp đỡ, sẻ chia từ cộng đồng các doanh nghiệp và xã hội. Nếu có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này ở nước ta thì ngân sách nhà nước dành cho những đối tượng này sẽ được giảm đi rất nhiều. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa nước ta sẽ có nhiều doanh nghiệp xã hội được thành lập và/hoặc được chuyển đổi từ nhiều doanh nghiệp khác sang mô hình này.

Ths. LÊ HOÀNG TRỌNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh