THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:10

Hiểm họa từ tín dụng đen

Liên quan đến vụ án Cố ý gây thương tích do cặp vợ chồng “đại gia” Nguyễn Xuân Đường (SN 1971, còn gọi là Đường Nhuệ, ở TP Thái Bình) xảy ra ngày 30/3, Công an tỉnh Thái Bình đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp Viện KSND tỉnh Thái Bình điều tra mở rộng vụ án. Bên cạnh tội danh đã bị khởi tố, Đường Nhuệ còn nhiều lần bị tố cáo liên quan đến việc cho vay nặng lãi.

Hiểm họa từ tín dụng đen - Ảnh 1.

Hoạt động tín dụng đen ngày càng nhức nhối. Ảnh: Chiến Công

Cụ thể, một số người dân tại Thái Bình tố cáo Nguyễn Xuân Đường hoạt động tín dụng đen, có hành vi đánh đập, phá hoại tài sản của họ nhưng không bị xử lý. Trong số đó, anh Nguyễn Văn Hà (SN 1989) cho biết, bố mẹ anh là ông bà Nguyễn Văn Lẫm, Phạm Thị Quyết từng vay hơn 1,7 tỷ đồng của Đường Nhuệ, hợp đồng không ghi lãi suất và thời hạn trả nợ nhưng thực tế, các bên thỏa thuận trả lãi 2.000 đồng/triệu/ngày.

Sau đó, dù ông bà Lẫm, Quyết vẫn đang trả nợ nhưng Đường Nhuệ yêu cầu phải ủy quyền hoặc bán lại nhà xưởng Công ty Lâm Quyết cho mình (giá trị khoảng 7 tỷ đồng). Do không được đồng ý, ngày 4/10/2017, Đường Nhuệ cho người tới nhà xưởng này để de dọa, đuổi người trông coi ra ngoài và ở lại đó đến ngày 19/10/2017. Quá trình này, các đối tượng đập phá, cướp đi nhiều đồ đạc trong công ty; đồng thời, liên tục đe dọa giết ông Lẫm.

Vừa qua, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã phối hợp, chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh điều tra vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do các đối tượng người Trung Quốc cùng đồng bọn thực hiện tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, TP trên cả nước. Điều đáng chú ý trong vụ án này là các đối tượng đã cho người dân vay với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 1.600% năm; tất cả các giao dịch của người vay và người cho vay tiền đều được thực hiện thông qua mạng internet và điện thoại di động.

Khi người vay không trả nợ đúng hạn sẽ bị các đối tượng gọi điện đến số điện thoại của người thân quen trong danh bạ của người vay tiền nhục mạ, hạ uy tín, gây sức ép, buộc người vay tiền phải trả nợ. Đây là thủ đoạn hoàn toàn mới, tinh vi, là biến tướng của loại tội phạm cho vay tín dụng đen…

TS Hoàng Thị Loan (giảng viên Đại học Luật Hà Nội) cho biết, xét dưới góc độ pháp lý, việc tham gia tín dụng đen dù là chủ thể vay hay cho vay đều trái quy định của pháp luật. Các chế tài áp dụng cho hành vi vi phạm khá rõ ràng. Cụ thể, về góc độ dân sự, hợp đồng vay được xác định vi phạm điều khoản lãi suất do vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Phần lãi suất vượt quá không có hiệu lực pháp luật (Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối nhận định, chủ yếu người vay đang cần việc gấp giải quyết trong ngắn ngày hoặc lâm vào tình trạng khó khăn tài chính mà không thể vay vốn ở đâu khác.

Các đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi có thể sẽ lợi dụng tình trạng khó khăn của người vay để chuộc lợi. Cùng đó, các đối tượng luôn có đội ngũ thu hồi nợ bặm trợn, sẵn sàng dùng thủ đoạn bẩn thỉu, vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để đòi nợ, khiến cho con nợ lâm vào tình trạng hoảng loạn, lo sợ và phải trả số tiền rất lớn cho các đối tượng cho vay tín dụng đen.

Hiểm họa từ tín dụng đen - Ảnh 3.

Về góc độ hành chính, việc cho vay có thể chịu phạt từ 5 - 15 triệu đồng (điểm d khoản 3 Nghị định 167/2013/NĐ-CP). Về góc độ hình sự, tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm mà các chủ thể tham gia hoạt động cho vay nặng lãi phải gánh chịu các hình phạt trong Bộ luật Hình sự năm 2015 như: Tội cho vay nặng lãi (Điều 201); Tội cố ý gây thương tích (Điều 134); Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174)... các chế tài đủ để răn đe hành vi vi phạm liên quan tới hoạt động tín dụng đen.

“Tuy nhiên, đó cũng chỉ là các biện pháp được áp dụng trong trường hợp phát hiện và có kết luận của cơ quan có thẩm quyền đối với hành vi vi phạm. Còn thực tế, những rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn phát sinh trong hoạt động cho vay lại lớn hơn rất nhiều. Đặc biệt có thể xảy đến với bên vay khi vi phạm thỏa thuận.

Đôi khi, tổn thất xảy ra chỉ có thể khắc phục hoặc chấp nhận mà không thể lường trước được. Cho nên, khi đứng trước lời mời gọi, hứa hẹn đường mật về các khoản vay, chính sách tốt, lợi ích lớn, các chủ thể đi vay nên cân nhắc kỹ về quyết định của mình. Nhận thức đúng đắn về hành vi, hậu quả của hành vi trước việc tham gia vào hoạt động tín dụng đen là góp phần làm giảm thiểu vấn nạn xã hội này” - TS Hoàng Thị Loan nhận định.

Cũng theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh quyết tâm tiêu diệt tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Rất nhiều vụ việc bị công an phanh phui, khởi tố hình sự, bắt giam hàng loạt các đối tượng cho vay tín dụng đen ở khắp các tỉnh, TP. Bộ Công an đang liệt kê rất nhiều đối tượng, nhóm, công ty giả danh đang hoạt động tín dụng đen - cho vay nặng lãi để điều tra, xử lý hình sự.

Hiểm họa từ tín dụng đen - Ảnh 4.

Liên quan đến vụ việc Đường Nhuệ đang bị các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Thái Bình điều tra, trong đó có hành vi tín dụng đen, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ làm rõ đầy đủ các hành vi, hậu quả. Đặc biệt là số tiền thực tế mà các đối tượng trong đường dây Đường Nhuệ chiếm đoạt bao nhiêu để có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định pháp luật.

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Luật Aladin (Hà Nội) cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến việc khó xử lý hình sự hành vi cho vay nặng lãi là tâm lý e sợ, không dám tố cáo của người dân. Để xử lý đối tượng cho vay nặng lãi, phần đa phải có người tố cáo, người bị hại. Trong khi đó, trên thực tế người dân vẫn có nhu cầu vay, nhận thức của người đi vay nóng không cao, khi túng quẫn chủ nợ đưa giấy tờ gì thì ký giấy đó. Chỉ đến khi chủ nợ hoặc nhóm xã hội đen có những hành vi đòi nợ thuê như cố ý gây thương tích, xâm phạm chỗ ở trái phép hay cướp tài sản… thì hành vi mới bị phát hiện và mới có thể bị xử lý hình sự một cách rõ ràng hơn.

Như vậy, để xử lý đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu điều chỉnh luật theo hướng tăng nặng hơn nữa trách nhiệm hình sự đối với hành vi cho vay nếu vượt quá mức lãi suất quy định. Đồng thời, cần đưa hoạt động cho vay dân sự vào khuôn khổ để dễ quản lý, đồng thời siết chặt hơn nữa các điều kiện kinh doanh dịch vụ này và giới hạn chỉ những chủ thể nhất định mới được cấp phép hoạt động. Bên cạnh đó, cần nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân, từ đó để người dân nâng cao hiểu biết, ý thức để tự bảo vệ bản thân trước sự phức tạp từ hoạt động tín dụng đen trên thị trường.

QUÝ ĐỨC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh