THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:21

Hiểm họa khôn lường đằng sau những gói thuốc cam

 

Trong thời gian gần đây Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị co giật dẫn đến hôn mê phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc chì sau khi sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc. Trong đó, không ít trường hợp nhiễm độc chì nặng, tình trạng sức khỏe nguy kịch.

Thuốc cam - một loại thuốc Đông y mà nhiều người tin là thứ thuốc bổ, giúp con hết biếng ăn, mau tăng cân hoặc chữa các bệnh lở loét, viêm nhiễm,.... Tuy nhiên, các bậc phụ huynh lại không biết rằng việc cho trẻ sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc có thể khiến trẻ bị nhiễm độc chì ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

 

Hiểm họa lớn từ thuốc cam.

 

Trước đó, vào đầu năm 2012, Viện Hóa học đã kiểm tra 500 mẫu sản phẩm “thuốc cam” và bệnh phẩm thì có đến 98/100 mẫu có hàm lượng chì cao (đặc biệt có mẫu 85% chì). Mặc dù không hề được đăng ký kiểm định, cũng không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng những loại thuốc cam này vẫn trôi nổi trên thị trường và được rất nhiều bà mẹ mua dùng cho con. Và có không ít vụ trẻ bị ngộ độc chì đã xảy ra. 

 Chị Phạm Thị Thủy, phường Yết Kiêu, thành phố Hạ Long, chia sẻ: “Từ bây giờ tôi cũng không dám cho con mình sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc vì rất nguy hiểm. Ngay cả bạn thân của tôi cũng cho con uống thuốc cam không rõ nguồn gốc và bị nhiễm độc chì”.

Từ sự mù mờ trong thông tin, coi thường việc tự kê đơn thuốc mà nhiều bà mẹ đã vô tình khiến trẻ bị ngộ độc chì do dùng thuốc cam. Trẻ bị ngộ độc chì sẽ không thể hiện ngay lập tức nhưng nó ngấm dần vào cơ thể và gây ra rất nhiều tổn hại, thậm chí nếu có phát hiện chữa trị, cả chục năm sau lượng chì cũng chưa thể thoát ra khỏi cơ thể trẻ. Đã có rất nhiều trường hợp trẻ nhập viện do nhiễm độc chì nặng.

Như ngày 16/6/2017, bệnh viện sản nhi tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận bé trai Bùi Anh.D (05 tháng tuổi) thường trú tại Xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình nhập viện trong tình trạng biếng ăn, nôn tự nhiên, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, co giật toàn thân do ngộ độc chì sau khi sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc. 

Anh Bùi Văn Duy, bố của bệnh nhi Bùi Anh.D cho biết: “Cháu co giật liên tục, hôn mê không biết gì nữa. Nhà tôi không dùng thuốc này để uống mà dùng để bôi, bôi vào mặt, đầu, toàn thân khoảng 20 ngày. Hiện nay cháu đang rơi vào tình trạng nguy kịch, nồng độ chì trong máu quá cao”.

 

Trẻ bị nhiễm độc chì nặng do sử dụng thuốc cam.

 

Theo bà Đinh Thị Lan Oanh, Phó giám đốc bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh, thời gian trước trẻ bị nhiễm độc chì rải rác được gia đình đưa đến bệnh viện khám và điều trị nhưng tình trạng nhẹ và tương đối ổn định sau khi điều trị. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, không ít trường hợp vào bệnh viện trong tình trạng rất nặng, đặc biệt là có 2 bệnh nhi đến với tình trạng hôn mê, co giật và rất nguy kịch. Các bệnh nhi đều có tiền sử gia đình cho sử dụng thuốc nam: thuốc uống (dạng bột, dạng viên), thuốc bôi để điều trị viêm da cơ địa, viêm da dị ứng. 

 Gửi lời khuyến cáo đến các bậc phụ huynh, bà nhấn mạnh: “Các em bé khi ốm, gia đình nên cho các cháu đến khám, chẩn đoán và kê đơn thuốc, tuyệt đối không sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc hoặc thuốc từ các thầy lang kê bởi vì thuốc đó không rõ nguồn gốc hoặc khi sử dụng mà thấy các triệu chứng như trên thì hãy đưa em bé đến các bệnh viện để điều trị sớm tránh các dị tật, hậu quả tổn thương não vĩnh viễn sau này cho em bé”.

Việc sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc cho trẻ với những nguy cơ khôn lường đang là lời cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh đừng vì ham tăng cân, bồi bổ cho con cháu mà tự ý mua và sử dụng các loại thuốc cam để uống, bôi không rõ nguồn gốc. Nếu muốn sử dụng, nên tìm đến các hiệu thuốc có đăng ký rõ ràng hoặc sử dụng những bài thuốc đã được cấp phép nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh