CHỦ NHẬT, NGÀY 08 THÁNG 09 NĂM 2024 07:56

Hết cơ hội “vàng” nếu không tăng tốc đầu tư vào vốn con người và lao động có kỹ năng

Tham gia tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, chiều ngày 5/12, tại phiên thảo luận chuyên đề: “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”, TS. Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) trình bày tham luận “Đẩy mạnh đào tạo góp phần cung ứng nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Trương Anh Dũng phát biểu tại Tọa đàm.

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Trương Anh Dũng phát biểu tại Tọa đàm.

Xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mạnh mẽ, linh hoạt hơn

Dẫn Báo cáo “Tương lai việc làm” được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố gần đây, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng cho biết, bất chấp tình hình kinh tế suy thoái hiện nay, phần lớn các nhà tuyển dụng đều nhận ra giá trị của việc đầu tư vốn con người.

Báo cáo kêu gọi khu vực công cần tạo ra các động lực để đầu tư vào thị trường và việc làm trong tương lai; cung cấp các mạng lưới an sinh tốt hơn cho những người lao động bị dịch chuyển trong quá trình chuyển đổi công việc. Bên cạnh đó, khu vực công cần giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng của hệ thống giáo dục và đào tạo; hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho việc đào tạo lại kỹ năng và nâng cao kỹ năng nghề cho những người lao động gặp rủi ro hoặc phải di dời.

Ông Dũng nêu thêm, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khuyến cáo các quốc gia thành viên đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp để giảm thiểu tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong tương lai và giảm thiểu cú sốc của cuộc khủng hoảng. Đồng thời đề xuất chính sách để xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mạnh mẽ và linh hoạt hơn trong tương lai.

Theo ông Trương Anh Dũng, các nghiên cứu cũng chỉ ra, dưới tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19 và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cuộc suy thoái kinh tế lần này đang và sẽ tạo ra những gián đoạn kép thay đổi thế giới việc làm, thị trường lao động.

Ở phạm vi toàn cầu, dự báo trong 5 năm tới, thời gian dành cho các công việc hiện tại của con người và máy móc sẽ bằng nhau; 84% người sử dụng lao động sẽ chuyển sang số hóa nhanh chóng các quy trình làm việc; một số lượng lớn công ty cũng dự kiến sẽ thay đổi địa điểm, chuỗi giá trị và quy mô lực lượng lao động do các yếu tố công nghệ tác động. 

Trong 10 - 15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của họ.

các đại biểu tham dự diễn đàn đặt câu hỏi trao đổi

các đại biểu tham dự diễn đàn đặt câu hỏi trao đổi

"WEF kêu gọi các Chính phủ ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch Covid-19, bởi việc đầu tư quy mô rộng vào đào tạo nâng cao kỹ năng có tiềm năng thúc đẩy GDP tăng thêm 0,5 - 2%, tương đương với 6,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030, nhất là trong bối cảnh chỉ có 21% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có thể sử dụng ngân sách của mình để hỗ trợ đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho nhân viên của họ", ông Trương Anh Dũng cho biết thêm.

Không có kỹ năng: Người lao động đối mặt rủi ro mất việc và bất ổn về ASXH

Nhìn vào thực tế Việt Nam, ông Dũng cho biết, bốn đợt dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vừa qua đã gây sức ép nặng nề về mọi mặt cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cho thị trường lao động nói riêng.

Thị trường lao động đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng với hàng triệu lao động bị thiếu việc làm, bị cắt giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm.

Viện dẫn Báo cáo của Tổng cục Thống kê, ông Dũng cho biết, tính riêng trong quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Tuy nhiên, ông cho rằng, ở chiều ngược lại, trong trạng thái bình thường mới, nếu các ngành có công nghệ mới, năng suất lao động cao phục hồi và phát triển mạnh mẽ sẽ giúp nền kinh tế không những nhanh chóng thoát khỏi suy thoái mà còn đồng thời đi vào tăng trưởng theo chiều sâu, bền vững.

Nói về tầm quan trọng của kỹ năng lao động trong bối cảnh hiện nay, ông Dũng viện dẫn, theo một nghiên cứu mới đây giữa ManpowerGroup Việt Nam và Viện Khoa học Lao động và Xã hội (thuộc Bộ LĐ-TB&XH), có tới 94% doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài có định hướng rõ ràng về việc tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động sản xuất trong ba năm tới.

Tuy nhiên, cũng theo 1 khảo sát của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam trong CMCN 4.0 thì có tới 53% doanh nghiệp Việt Nam không dự báo được kỹ năng tương lai cần thiết cho lực lượng lao động của mình.

CMCN 4.0 theo đó sẽ tác động lớn đến người lao động Việt Nam trong 10 - 15 năm tới, đặt ra yêu cầu người lao động phải có kỹ năng nghề cao do hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam năm 2020 là 64,5% và tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ ở Việt Nam chỉ 24,6% (chỉ bằng 1/3 các nước và các nền công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore).

Toàn cảnh Diễn đàn

Toàn cảnh Diễn đàn

"Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2030 (10 năm nữa), tỷ lệ lao động qua đào tạo là 75% trong tổng lực lượng lao động trong đó 40% có bằng cấp, chứng chỉ. Nếu không đáp ứng yêu cầu kỹ năng cao, người lao động Việt Nam sẽ đối mặt với rủi ro mất việc làm và bất ổn về an sinh xã hội", ông Trương Anh Dũng nói.

Vì thế, cần có giải pháp đẩy mạnh đào tạo góp phần cung ứng nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững.

Các gói kích thích kinh tế cần phù hợp để phục hồi kinh tế, tạo việc làm bền vững

Mối quan tâm của các quốc gia nói chung và Việt Nam chúng ta nói riêng hiện nay là làm thế nào để vượt qua cuộc khủng hoảng trước mắt.

Tuy nhiên, các chính sách, các gói kích thích kinh tế cần vừa phù hợp để vừa giúp phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững để phát triển thị trường lao động bảo đảm sự tăng trưởng chiều sâu, bền vững trong dài hạn, tránh lỡ nhịp với đà tăng trưởng của thế giới. 

VÌ thế, ông Dũng cho biết, trước mắt, trong trường hợp thiếu hụt nghiêm trọng lao động do tác động của dịch bệnh COVID-19, để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ LĐ - TB&XH sẽ thực hiện các giải pháp điều tiết, cung ứng lao động qua đào tạo nghề nghiệp từ học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo 3 mô hình:

Đẩy mạnh hoạt động thực hành, thực tập sản xuất của học sinh, sinh viên tại doanh nghiệp; đưa học sinh, sinh viên đến doanh nghiệp theo hình thức vừa học vừa làm tại doanh nghiệp; tạm dừng việc học theo chương trình đào tạo, đến doanh nghiệp chỉ tập trung thực tập sản xuất. Thậm chí, cần có đề án tập trung đào tạo kỹ năng nghề rất nhanh cho lực lượng bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ, thanh niên tình nguyện để cung ứng kịp thời cho các vùng kinh tế trọng điểm.

Về dài hạn, để chuẩn bị lực lượng lao động có kỹ năng nghề, không chỉ góp phần phục hồi thị trường lao động trước mắt mà còn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó đặt mục tiêu phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.

Phấn đấu đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại; chất lượng đào tạo của một số trường bắt kịp trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%.

Thanh Nhung

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh