THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:33

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Đề xuất gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lên đến gần 844.000 tỷ đồng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Sáng nay 5/12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “phục hồi và phát triển bền vững” đã chính thức khai mạc.

Giải quyết các điểm nghẽn, đưa vốn vào đúng mục đích, đảm bảo minh bạch

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, 2 năm nay dịch bệnh đã gây ra những thiệt hại nặng nề cả về kinh tễ xã hội trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam, dự kiến cả năm thì hiện tại vẫn có tăng trưởng dương nhưng cả năm sẽ không đạt được mục tiêu đặt ra.

Để đối phó với dịch bệnh, khắc phục thiệt hại, phục hồi phát triển kinh tế xã hội, các nước trên thế giới đã đưa ra nhiều giải pháp tài khoá tiền tệ khác nhau, tuỳ vào điều kiện nguồn lực.

Theo ông Vương Đình Huệ, 2 năm qua, để ứng phó với dịch bệnh, hỗ trợ kinh tế, Việt Nam cũng sử dụng linh hoạt đồng bộ các chính sách tài khoá tiền tệ cùng các giải pháp khác.

Chủ tịch Quốc hội thông tin, tổng các gói hỗ trợ của Việt Nam trong 2 năm vừa qua ước tính khoảng 4%GDP, trong đó gói tài khoá là 2,9%, gói tiền tệ 1,1%.

Vừa qua, nghị quyết của Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng các gói chính sách tài khoá tiền tệ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.  

“Dự kiến sẽ xem xét đề nghị Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường cuối năm nay để xem xét vấn đề rất cấp bách này”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

7

Diễn đàn Kinh tế năm 2021 là cơ hội để Quốc hội, các cơ quan hữu quan lắng nghe các hiến kế về huy động phân bổ các nguồn lực với chính sách tài khoá, tiền tệ với quy mô, nguồn lực hợp lý nhất, cũng như sự phối hợp giữa các chính sách này để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đáp ứng được mục tiêu trước mắt, vừa đảm bảo mục tiêu dài hạn.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chủ đề của diễn đàn là phát triển bền vững. Chúng ta vừa chú ý giải pháp cấp bách, vừa kiểm soát được dịch bệnh, hỗ trợ phục hồi.

“Giải pháp ngắn hạn, trung hạn phải bám mục tiêu dài hạn, đảm bảo phát triển nhanh nhưng bền vững. Không chỉ vấn đề kinh tế mà còn xã hội, môi trường, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Nhiệm vụ rất nặng nề trong nghiên cứu, thiết kế chính sách này”, Chủ tịch Vương Đình Huệ nói.

Một nội dung quan trọng theo Chủ tịch Quốc hội, cần được bàn tài và giải đáp câu hỏi: Huy động nguồn lực ở đâu, phân bổ vào nguồn lực thế nào, năng lực hấp thụ của nền kinh tế ra sao khi Việt Nam vẫn còn những điểm nghẽn, vướng mắc về cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, giải ngân đầu tư công.

“Làm sao giải quyết được các điểm nghẽn, đưa vốn vào đâu cho đúng mục đích, đảm bảo công khai minh bạch hiệu quả, phòng chống lợi ích nhóm khi thực hiện các nhóm giải pháp”, Chủ tịch nhấn mạnh.

Toàn cảnh Diễn đàn phiên buổi sáng

Toàn cảnh Diễn đàn phiên buổi sáng

Về an sinh xã hội, đề xuất có thêm 2 gói chính sách

Tại phiên cấp cao sáng nay, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia đã tham luận về “một số gợi ý chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội”.

Tập trung đánh giá về các tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế thế giới và Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, TS Cấn Văn Lực đưa ra những gợi ý về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội; huy động nguồn lực và đánh giá tác động chính sách.

Theo TS Cấn Văn Lực, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến kinh tế thế giới năm 2020; kinh tế thế giới suy thoái sâu, giảm; một số quốc gia phục hồi khá nhanh, nhưng không đồng đều và còn nhiều rủi ro; lạm phát dự báo gia tăng 2021-2022 sẽ dịu dần từ 2023; rủi ro, thách  từ thức từ dịch Covid-19 còn phức tạp.

“Quan điểm và mục tiêu của chính sách phải hỗ trợ cả tổng cung và tổng cầu và thực hiện đa mục tiêu, có sự phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác. Bên cạnh đó, các chính sách được ban hành cũng cần bảo đảm bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước; có quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài; có trọng tâm, trọng điểm; khả năng khả thi và triển khai nhanh” - TS Cấn Văn Lực đưa ra các gợi ý chính sách đối với Việt Nam.

TS Cấn Văn Lực phát biểu tại diễn đàn

TS Cấn Văn Lực phát biểu tại diễn đàn

Về phạm vi của chính sách, TS Cấn Văn Lực cho rằng, các nhóm chính sách cần đảm bảo và nâng cao năng lực y tế; giảm chi phí, giãn, hoãn nghĩa vụ tài chính, tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp; an sinh xã hội… Thời gian thực hiện của chính sách chủ yếu trong giai đoạn 2022-2023. Đối tượng trọng tâm của chính sách lao động và người sử dụng lao động.

Trong đó, phải đáp ứng một trong các tiêu chí cơ bản như có khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng, có khả năng phục hồi; hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chưa thể bố trí nguồn thay thế, thuộc những lĩnh vực, dự án ưu tiên phát triển hướng đến bao trùm, bền vững (như y tế, giáo dục, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cơ sở hạ tầng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…). Các dự án cơ sở hạ tầng: liên kết vùng, trọng điểm, có tính lan tỏa; trong danh mục đầu tư công và đã chuẩn bị xong thủ tục đầu tư; dự án dở dang, thiếu vốn tạm thời cần bổ sung…

Nhóm nghiên cứu cho hay, kinh nghiệm quốc tế về hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong đại dịch là dùng cả chính sách tài khóa, và chính sách tiền tệ; trong đó, chính sách tài khóa là chủ yếu.

Các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ toàn cầu đạt 18.272 tỷ USD (16,4% GDP 2020).

Trong đó, các gói hỗ trợ tài khóa là 11.281 tỷ USD (10,2% GDP, chiếm 61,7%); các gói hỗ trợ tiền tệ là 6.991 tỷ USD (6,2% GDP, chiếm 38,3%).

Về chi tiết chính sách tài khóa, TS.Cấn Văn Lực đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT, giảm phí bảo hiểm xã hội, thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế, phí trước bạ ô tô trong nước, có bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, gói hỗ trợ lãi suất, cùng với đó là ứng trước các chi phí như tiền lương, phòng chống dịch cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đầu tư cơ sở hạ tầng thì cần số cụ thể cần rà soát; ưu tiên các dự án liên kết vùng, trọng điểm, có tính lan tỏa, trong danh mục đầu tư công và đã chuẩn bị xong thủ tục đầu tư; dự án dở dang, thiếu vốn tạm thời (cả vốn đối ứng dự án nguồn ODA) cần bổ sung.

Về chi tiết chính sách hỗ trợ, tiếp tục thực hiện Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước; sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở (cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc phù hợp) để hỗ trợ các tổ chức tín dụng duy trì lãi suất ở mức thấp; cho vay tái cấp vốn các tổ chức tín dụng để cho vay nhà ở; nghiên cứu giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn; linh hoạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 13-14% trong năm 2022-2023; tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy định để các tổ chức tín dụng phi ngân hàng (gồm cả Fintech…) tham gia cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh; góp phần kích cầu tiêu dùng lành mạnh); đề xuất phương thức luật hóa xử lý nợ xấu…

Về chính sách an sinh xã hội, TS Cấn Văn Lực đề xuất có thêm 2 gói chính sách: Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trở lại doanh nghiệp làm việc vào khoảng 6.000 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo nghề vào khoảng 6.800 tỷ đồng với tổng giá trị hỗ trợ khoảng 13.000 tỷ đồng. Ngoài ra, xem xét giảm tiền điện, nâng cao năng lực công nghệ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp… với khoảng 38.000 tỷ đồng.

Theo TS Cấn Văn Lực, tổng thể các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội và các chính sách khác vào khoảng 844.000 tỷ đồng về danh nghĩa, còn về thực chi vào khoảng 445.000 tỷ đồng, tương đương 5,12% GDP.

"Gói hỗ trợ này sẽ đủ sức hấp thụ trong thời gian tới, và khi áp dụng gói chính sách này, chúng ta cần chấp nhận thâm hụt ngân sách ít nhất 0,1 điểm % cho mỗi năm", ông Lực nói.

Để huy động nguồn lực cho gói hỗ trợ này, theo ông Lực, chúng ta có thể huy động từ việc tiết giảm chi phí (khoảng 29.000 tỷ đồng); thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn (80.000 tỷ đồng); cho phép Bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm xã hội dùng tiền nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ (hơn 51.000 tỷ đồng); phát hành trái phiếu Chính phủ mà Ngân hàng Nhà nước có thể mua (hơn 220.000 tỷ đồng); rà soát các quỹ ngoài ngân sách (20.000 tỷ đồng); sử dụng một phần dự trữ ngoại hối nếu cần (45.400 tỷ đồng).

"Như vậy, Việt Nam phải huy động được khoảng 445.000 tỷ đồng, tương đương hơn 5%GDP cho 2 năm tới” - TS Cấn Văn Lực đề xuất. 

"Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 - Phục hồi và phát triển bền vững" diễn đàn gồm hai phiên: Phiên toàn thể buổi sáng, Tọa đàm cấp cao với chủ đề “Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam”.

Phiên buổi chiều gồm hai chuyên đề: “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”, và “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ tham dự phiên khai mạc. Chủ tịch Quốc hội sẽ có bài phát biểu khai mạc, tham dự Tọa đàm cấp cao và có bài phát biểu kết luận, bế mạc Diễn đàn.

Theo Ban tổ chức, diễn đàn sẽ đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và năm 2021; các chính sách đã thực hiện để ứng phó dịch Covid-19 và kết quả.

Diễn đàn được Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế T.Ư và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng tổ chức, được kết nối trực tuyến với hơn 60 điểm cầu trong nước và quốc tế.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh