Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế
- Tây Y
- 06:17 - 03/12/2021
Chiều 2/12, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 - Phục hồi và phát triển bền vững, đồng thời khai trương trang thông tin điện tử diễn đàn.
Dự kiến diễn đàn gồm hai phiên: Phiên toàn thể buổi sáng, Tọa đàm cấp cao với chủ đề “Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam”.
Phiên buổi chiều gồm hai chuyên đề: “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”, và “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ tham dự phiên khai mạc. Chủ tịch Quốc hội sẽ có bài phát biểu khai mạc, tham dự Tọa đàm cấp cao và có bài phát biểu kết luận, bế mạc Diễn đàn.
Theo Ban tổ chức, diễn đàn sẽ đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và năm 2021; các chính sách đã thực hiện để ứng phó dịch Covid-19 và kết quả.
Làm rõ bối cảnh quốc tế, dự báo, đánh giá về diễn biến của dịch Covid-19 với biến thể, biến chủng mới; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế do tác động của Covid-19; xu hướng sản xuất, kinh doanh thay đổi do tác động của dịch bệnh; nghiên cứu các chính sách ứng phó với dịch Covid-19 đã được thực hiện trên thế giới, hiệu quả và những rủi ro đi kèm, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Đồng thời, đưa ra các gợi ý về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, sự phối hợp giữa các chính sách nhằm hỗ trợ Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế-xã hội (đối tượng, phạm vi, quy mô…); huy động và sử dụng tối đa, đồng bộ, hiệu quả nguồn lực; thực hiện linh hoạt, phù hợp, tận dụng tối đa những dư địa của nền kinh tế; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế thực hiện cụ thể với nguồn lực kèm theo.
Bên cạnh đó, các đại biểu sẽ đề xuất giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách tác động ngay, một số chính sách dài hạn tác động đến động lực tăng trưởng nền kinh tế, cũng như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và một số ngành, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên… gắn kết hữu cơ với giải quyết các vấn đề xã hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho biết, "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững” được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Gồm điểm cầu chính tại Trung tâm Hội nghị quốc tế và một điểm cầu tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội); 57 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; điểm cầu tại một số cơ quan trong nước và nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam; 2 điểm cầu quốc tế tại Pháp và Mỹ. Diễn đàn có sự tham dự của hơn 500 đại biểu, hơn 20 diễn giả.
Để góp phần tuyên truyền hiệu quả về ý nghĩa, mục đích, chương trình, nội dung của diễn đàn tới đông đảo cử tri, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, tại họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã giới thiệu về trang thông tin điện tử tại địa chỉ diendankinhte.quochoi.vn.
Trang thông tin với 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh sẽ giúp các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cơ quan thông tấn báo chí cũng như các cá nhân có nhu cầu khai thác, tìm hiểu thông tin, tài liệu tham khảo liên quan đến diễn đàn.
Một số mục tiêu, kết quả gắn với “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”
(1) Đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa, xã hội của người dân, doanh nghiệp trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới trong thời gian ngắn nhất. Lan tỏa, cũng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp cũng các nhà đầu tư.
(2) Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ theo lộ trình 02 năm trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để thích ứng “an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
(3) Bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, mở rộng quy mô nền kinh tế, nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5 - 7%/năm.
(4) Điều hành các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư…
(5) Nuôi dưỡng và củng cố nguồn thu cho ngân sách nhà nước trong trung và dài hạn, tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm tính chủ đạo của ngân sách trung ương, tăng tính chủ động của ngân sách địa phương; duy trì ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng, trọng tâm là hệ thống ngân hàng, phát triển cân bằng hơn giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ.
(6) Phát triển thị trường lao động, tạo việc làm, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng lực lượng lao động.
(7) Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19…