THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:37

Hệ lụy từ các công trình thủy điện ở Tây nguyên

Bài 1:  Sống lay lắt ở khu tái định cư

Đói mà quanh năm...ngồi chơi

Đầu tháng 8, chúng tôi về lại khu tái định cư làng Groi, thị trấn Kbang, (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai). Vừa vào đến đầu làng đã thấy hơn 20 người cả đàn ông, phụ nữ, già, trẻ tụ tập ngồi chơi tán gẫu ngay tại sân khu nhà rông văn hóa. Đã hơn 8 năm nay, người dân trong làng không có đất sản xuất nên đành ngồi chơi. Trước đây, khi chưa xây dựng thủy điện An Khê- Ka Nak, dân làng Groi chăm chỉ làm lụng, nhiều nhà có của ăn của để, mua sắm được máy cày phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, ti vi, xe máy phục vụ cho cuộc sống. Đây lại là vùng rừng núi lại gần sông Ba, sản vật của sông núi phong phú, nên trong bữa ăn hàng ngày của bà con đều có thực phẩm tươi. Thế nhưng kể từ năm 2004, Ban Quản lý thủy điện 7 thu hồi đất đã đẩy bà con vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.

                                                         Câu cá ven sông Ba để giải khuây

Gia đình anh Đinh H’Lem trước đây có 8 ha đất rẫy, thì 3 ha bị thu hồi để xây dựng lòng hồ, 5 ha còn lại bị ngập, kể thừ khi thủy điện An Khê- Ka Nak chặn dòng. Giờ đất sản xuất không có, với 4 nhân khẩu, Vợ chồng anh phải ra sông Ba mò cua, bắt ốc bán lấy tiền đong gạo, mua muối. Tuy nhiên do nguồn nước sông Ba cũng bị ô nhiễm, nên cua cá cũng bị cạn kiệt, đã đẩy gia đình anh vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Một số người có sức khỏe thì đi làm thuê lấy tiền sinh hoạt. Những người già, phụ nữ thì ngồi chơi quanh năm suốt tháng, trẻ em thì vác cần ra dọc sông Ba để câu cá giải khuây… Anh Đinh H’Lem than thở: “Ngày xưa bảo đổi đất, bây giờ chưa thấy đất đưa cho dân làm, không biết dân làm gì mà ăn. Đề nghị cấp trên có chính sách đền bù đất cho dân để dân làm ăn sinh sống”.

                                                         Dân tụ tập ở nhà văn hóa của làng ...tán gẫu

Làng Groi có 80 hộ, với 590  khẩu, trong đó 76 hộ là đồng bào dân tộc tại chỗ. Trước đây cả làng có hơn 200 ha đất sản xuất, bao gồm trồng lúa nước, sắn, ngô… Đến nay, có gần 100 ha đất bị thu hồi để xây dựng lòng hồ thủy điện, 76 ha bị ngập kể từ khi nhà máy thủy điện An Khê- Ka Nak chặn dòng, hơn 30 ha còn lại có thể sản xuất được, nhưng lại nằm trên đồi khu vực trong lòng hồ sâu hàng chục mét nước, không có phương tiện để qua lại sản xuất nên đành bỏ hoang. Khi đến tuyên truyền về việc thu hồi đất của dân, cán bộ của Ban Quản lý thủy điện 7 thông báo đến từng hộ dân, sẽ đổi đất để bà con có đất sản xuất, ổn định đời sống. Thế nhưng người dân chờ đợi gần chục năm trời, lời hứa đất đổi đất vẫn chỉ là lời hứa.

Dân thiếu đất cach tác, một số dự án bỏ hoang

 Thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, (huyện Chư Dút, tỉnh Đắc Nôn) là thôn tái định cư của dự án thủy điện Sêrêpốk 3, dành cho 68 hộ dân nằm trong vùng lòng hồ. Năm 2009, Ban Quản lý thủy điện 5 đã hoàn thiện các hạng mục công trình gồm: Đường nội bộ, trường học, nhà văn hóa, hệ thống cấp nước sinh hoạt, trạm y tế, hệ thống điện...với tổng kinh phí đầu tư là gần 30 tỷ đồng.

                                                        Vào mùa khô nước sông, suối cạn kiệt

Thế nhưng, 7 năm qua khu tái định cư gần như bị bỏ không và đang trở nên hoang tàn, rệu rã. Bên ngoài cỏ mọc um tùm bít kín lối đi, phần hành lang của các công trình như trạm y tế, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng dù được lát gạch men, nhưng nay bị phủ đầy phân và nước thải trâu bò, các thiết bị điện, nước đều bị mất, cửa sổ, cửa ra vào kính bị vỡ, rơi rụng... Bà Đặng Thị Chích, ở thôn tái định cư thủy điện Sêrêpốk 3, cho biết: “Có cơ sở vật chất nhưng lại không có đất sản xuất, nên người dân không thể sinh sống.  Khi cấp đất thổ cư cán bộ thủy điện nói là làm bìa đỏ hoàn thiện cho bà con. Đến bây giờ gọi chúng tôi ra lấy bìa đỏ lại yêu cầu nộp thuế 20 triệu đồng. Mà mặt bằng ở đây khi mà ủi lô tái định cư toàn bộ là khu ruộng lầy, ủi đi thôi chứ không đổ nền. Bây giờ mưa xuống thì nó ngập như cái thuyền trên bến chứ không phải là khu tái định cư”.

                                                    Cảnh xác xơ khi thủy điện gặp sự cố

Còn bà Vũ Thị Bắc cho biết, gia đình có hơn 3 sào đất bị thu hồi, nhận bồi thường tổng cộng hơn 40 triệu đồng và 400 mét vuông đất tại khu tái định cư. Đất sản xuất thì không được đền bù. Số tiền được nhận bồi thường chỉ đủ san lấp, đổ nền cho ngôi nhà ở, chứ không thể mua đất để canh tác. Gia đình bà Bắc cũng là 1 trong số 7 hộ đề nghị Ban Quản lý thủy điện xây nhà để ở. Thế nhưng căn nhà với trị giá 120 triệu đồng, rộng 55mét vuông chất lượng lại không tương xứng. Hầu hết các hộ dân ở khu tái định cư thủy điện Srêpôk 3 phải bỏ làng đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Một số ít gia đình bám trụ ở lại phải đang đối mặt với nguy có nghèo đói vì không có đất sản xuất, không được chuyển đổi việc làm. Bên cạnh đó, những gia đình đang sinh sống ở đây cũng muốn cầm cố sổ đỏ để mua đất sản xuât, thế như đến sổ đỏ cũng không được cầm cố, vì chưa có tiền nộp, nên đời sống của những hộ dân khu tái định cư đang rơi vào tình trạng quẫn bách.

Việc xây dựng quá nhiều công trình thuỷ điện trên địa bàn Tây Nguyên đã bộc lộ nhiều hậu quả, môi trường bị huỷ hoại, đời sống của người dân tái định cư vùng lòng hồ lao đao. Lợi nhuận từ các công trình thuỷ điện có thể đong, đếm được. Còn Tây Nguyên, người dân đã và đang phải oằn mình gánh hậu quả của những công trình thuỷ điện.

 Báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, từ năm 1995 đến nay đã có trên 200 thôn, buôn ở khu vực Tây Nguyên bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi việc xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi. Tổng số diện tích đất của đồng bào bị thu hồi để xây dựng thủy điện là 30.000ha và khoảng 12.000 gia đình phải di dời hoặc nằm trong khu vực bị ảnh hưởng, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ hoặc một số dân tộc phía Bắc, còn những hộ đã về khu tái định cư mới đời sống cũng chẳng khá hơn là bao. 

NGỌC ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh