CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:21

Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020

Phát biểu khai mac và chỉ đạo Hội thảo, Bà H’Ngăm Niê Kdăm nêu rõ: Tây Nguyên là một trong những khu vực khó khăn của Việt Nam, với mô hình phát triển chưa bền vững, chủ yếu dựa trên cơ sở khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nông nghiệp nhỏ.

Các tỉnh Tây Nguyên xét trên nội dung tăng trưởng xanh và hội nhập với các nước ASEAN đang đối mặt với những thách thức như: nhiều ngành, lĩnh vực chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, bao gồm các ngành công nghiệp, chăn nuôi, xuất khẩu, đầu tư và du lịch. Tài nguyên, thiên nhiên đang suy giảm nhanh chóng và môi trường bị ảnh hưởng tiêu cực do khai thác không hợp lý; chất lượng nguồn nhân lực, số lượng lao động qua đào tạo thấp, năng suất lao động bằng 47,5% mức trung bình của cả nước ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong tổng dân số của các tỉnh Tây nguyên cao (38,7%) và 59% hộ gia đình dân tộc thiểu số có thu nhập dưới mức nghèo khổ.

Với đặc điểm, khó khăn của Tây Nguyên, bà H’Ngăm Niê Kdăm  nêu rõ: mục đích của Hội thảo mong muốn tìm ra các giải pháp thúc đẩy hợp tác với khu vực tư nhân và các hiệp hội để nâng cao chất lượng và tính phù hợp của đào tạo nghề với thị trường lao động ở các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh miền núi giáp Tây Nguyên. Nâng cao hình ảnh, vị thế của giáo dục nghề nghiệp và tích cực trong chính sách đào tạo nghề góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Đồng thời, Hội thảo cũng thảo luận thống nhất giải pháp để cải thiện chất lượng và tính hòa nhập của đào tạo nghề phục vụ hội nhập ASEAN và phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên xây dựng chính sách và giải pháp ứng phó hiệu quả với những thách thức thực tế trong đào tạo nghề.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo của các tỉnh Tây Nguyên còn thấp (ảnh MH P.Tuấn)

Bà Huỳnh Nữ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Dân số 1,4 triệu  người trong đó dân tộc thiểu số chiếm 44,8%. Chính vì vậy mà tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh thấp. Tỉnh luôn coi trọng công tác đào tạo nghề, đặc điểm là đào tạo nghề cho người dân tộc. Các cơ sở dạy nghề cho người dân tộc luôn được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện để phát triển.

“Trong 5 năm qua, đào tạo nghề theo Đề án 1956, toàn tỉnh có 33 nghìn lượt người được học nghề, đưa tỷ lệ đào tạo nghề lên 30%. Hiện nay, tỉnh đang tích cực triển khai cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư phấn đâu đưa số lượng doanh nghiệp trên địa bàn từ con số 3.000 (năm 2015) tăng lên 6.000 năm 2020”, Bà Huỳnh Nữ Thu Hà cho biết thêm.

Những năm qua, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, về hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo, đào tạo giáo viên, hỗ trợ học nghề…ngày càng được quan tâm.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề TS. Trương Anh Dũng cho biết, đến hết năm 2015, trên đại bàn Tây nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên có 108 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 6 trường cao đẳng nghề, 12 trường trung cấp nghề, 90 trung tâm dạy nghề. Ngoài ra, trong vùng có 65 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề. Tuy nhiên, chất lượng dạy nghề của các cơ sở trong vùng chưa cao, qui mô tuyển sinh hạn chế. Nhiều cơ sở thiếu thiết bị, thiếu giáo viên cơ hữu, nhất là trung tâm dạy nghề cấp huyện. Các cơ sở đào tạo nghề rất khó khăn trong công tác tuyển sinh.

 Công tác tuyển sinh, đào tạo tại 5 tỉnh Tây nguyên giai đoạn 2011-2015, đạt 427.921 người, tăng 3,7 lần so với giai đoạn 2006-2010. Riêng dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2015, đã dạy nghề cho 213.516 người; trong đó gần 50% là người dân tộc thiểu số; 42,4% học nghề phi nông nghiệp và 57,6% học nghề nông nghiệp. Dạy nghề cho lao động nông thôn đã mang lại việc làm cho khoảng 159.577 người, có 6.163 hộ nghèo có người tham gia học nghề, có việc làm thoát nghèo; 6.028 hộ có thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương. Một bộ phận lớn lao động nông thôn đã chuyển sang làm công nhân trong các doanh nghiệp, làm chủ các xưởng sản xuất, tổ nhóm sản xuất tạo việc làm cho lao động khác hoặc sản xuất hàng hóa để cung cấp cho các doanh nghiệp. Một bộ phận sau khi học nghề vẫn tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động được tăng lên, tiết kiệm chi phí sản xuất, hiệu quả thu nhập tăng 10%-30%.

 Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng công tác đào tạo nghề cho Tây nguyên vẫn còn những khó khăn, như về địa hình, khí hậu tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội. Về cơ chế chính sách chưa đồng bộ, đầy đủ chính sách đối với học sinh dân tộc theo Quyết định số 267/2015/QĐ-TTg đối tượng chính sách bao gồm học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông dân tộc nội trú được vào học, ngân sách do địa phương đảm bảo; cơ chế chính sách về tài chính ngân sách nhà nước giao cho hoạt động dạy nghề hàng năm theo mức khoán chưa gắn với số lượng, quy mô tuyển sinh hàng năm, chưa gắn kết giữa giao nhiệm vụ và giao kinh phí; chính sách đối với giáo viên cho các cơ sở đào tạo nghề cho dân tộc thiểu số còn nhiều bất cấp, chưa được hưởng các chính sách đãi ngộ theo điều kiện và địa bàn làm việc… Một khó khăn không nhỏ nữa là về nguồn lực tài chính cho các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh có huyện miền núi giáp Tây Nguyên có điều kiện khó khăn chưa tự cân đối được ngân sách nên kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương cấp hàng năm, ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa thấp nên hạn chế về số lượng lao động được hỗ trợ đào tạo.

        Trao đổi tại Hội thảo, Bà Lisa Kreibich đã cho biết, yếu tố thành công của đào tạo nghề ở Đức đó là: Có hợp tác giữa chính sách, nền kinh tế và xã hội; học trong quá trình làm; công nhận tiêu chuẩn nghề quốc gia cho học sinh; đào tạo cán bộ có trình độ cho ngành và cần có nghiên cứu về thị trường lao động và đào tạo nền tảng. Từ thực tế đào tạo nghề ở Đức và qua quá trình khảo sát tại một số tỉnh của Việt Nam về công tác đào tạo nghề, Bà Lisa Kreibich, cố vấn kỹ thuật chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (GIZ) đưa ra một số khuyến nghị như: Tạo việc làm thông qua các chính sách, các quy định về kiểm soát sự phát triển kinh tế địa phương, các ưu đãi cho nhà đầu tư và khối tư nhân. Xây dựng các biện pháp gắn kết doanh nghiệp vào các khía cạnh của dạy nghề. Xây dựng hệ thống khuyến khích hỗ trợ tự dạy nghè. Thực hiện cơ chế tài chính hiệu quả cho đào tạo nghề dựa trên nhu cầu thị trường lao động địa phương. Học thông qua tham gia tích cực vào quá trình làm việc thực tế tại doanh nghiệp. Tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ dạy nghề của các cơ sở đào tạo. Nâng cao năng lực cho giáo viên, thúc đẩy trao đổi giáo viên giữa cơ sở đào tạo và Doanh nghiệp…

         Phát biểu tại hội thảo, các ý kiến đều tập trung vào những khó khăn của các tỉnh Tây Nguyên trong thực hiện công tác đào tạo nghề như thiếu thiết bị, thiếu giáo viên, giáo trình. Trình độ của giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề còn hạn chế. Một trong những đặc điểm của các dân tộc Tây nguyên là không muốn ra khỏi thôn, làng, nên rất khó tập trung để đào tạo. Chủ yếu phải tiến hành đào tạo tại chỗ, theo mùa vụ để người dân theo học mới có hiệu quả. Đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, các ý kiến đã tập trung vào một số vấn đề như: Cần xây dựng được hệ thống chính sách đặc thù, phù hợp với Vùng như: Chính sách hỗ trợ người học nghề, chính sách thu hút đầu tư, kêu gọi và khuyến khích doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương. Về đầu tư cho dạy nghề cần tập trung hơn, máy móc thiết bị phải được đổi mới, phù hợp với phát triển khoa học, công nghệ và thực tế. Một số ý kiến cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ và cơ chế để các trung tâm dạy nghề là cơ sở vệ tinh cho các trường CĐN, TCN trong công tác tuyển sinh, đào tạo. Vì nếu làm tốt được liên kết đó sẽ giảm thiểu sự đầu tư cho các trung tâm. Cần xây dựng những mô hình điển hình, mẫu hiệu quả về các lĩnh vực đào tạo như mô hình nông nghiệp và phi nông nghiệp…

Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề TS. Nguyễn Hồng Minh phát biểu tổng kết  hội thảo (ảnh VPTCND)

 Phát biểu tổng kết hội thảo, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề TS. Nguyễn Hồng Minh đã cảm ơn sự có mặt của các đại biểu và các ý kiến phát biểu, đóng góp cho hội thảo. Các ý kiến đó sẽ là cơ sở để giúp Ban chỉ đạo Tây Nguyên và Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội xem xét để xây dựng chính sách phù hợp, đảm bảo đi vào cuộc sống, giúp đồng bào dân tộc Tây Nguyên xóa đói, giảm nghèo và giúp cho phát triển Kinh tế - Xã hội Vùng Tây Nguyên.

Tổng Cục trưởng cũng chỉ ra các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thị trường lao động các tỉnh Vùng Tây nguyên. Đó là: Quy hoạch và phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với thực tế; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề đảo bảo chuẩn giáo viên về sư phạm và kỹ năng nghề. Phát triển chương trình đào tạo, gắn việc xây dựng chương trình với doanh nghiệp và thực tế các nghề trên địa bàn, theo vùng, theo thôn làng…

Về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Ban chỉ đạo Tây nguyên sẽ rà soát để sửa đổi, bổ sung chính sách hoặc có hướng dẫn cụ thể để chính sách đi vào cuộc sống. Đối với các cơ sở đào tạo cần phải chủ động, đổi mới quản lý theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Chủ động liên kết, phối hợp với doanh nghiệp trong công tác đào tạo gắn với việc làm cho người học. Bên cạnh đó hệ thống thông tin thị trường lao động cần phải được phổ biến tuyên truyền tốt hơn nữa để Doanh nghiệp, người dân, người học nắm bắt và có cơ hội gặp nhau ở thị trường đào tạo, thị trường lao động.

Thanh Ngọc - H. Nguyên

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh