THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:21

Hãy gạt nỗi chạnh lòng để trở thành chỗ dựa cho con

Những ngày qua, hình ảnh phụ huynh ở Hà Nội thức trắng đêm để xếp hàng nộp hồ sơ cho con học lớp 10 sau khi con trượt công lập. Có thể nói “Đi mưa mới biết mưa lạnh”, tâm trạng của các phụ huynh lúc này như ngồi trên đống lửa, khi con của họ chưa có trường nào để học. Chỉ tiêu của các trường thì có hạng mà số lượng học sinh trượt vào công lập thì nhiều, điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều học sinh phải chọn hệ dân lập tự chủ, tư thục, giao dục thường xuyên hay hệ nghề để học.

Đậu vào lớp 10 công lập là mục tiêu của nhiều thí sinh hiện nay bởi thực tế học ở các trường THPT công lập sẽ phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Hơn nữa, những ngôi trường mà các em đăng ký nguyện vọng sẽ có nhiều bạn bè thân thiết đã gắn bó với nhau suốt 4 năm học ở cấp THCS.

Phụ huynh đứng rất đông trước cổng Trường THPT Tạ Quang Bửu để mua hồ sơ xét tuyển cho con. Ảnh: Trần Phương

Phụ huynh đứng rất đông trước cổng Trường THPT Tạ Quang Bửu để mua hồ sơ xét tuyển cho con. Ảnh: Trần Phương

Bên cạnh đó, những học sinh đậu vào lớp 10 công lập phần lớn có học lực tốt nhất nên việc được học tập trong môi trường đó sẽ giúp cho các em có nhiều thuận lợi để phát triển bản thân trong suốt thời gian học THPT là tiền đề cho các em vào các trường đại học. Nếu không đủ điểm để đậu nguyện vọng 1 và 2 thì học sinh phải chấp nhận với thực tại để hướng sang một phương án khác như trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc hệ nghề.

Vì thế, một số học sinh sẽ lựa chọn các trung tâm giáo dục thường xuyên bởi học ít môn học hơn và học phí không chênh lệch nhiều so với trường THPT công lập. Những học sinh khác chọn học nghề trong 2 - 3 năm rồi đi làm.

Tuy nhiên, dù chọn phương án nào khi không đậu tuyển sinh 10 cũng có những khó khăn nhất định nhưng đây không phải là bước đường cùng của các học sinh. Có thể cánh cửa này đóng lại nhưng cũng đồng nghĩa cánh cửa khác sẽ mở ra cho các em. Vấn đề quan trọng là các em tiếp cận ra sao và thực hiện nó như thế nào trong những năm sắp tới. Cũng như sự đồng hành của phụ huynh và nhà trường để giúp các em vững vàng hơn trong hành trình của mình.

Bạn đọc Trần Đức Quân chia sẻ, thời buổi 4.0 rồi sao vẫn phải xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ thật là mệt mỏi. Nên phổ cập giáo dục đại học nhằm giảm áp lực cũng như lãng phí cho học sinh và phụ huynh. Đều là kiến thức chương trình phổ thông có khác biệt gì đâu mà còn để tồn tại một kỳ thi lãng phí như vậy! Cơ quan quản lý nên nghiên cứu xây dựng hạ tầng trường học để phù hợp với nhu cầu thực tế, trong khi sinh viên sư phạm thất nghiệp nhiều, nhu cầu học sinh lớn, chỉ còn thiết mỗi trường học thuộc về cấp quản lý địa phương để các em không phải quá áp lực thi cử cũng như phụ huynh chạy đôn chạy đáo lo trường cho con học.

Phụ huynh phải “dẹp thất vọng sang một bên” để bảo vệ con, chuẩn bị các phương án sẵn sàng đối mặt là điều cần thiết, giúp trẻ bớt đi gánh nặng tâm lý, tiếp tục có động lực trong học tập.

Phụ huynh phải “dẹp thất vọng sang một bên” để bảo vệ con, chuẩn bị các phương án sẵn sàng đối mặt là điều cần thiết, giúp trẻ bớt đi gánh nặng tâm lý, tiếp tục có động lực trong học tập.

Cùng cảnh ngộ có con trượt lớp 10 cả hệ công lập lẫn dân lập tự chủ, chị Trần Thị Mai (Bình Định) nói sau khi biết điểm thi của con, chị rất tức giận cả gia đình la cho con một trận. “Tuy nhiên, thấy thằng bé trốn mình trong phòng, bỏ ăn, bỏ uống cả gia đình tôi cũng buồn. Sau đó tôi động viên con cố gắng làm lại từ đầu, buồn bã cũng không giải quyết được vấn đề hiện tại. Hãy cố gắng vì tương lai phía trước còn rất dài”, chị Mai tâm sự.

“Trước đây, thi đỗ vào lớp 10 công lập là chuyện đương nhiên, ai học kém hơn thì học hệ bán công. Thi đỗ đại học mới là quan trọng nhất. Giờ đây, đỗ đại học dễ hơn thi lớp 10 gấp nhiều lần. Không vào được các trường công lập, học sinh không có nhiều lựa chọn, nhất là khi học phí của các trường tư hiện nay đa phần cao hơn rất nhiều so với thu nhập người dân còn học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên thì chất lượng đào tạo không cao, học sinh ở trung tâm đa phần là “cá biệt” nên các em dễ bị hư hỏng”, anh Trần Nam chia sẻ.

Nhà văn Hoàng Anh Tú, người gắn bó với bao thế hệ học trò 7x, 8x với cái tên Chánh Văn, đã có lời nhắn nhủ: "Đầu tiên vẫn phải chúc mừng cha mẹ có con 2K8 đã đỗ được vào những ngôi trường cấp 3 mong muốn của mình. Và cũng xin chúc mừng cha mẹ có con 2K8 đủ điểm để đỗ dù đó chưa phải là trường cấp 3 mà các em yêu thích, mong muốn. Học tài thi phận, năm nay đa số các trường top đầu đều tăng điểm chuẩn cao hơn năm ngoái.

Nhưng tôi cũng xin chia buồn và nhắn gửi với những cha mẹ có con không đủ điểm đỗ cả 3 nguyện vọng. Mấy ngày qua, đọc những status chúc mừng con của các "cha mẹ bên ấy" chắc nhiều "cha mẹ bên này" cũng buồn. Con mình với con nhà người ta đôi khi cũng thành "mình làm cha mẹ kiểu nào đây?" Cũng lắm nỗi chạnh lòng. Nhưng cha mẹ xin nhớ cho 1 điều: Con của chúng ta còn buồn hơn nhiều. Xin hãy gạt nỗi chạnh lòng để trở thành chỗ dựa cậy cho con lúc này.

Trượt vào 10 của thời nay nhiều khi chẳng phải do học dốt, tư chất kém mà còn là do chọn sai nguyện vọng, đánh giá sai về điểm chuẩn. Tôi vẫn đùa rằng các cha mẹ giỏi khoản này đều đủ điều kiện để chơi chứng khoán được rồi. Có mỗi 3 nguyện vọng thôi mà cũng đoán trúng cho con thì chơi xổ số còn được nữa là. Nên các cha mẹ "bên thua cuộc" đừng buồn quá hay nghi ngờ gì sức học của con. 

Cuộc đời luôn cho ta cơ hội thứ 2 sau khi chúng ta gặp thất bại. Nhưng nhớ cho, vì bạn đã là cha mẹ, bạn đã bầm dập với đời đến 30 năm có lẻ rồi còn những đứa con của bạn chúng mới chỉ 15 năm, trải nghiệm cuộc đời của chúng mới chỉ bằng cái móng tay của các bạn. Chúng cần các bạn lúc này!

Tôi thực lòng vẫn mong những cha mẹ trước khi biết kết quả thi đã nói: "Kết quả thế nào không quan trọng, bố mẹ vẫn yêu con", sẽ nhớ điều mình đã nói. Bằng những cái ôm, nụ cười (dù đã chẳng còn nguyên vẹn, tròn trịa nữa) và cả những phần thưởng cho con, dù con thua cuộc. 

Không học sinh, gia đình nào muốn con em mình nằm trong số trượt nhưng trong tình huống này, việc phụ huynh phải “dẹp thất vọng sang một bên” để bảo vệ con, chuẩn bị các phương án sẵn sàng đối mặt là điều cần thiết, giúp trẻ bớt đi gánh nặng tâm lý, tiếp tục có động lực trong học tập.

“Ở lứa tuổi của các con, tâm sinh lý đang thay đổi, dễ có những lời nói hay hành vi mang tính tiêu cực nhất thời. Thực tế, những đứa trẻ bỏ nhà ra đi hay có ý nghĩ bản thân vô giá trị, muốn tự tử… hoàn toàn do chúng đang đổ lỗi về phía mình". Thay vì trách mắng các con trong giai đoạn “nhạy cảm” này, bố mẹ nên là chỗ dựa tinh thần để trẻ cảm thấy tự tin mà bước tiếp.

Vì thế, phụ huynh cần có những lời động viên, an ủi giúp con lấy lại niềm tin với cuộc sống. Thực tế cho thấy, hiện nay có nhiều hình thức học tập khác nhau và mục đích cuối cùng của mỗi con người là có một công việc cho tương lai.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh