CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:14

Hậu Giang: Tỉnh nghèo nhưng giàu tình nghĩa

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao danh hiệu Mẹ VNAH ở Hậu Giang

Phát động phong trào…

Để hoạt động tôn vinh, chăm sóc người có công đạt hiệu quả cao, trở thành phong trào được cả xã hội tham gia, hàng năm tỉnh Hậu Giang đều có kế hoạch rất chi tiết cho hoạt động này. Ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, tỉnh đặc biệt coi trọng việc thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng; đẩy mạnh xã hội hoá công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công. Cùng với đó là phát động các phong trào: “Đền ơn đáp nghĩa”; Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ làm kinh tế giỏi; Xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc…

Hiện nay, Hậu Giang có trên 10.000 đối tượng chính sách đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Trong đó có 1.438 mẹ được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 3.000 thương binh, bệnh binh, gần 4.800 thân nhân liệt sĩ, gần 1.600 người dân có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến… Hậu Giang là địa bàn có vị trí chiến lược rất quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với truyền thống yêu nước và ý chí quật cường, quân và dân Hậu Giang nói riêng và Quân khu 9 nói chung đã đoàn kết, chung sức đồng lòng, huy động sức người, sức của, bằng cả tính mạng và xương máu của mình để anh dũng chiến đấu, tiến công và nổi dậy đánh bại các âm mưu thâm độc của kẻ thù, góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Gặp mặt nghĩa tình ở Hậu Giang

Trong nhiều năm qua, với tinh thần trách nhiệm và lòng biết ơn đối với người có công với cách mạng, các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh luôn làm hết sức mình để các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng có cuộc sống ổn định về vật chất và thoải mái về tinh thần. Toàn tỉnh đã có trên 5.000 ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng mới, hỗ trợ sửa chữa hơn 500 căn. Nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh được xây dựng khang trang với kinh phí gần 50 tỉ đồng. Tỉnh cũng đã thí điểm cho vay vốn, chuộc sổ đỏ cho hơn 150 hộ người có công với số tiền gần 2 tỉ đồng; phối hợp với Ngân hàng chính sách Xã hội tạo điều kiện để người có công được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và các mô hình làm ăn có hiệu quả thông qua các chương trình kinh tế, xã hội của địa phương để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Đến nay 100% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư cùng nơi cư trú…

 Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở Hậu Giang với các chương trình cụ thể như: Tặng nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng và nhận đỡ đầu con liệt sĩ, con thương binh; xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng… đã phát triển sâu rộng đến từng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, các doanh nghiệp, đơn vị và người dân. Hiện nay, 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, ban ngành, các tổ chức xã hội nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Các thân nhân liệt sĩ già yếu neo đơn, thương bệnh binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng được các tổ chức, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tiền, quà.

Bàn giao nhà tình nghĩa tại xã Vị Đông, huyện Vị Thuỷ.

Lan tỏa xuống các địa phương

Xã Vị Đông (huyện Vị Thủy) là một trong những xã còn nhiều khó khăn. Toàn xã hiện có 150 đối tượng chính sách được hưởng trợ cấp thường xuyên với số tiền tương đương 170 triệu đồng/tháng. Không chỉ làm tốt công tác chi trả trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng chính sách, xã Vị Đông còn thực hiện tốt các chế độ khác như: Xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, rà soát cấp thẻ bảo hiểm y tế, thực hiện chế độ an dưỡng tập trung, ưu tiên đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con, em các đối tượng có công và gia đình chính sách… Ông Lê Thanh Hùng, thương binh 3/4 ở ấp 1 (xã Vị Đông), lập gia đình và phải trải qua những tháng ngày vất vả mưu sinh. Để chia sẻ gánh nặng với thương binh, ngoài số tiền trợ cấp hàng tháng, địa phương đã hỗ trợ ông Hùng xây dựng căn nhà tình nghĩa, nhờ vậy vợ chồng ông đã yên tâm sản xuất, cuộc sống ổn định.

Huyện Châu Thành A có 2.453 đối tượng chính sách, trong đó có 1.026 đối tượng được hưởng trợ cấp thường xuyên, với tổng kinh phí gần 1,4 tỉ đồng/tháng. Xác định công tác chăm lo đời sống đối tượng chính sách là việc làm thường xuyên, thời gian qua, các cấp, ngành ở địa phương đã thực hiện nhiều chương trình như: Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, sửa chữa nhà ở, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng… Hiện trên địa bàn huyện không còn đối tượng chính sách thuộc diện hộ nghèo.

Bà Bùi Thị Hai ở ấp Thạnh Lợi A (xã Tân Phú Thạnh), những năm 70 của thế kỷ trước từng tham gia cách mạng, sau giải phóng bà trở về quê hương phát triển kinh tế nhưng cuộc sống luôn túng quẫn. Vừa qua, gia đình bà được chính quyền địa phương trao tặng căn nhà tình nghĩa khang trang, thay thế căn nhà lụp xụp, dột nát trước đây. Giọng xúc động, bà tâm sự: Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình tôi đã có được căn nhà kiên cố để che nắng, che mưa, yên tâm sản xuất. Nhiều đêm nằm trong căn nhà khang trang mà mừng không ngủ được.

Khám bệnh từ thiện cho người dân.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức tặng 180.002 phần quà cho các đối tượng chính sách xã hội và các đối tượng khác với tổng kinh phí 52.711.440.300 đồng; tổ chức lễ phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 252 mẹ; tổ chức điều dưỡng cho người có công với cách mạng năm 2015 tổng số 5.676 đối tượng với 6.837,6 triệu đồng...

Là tỉnh sản xuất nông nghiệp, nhưng việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất ở Hậu Giang chưa nhiều; giá trị gia tăng của sản phẩm còn thấp; đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn; số hộ nghèo của tỉnh còn khoảng 8%, cao hơn mức bình quân của cả nước. Khó khăn là vậy, song nhờ biết vận dụng chặt chẽ ba nguồn lực: Nhà nước, xã hội và bản thân đối tượng tự vươn lên, Hậu Giang đã trở thành điểm sáng trong phong trào tôn vinh chăm sóc người có công.

Lê Hoàng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh