CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:06

Những bữa cơm tình nghĩa

Giúp người trong lúc gian khó

Khu vực quanh Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận có rất nhiều bếp ăn từ thiện, được mở ra không phải để kinh doanh, mà để giúp những bệnh nhân nghèo. Với các bệnh nhân có thể tự ra ngoài ăn, được phục vụ tại chỗ, còn với người sức khỏe yếu, được nhân viên mang vào tận nơi. Ông Nguyễn Chung, chủ bếp ăn từ thiện tâm sự: “Làm việc thiện này, tôi thấy vui vì được giúp đỡ người bệnh trong lúc họ gặp khó khăn”.

Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận là địa chỉ khám bệnh của rất nhiều bệnh nhân nghèo là công nhân, lao động đến từ khắp nơi. Hôm chúng tôi có mặt, chưa tới 10 giờ sáng, khu phát cơm từ thiện của bệnh viện đã chật kín người. Tiếng bát đũa lách cách, tiếng trò chuyện, nói cười rôm rả. Ông Trần Văn Phước, bệnh nhân nghèo đang điều trị bệnh xúc động bày tỏ: “Nhờ các bếp ăn từ thiện nên tôi mới có sức sống được đến ngày hôm nay đấy.

 Gia đình neo đơn, con cái đều mưu sinh ở xa, nên việc ăn uống đều được người khác giúp cả. Những bữa cơm này sâu nặng nghĩa tình lắm”. Ra đời chưa lâu nhưng các bếp ăn từ thiện đã làm ấm lòng hàng trăm bệnh nhân nghèo. Đều đặn mỗi ngày, buổi sáng hàng trăm phần cháo các loại, trưa cơm, chiều cơm nóng được đưa đến tận tay từng người bệnh.

Một trong những người tiên phong xây dựng bếp ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo là anh Trần Thanh Liêm, anh từng khởi xướng một bếp ăn từ thiện ở Bệnh viện Hàm Thuận Nam, sau thấy khu vực Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận có nhiều bệnh nhân cần giúp đỡ, anh quyết định mở thêm một bếp tại đây. Mỗi ngày trung bình có trên 200 suất từ bếp ăn của anh Liêm được đưa đến cho các bệnh nhân nghèo.

Chị Nguyễn Thị Lan, tình nguyện viên tại các bếp ăn từ thiện ở đây cho biết: “Các suất ăn đều đảm bảo đủ dưỡng chất, thậm chí có chất lượng hơn so với các quán cơm thông thường ở bên ngoài. Những tình nguyện viên như chúng tôi luôn xác định giúp người bệnh nghèo cũng như giúp người thân của mình vậy, không phân biệt, câu nệ gì....”

Anh Trần Văn Hoàng ở bếp ăn từ thiện Hoàng chia sẻ: Đây là cách giúp đỡ trực tiếp người bệnh có ý nghĩa nhất. Bởi khi bị bệnh, là lúc cơ thể con người cần có đủ dưỡng chất để chống chọi với bệnh tật. Nhìn người bệnh ăn uống vui vẻ là chúng tôi quên đi mọi mệt mỏi và lo toan, tiếp tục phục vụ người bệnh.

Thắp lên niềm tin yêu cuộc sống

Từ những bếp ăn từ thiện này đã kết nối tình yêu thương, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau của các người bệnh. Một số người sau khi vượt qua bệnh tật, khó khăn đã quay về ủng hộ trực tiếp giúp các bếp ăn đặc biệt này.

Bà Nguyễn Thị Hoa, từng phải điều trị dài ngày bởi bệnh đái tháo đường, tâm sự: “Chồng tôi mất sớm, các con đều nghèo khó ở tận ngoài Bắc, một mình tôi vào đây mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo. Khi bị bệnh số tiền dành dụm chỉ đủ thanh toán tiền viện, chẳng còn tiền để chi phí việc ăn uống nữa. May có các bếp ăn từ thiện, tôi như lấy lại được lòng tin yêu cuộc sống, yên tâm điều trị bệnh”.

Những bếp ăn từ thiện đã thắp sáng lên niềm tin của bệnh nhân nghèo.

Bệnh nhân Nông Thu Cúc, cũng tâm sự: “Quê tôi tận Cao Bằng, nhà bị sập trong một trận bão lớn, tôi vào đây mưu sinh bằng nghề bán phế liệu. Khi ngã bệnh,  người quen quyên góp được 5 triệu đồng đóng viện phí. Còn toàn bộ ăn uống trong gần một tháng điều trị, đều được các bếp ăn từ thiện trợ giúp”.

Ông Nguyễn Đức Toàn, chủ một bếp ăn, chia sẻ: “Tôi làm bếp ăn từ thiện phục vụ các bệnh nhân cũng lâu rồi. Các bệnh nhân đều quen biết, xem các bếp ăn của chúng tôi như chính nhà của họ vậy. Nhiều khi chủ và khách không phân biệt, bệnh nhân khỏe ra quán ăn cơm còn xắn tay cùng tham gia nấu ăn, phục vụ, rất ấm cúng”.

Chị Trần Thị Thanh là một trường hợp đặc biệt. Cách đây 4 năm, chị làm nghề mua bán phế liệu, bị bệnh phổi vào điều trị, rồi được các bếp ăn từ thiện giúp đỡ. Khi ra viện, buôn bán hàng tạp hoá có lời lãi, chị đều đặn hàng tháng quay về ủng hộ các bếp mua đồ nấu cơm cho bệnh nhân nghèo. Để tăng tinh thần kết nối, hàng tuần các bếp ăn tổ chức sinh hoạt văn nghệ cho các bệnh nhân đã dần hồi phục sức khỏe. Điều đó như kích thích thêm tinh thần và động lực an tâm trị bệnh cho họ.

Các suất ăn đều được chuẩn bị chu đáo, sạch sẽ.

Chị Thanh bộc bạch, ban đầu phải nhờ vả đến bếp ăn như thế này có cảm giác tự ti lắm vì hoàn cảnh của mình khó khăn. Nhưng rồi, sự ấm cúng và đồng điệu của nhiều cảnh ngộ đã xua tan cảm giác mặc cảm đó. Nhiều bệnh nhân có chung hoàn cảnh như nhau còn kết thân và gắn bó với nhau từ chính những lần ăn cơm trong các bếp ăn đặc biệt này.

Đó là trường hợp anh Nguyễn Văn Chuyên, làm nghề bốc vác tự do gặp chị Lê Thị Tám tại bếp ăn, sau đó hai người đã nương tựa cùng nhau vượt qua những tháng ngày gian khó. Bây giờ cuộc sống tuy chưa dư dật, nhưng thỉnh thoảng anh chị vẫn về ủng hộ cho các bệnh nhân nghèo.

"Nếu không có cơm từ thiện, nằm viện, tiền mua thuốc còn không có, lấy tiền đâu mà mua cơm. Thật may cho tôi”- Đó là tâm sự của ông Hai Năm, 70 tuổi, đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận. Cầm trên tay suất cơm đang nóng hổi, bà Nguyễn Thị Hà, 76 tuổi ở huyện Tuy Phong, cảm kích: “Tôi vô cùng cảm ơn các cô chú của bếp ăn từ thiện, ai cũng tận tình chu đáo.

 Tôi nằm viện đã hơn một tuần, nhà xa, con cháu bận công việc nên không ở đây chăm sóc thường xuyên. Tôi thấy cơm ở đây còn ngon hơn cơm ở nhà. Nhờ bữa cơm từ thiện mà tôi và bệnh nhân nghèo đều có bữa ăn tươm tất. Mong sao ở nhiều nơi khác cũng có những bếp ăn như thế...”

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh