THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 06:00

Hát Xoan - Niềm tự hào về làn điệu di sản

Hát Xoan - làn điệu di sản

Hát Xoan là loại hình nghệ thuật đặc sắc của miền quê đất Tổ, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa cổ, gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng,  được trình diễn ở cửa đình vào mùa Xuân. Hát Xoan chia thành 3 chặng: Hát nghi lễ, hát quả cách và hát hội.

Một buổi trình diễn Xoan của các nghệ nhân phường Xoan An Thái (Ảnh VTV News).

Một buổi trình diễn Xoan của các nghệ nhân phường Xoan An Thái (Ảnh VTV News).

Về nguồn gốc của làn điệu hát Xoan có rất nhiều sự tích, giai thoại khác nhau. Nhưng theo Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lịch - trùm phường Xoan An Thái (Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cho biết: “Nghệ thuật hát Xoan được hình thành từ thời kỳ Hùng Vương dựng nước gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng của người Việt Cổ. Trải qua thời gian dài phát triển trong cộng đồng, hát Xoan dần được dung hòa giữa ca hát nghi lễ và ca hát dân gian nguyên thủy. Đến thời Hậu Lê, những bài hát Xoan đã được các nhà Nho biên soạn và lưu truyền cho đến ngày nay”. Những điệu hát múa Xoan gắn liền với cuộc sống thường ngày của người dân Việt, chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc và cách trình diễn tinh tế.

Theo nghệ nhân Lịch chia sẻ: “Mỗi một động tác trong biểu diễn Xoan đều có ý nghĩa, người biểu diễn chụm tay và uốn vào trong tượng trưng cho nụ hoa. Sau đó, đưa tay ra ngoài và đưa tay lần lượt từ trái sang phải, tượng trưng cho bông hoa đâm chồi nảy lộc trong mùa xuân. Đưa tay từ trái trước rồi đến phải tức là trong cuộc sống này luôn có mặt trái, mặt phải. Khi trình diễn Xoan, đào hát phải chú ý kết hợp giữa miệng hát, tay uốn, chân nhón, mắt đưa. Tất cả các động tác phải khớp với nhịp trống, nhịp phách và kép hát".

Chung tay bảo vệ hát Xoan

Năm 2011, Hát Xoan được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Toàn tỉnh Phú Thọ chỉ có 7 nghệ nhân có thể trình diễn và truyền dạy Hát Xoan theo lối cổ. 

Đối diện với nguy cơ mai một di sản, chính quyền địa phương đã khởi động chương trình bảo vệ và phát triển những báu vật nhân văn sống. Mấy năm nay, đều đặn vào các thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, việc đào tạo các thế hệ kế cận của bốn phường Xoan cổ luôn được thực hiện chặt chẽ và có kế hoạch. 

Các em nhỏ phường Xoan An Thái thực hiện trình diễn Xoan (Ảnh: Hồng Minh).

Các em nhỏ phường Xoan An Thái thực hiện trình diễn Xoan (Ảnh: Hồng Minh).

Vì thế chỉ 6 năm sau, như “chưa có tiền lệ”, hát Xoan đã được UNESCO thực hiện chuyển đổi đặc biệt, chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của toàn nhân loại. Chính nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các nghệ nhân và tỉnh Phú Thọ đã giúp Hát Xoan thực hiện được cú “lội ngược dòng” đầy ngoạn mục này.

Tháng 6 năm nay, Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Phú Thọ lên kế hoạch và tổ chức triển khai các lớp truyền dạy và thực hành hát Xoan dành cho lớp nghệ nhân kế cận tại phường Xoan An Thái. Tại các lớp học này, học viên sẽ được nâng cao khả năng trình diễn các bài Xoan cổ nằm cả trong 3 chặng Hát thờ, Hát quả cách, Hát hội như: Bỏ Bộ, Mời Vua, Xoan thời cách, Tứ mùa cách, Hát đúm, Mời rượu,.... luyện tập hát múa, gõ trống,... Bên cạnh đó, học viên cũng được tìm hiểu về ý nghĩa, trình tự của các chặng hát và bồi dưỡng kiến thức về lịch sử, ý nghĩa của bộ môn này.  

May mắn được sinh ra và lớn lên tại phường Xoan gốc An Thái, em Bùi Thị Thu Trang đã được tiếp xúc với bộ môn hát Xoan ngay từ khi còn bé. Hiện nay, em đã có thể thành thạo nhiều bài Xoan cổ. Được chính các nghệ nhân trong phường truyền dạy nên em đã mang một niềm yêu thích vô cùng to lớn với Xoan.

“Em thường luyện tập hát Xoan trong lúc rảnh rỗi và dịp nghỉ hè. Em rất yêu và tự hào với bộ môn hát Xoan vì đây chính là làn điệu dân ca đặc sắc của quê hương Phú Thọ nói riêng và cũng là di sản văn hóa của toàn nhân loại nói chung” - Trang hào hứng chia sẻ. 

Thu Trang (giữa) cùng các bạn chuẩn bị trang phục biểu diễn Xoan (Ảnh: Hồng Minh).

Thu Trang (giữa) cùng các bạn chuẩn bị trang phục biểu diễn Xoan (Ảnh: Hồng Minh).

Hiện nay, toàn tỉnh cũng Phú Thọ đang đẩy mạnh tích cực mô hình “trường học gắn với di sản”, giúp cho những điệu Xoan cổ dần trở nên quen thuộc. Các phong trào tìm hiểu, bài học về hát Xoan được vang lên đều đặn trong các trường học.

Theo bà Phùng Thị Hoa Lê - Trưởng phòng quản lý du lịch tỉnh Phú Thọ: “Hát xoan là loại hình dân gian nghi lễ từ thời đại Hùng Vương gần như mai một cần được bảo vệ khẩn cấp. Đưa hát xoan vào trường học chính là một giải pháp đáng mừng để đào tạo đội ngũ kế cận để biết đến, yêu và lan tỏa Xoan. Khi các em học hát xoan, các em hiểu về di sản của ông cha mình, từ đó mới tạo điều kiện để truyền bá đến nhiều người.” 

Lan tỏa làn điệu Xoan cổ

Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động truyền dạy để “giữ lửa” nghề Xoan - các nữ nghệ nhân tại phường Xoan An Thái còn có những hoạt động thiết thực để lan tỏa giá trị của làn điệu Xoan cổ. Nổi bật nhất là MV Xoan Bỏ Bộ do các nghệ nhân và nhạc sĩ Ngô Hồng Quang phối hợp thực hiện.

Các nghệ nhân phường An Thái trong Mv Xoan Bỏ Bộ.

Các nghệ nhân phường An Thái trong Mv Xoan Bỏ Bộ.

Không chỉ góp giọng trong ca khúc, các nghệ nhân cùng một số em nhỏ tại phường Xoan An Thái đã trực tiếp tham gia ghi hình biểu diễn phần múa Xoan trong MV. Với chất liệu Xoan cổ, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang đã thực hiện hòa âm phối khí lại khúc Bỏ Bộ theo phong cách đương đại mới mẻ. Hoạt động ý nghĩa này đã đưa làn điệu Xoan đến gần hơn với nhiều khán giả trong và ngoài nước, giúp giá trị di sản của miền quê Đất Tổ được trường tồn với thời gian.

HỒNG MINH -KHÁNH LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh