Đề nghị UNESCO công nhận hát xoan là Di sản văn hóa nhân loại
- Văn hóa - Giải trí
- 12:55 - 23/03/2016
Bộ VH, TT&DL phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam làm các thủ tục cần thiết để gửi hồ sơ tới UNESCO trước ngày 31/3/2016.
Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các vua Hùng. Thuở xa xưa, người Văn Lang tổ chức các cuộc hát Xoan vào mùa xuân để đón chào năm mới. Có 3 hình thức hát xoan: hát thờ cúng các vua Hùng và Thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe; và hát lễ hội là hình thức để nam nữ giao duyên.
Hội thi hát Xoan Phú Thọ năm 2011
Theo sử sách ghi lại, hát Xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm, là di sản văn hóa dân gian hết sức quý báu. Các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Gốc của hát Xoan ở vùng Phú Thọ, sau đó lan tỏa tới các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc. Bốn phường Xoan cổ là: An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở 2 xã Kim Đức và Phương Lâu (Phú Thọ).
Hát Xoan tại lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2015
Ca nhạc của Xoan là ca nhạc biểu diễn với đầy đủ các dạng thức nhạc hát: hát nói, hát ngâm, ngâm thơ và ca khúc; có đồng ca nữ, đồng ca nam, tốp ca, đối ca, hát đa thanh, hát đuổi, hát đan xen, hát có lĩnh xướng và hát đối đáp. Về sắc thái âm nhạc, nhạc Xoan vừa có những giọng nghiêm trang, thong thả vừa có những điệu dồn đuổi khỏe mạnh, lại có những giọng duyên dáng, trữ tình. Trong hát Xoan, múa và hát luôn đi cùng và kết hợp với nhau, dùng điệu múa minh họa nội dung cho lời ca. Sức sống của hát Xoan chính là ở sự kết hợp của loại hình hát lễ nghi với hát giao duyên, tồn tại lâu dài và được nhiều thế hệ yêu thích.
Trước đó, ngày 24/11/2011, hát Xoan Phú Thọ chính thức được Ủy ban liên quốc gia của tổ chức UNESCO họp tại Bali (Indonesia) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.