THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:39

Hari Won, Xuân Bắc đồng hành cùng chương trình phòng, chống bạo lực học đường

 

Theo thống kê của Bộ GD& ĐT, năm 2015 có 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Trung bình, mỗi ngày có 5 vụ bạo lực học đường diễn ra tại trường học. Trong giai đoạn 2010 – 2018, cả nước có 7.735 học sinh, sinh viên tham gia vào các vụ đánh nhau, bị xử lý kỷ luật.

Hari Won, Xuân Bắc cùng lên tiếng phòng, chống bạo lực học đường.

 

Trưởng đại diện GNI tại Việt Nam An Jong Sic cho rằng: Trong xã hội hiện nay, nổi cộm lên vấn đề bạo lực học đường. Dù đã có rất nhiều rẩt nhiều trường và cơ quan quan tâm can thiệp nhưng các vụ bạo lực học đường vẫn đang gia tăng và các nạn nhân bạo lực học đường vẫn phải chịu nỗi đau về thể xác và tinh thần. Trường học phải là nơi an toàn để các em học tập và trưởng thành. Để làm được điều đó, không chỉ GNI mà tất cả cộng đồng chung tay cùng “Phòng ngừa bạo lực học đường và xây dựng môi trường an toàn cho trẻ”.

Để cùng chung tay xây dựng môi trường an toàn cho trẻ, GNI khởi động dự án thí điểm "Phòng ngừa bạo lực học đường - xây dựng môi trường an toàn cho trẻ". Dự án tập trung vào đối tượng học sinh tại thành phố Hà Nội với mục tiêu hướng tới việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, không bạo lực, thông qua nâng cao hiểu biết và năng lực của giáo viên, phụ huynh và chính bản thân học sinh.

Trong khuôn khổ dự án, GNI phát động cuộc thi “Nhà viết kịch tài năng” và “Chuỗi chương trình kịch tương tác” thực tế tại nhà trường là công cụ truyền thông và giáo dục chính của dự án. Bên cạnh đó, chiến dịch "Xóa bỏ bạo lực, tích cực yêu thương" thuộc dự án bao gồm hoạt động "Hòm thư yêu thương", "Cuộc thi thiết kế sản phẩm truyền thông" nhằm mang những thông điệp tích cực, bước đầu thay thế và loại bỏ các hành vi tiêu cực, bạo lực trong môi trường học đường.

Các chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho nhóm giáo viên nòng cốt tại trường học giúp xây dựng các chuyên đề sinh hoạt liên quan, chủ động trong định hướng nhận thức, hành vi, thái độ cho học sinh, cán bộ trong nhà trường.

Với thông điệp Be Friend, dự án “Phòng ngừa Bạo lực học đường – Xây dựng môi trường an toàn cho trẻ” mong muốn chính các em học sinh sẽ đóng vai trò nòng cốt, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ xây dựng nên những ngôi trường an toàn - nơi kết nối tình bạn và đẩy lùi mọi hành vi bạo lực. Hi vọng trong tương lai, thông điệp “Be Friend” sẽ là một từ khóa nổi bật trong cộng đồng và các trường học. GNI tin rằng thông điệp này sẽ thực sự trở thành những hành động cụ thể, là biểu hiện của sự gắn kết tập thể của các em học sinh dù là tập thể nhỏ nhất: Tình bạn.

Các đại biểu cam kết tham gia chương trình phòng, chống bạo lực học đường.

 

Tại lễ khởi động dự án, nghệ sĩ Xuân Bắc – đại sứ dự án và ca sĩ Hari Won – đại sứ quảng bá của tổ chức GNI mong thông điệp của dự án sẽ được lan tỏa, thu hút được sự chú ý của nhiều hơn nữa các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế, qua đó hành động chung tay vì một môi trường học đường không bạo lực sẽ được thực hiện một cách đồng bộ, mạnh mẽ.

Hari Won kể về câu chuyện bạo lực học đường mà mình đã từng trải qua. Theo đó, khi còn là học sinh, cô đã từng bị bạo lực. Dù muốn được an toàn nhưng không biết cách chia sẻ với bố mẹ hay thầy cô nên chọn cách trốn học, xin cô về nhà trước vì sức khỏe không tốt. Hari không dám về nhà sợ mẹ cha mắng nên lang thang chờ đến giờ tan học mới dám về nhà. “Câu nói bâng quơ của một bạn trong lớp “Học xong ra sau trường nhé” là câu nói mà tôi cũng như các bạn hoc sinh khác sợ khủng khiếp và đành chọn cách trốn học. Một lần bố phát hiện trốn học và tôi khai thật: Trốn học vì sợ bị bạn đánh. Sau khi được nói lên sự thật, không những bố mẹ mà thầy cô luôn quan tâm và thường xuyên hỏi: Con có hạnh phúc không? Có việc gì cần giúp đỡ không? Và tôi thấy rất hạnh phúc, cảm nhận được sự yêu thương, quan tâm của thầy cô”, Hari Won chia sẻ.

Ca sĩ Hari Won.

 

Hari Won mong muốn, trẻ cần được trang bị những kiến thức để lên tiếng khi bị bạo lực. Thầy cô, gia đình cần quan tâm con nhiều hơn.

Phó hiệu trưởng THCS Vinschool Phạm Quỳnh Dương chia sẻ về nội dung cuốn tự tryện “Marion, mãi mãi tuổi 13”. Cuốn tự truyện của một người mẹ kể về con gái 13 tuổi bị bạo lực học đường trong suốt một thời gian dài mà không ai biết và cũng không biết làm thế nào để nói với thầy cô và bố mẹ. Cuối cùng, cô gái rơi vào trầm cảm và đã tự vẫn. Mẹ cô bị sốc, quyết đi tìm sự thật về cái chết của con gái và qua những trang nhật ký của con người mẹ phát hiện sự thật về nạn bạo lực học đường mà con phải trải qua. Câu chuyện về cô bé đã làm chấn động nền giáo dục nước Pháp.

Bà Dương chia sẻ, trong khi bố mẹ đang đi làm thì có ít nhất 5 em nhỏ đang bị bạo lực học đường. Nhu cầu sống còn và an toàn là những nhu cầu thiết yếu của bất kỳ ai, đối với trẻ nhỏ càng đây là nhu cầu cấp thiết. “Tôn chỉ hàng đầu của trưởng Vinschool là mỗi ngày đến trường trẻ phải được hạnh phúc, an toàn và đưa vào chương trình giáo dục phẩm chất, đạo đức với nhiều hoạt động nhưng vẫn không thể chắc chắn 100% học sinh được an toàn. Hạnh phúc lớn nhất của mỗi trẻ khi ở trường là được an toàn, chăm sóc và yêu thương. Mỗi chúng ta đều đã từng là những đứa trẻ, cũng đã từng có những mong muốn đó, và trách nhiệm của chúng ta là phải làm cho tất cả các trẻ được an toàn, chăm sóc và yêu thương. Vinschool cam kết triển khai dự án đến từng học sinh để các em hiểu và được sống an toàn”, bà Dương cho hay.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh