THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:41

Vốn nhà nước là chất xúc tác để phát huy nội lực cộng đồng giảm nghèo

 

Đây là thông tin được Vụ trưởng, Chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) Ngô Trường Thi đưa ra tại hội thảo “Đổi mới cơ chế quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững 2016 – 2020 – Cơ hội, thách thức và giải pháp” do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức OXFAM tổ chức ngày 30/3, tại Đà Nẵng.

 

Vụ trưởng Ngô Trường Thi chủ trì hội thảo.

 

Mở rộng chính sách hỗ trợ hộ thoát nghèo, cận nghèo

Vụ trưởng Ngô Trường Thi cho biết thêm, qua kiểm tra thực hiện chương trình giảm nghèo tại một số địa phương cho thấy, áp dụng cách tiếp cận phát triển cộng đồng trong hợp phần phát triển sản xuất và đa đạng sinh kế đã phát huy tiềm năng, thế mạnh, nội lực cộng đồng. Theo đó, triển khai các mô hình, tiểu dự án dựa vào cộng đồng đã trao quyền cho cộng đồng thực hiện các tiểu dự án, còn vốn hỗ trợ từ bên ngoài đóng vai trò “vốn mồi” – chất xúc tác nhằm phát huy nội lực cộng đồng.

Ông Thi lấy ví dụ: “Trước đây chính quyền rất quyết tâm để giúp người dân thoát nghèo nhưng hiệu quả chưa cao. Huyện đã mua giống bò lai sin phát cho hộ nghèo, phát giống cỏ để trồng cho bò ăn nhưng dân vẫn không thể phát huy được nguồn vốn được hỗ trợ. Qua kiểm tra cho thấy, cỏ giống được phát người dân có trồng, bò nhận về người dân có nuôi nhưng không làm chuồng trại, không chăm sóc bò cản thẩn bởi vốn được hỗ trợ “cho không” nên không chăm sóc chu đáo, bò sống hay chết cũng mặc kệ”.

Cũng theo ông Thi, chỉ đến khi người dân phải bỏ ra đóng góp (tối thiểu 10%), cùng chương trình hỗ trợ vốn, đào tạo nghề của chính phủ thì ý thức của người dân về nguồn vốn đã nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, việc hỗ trợ chỗ mỗi hộ cũng được nâng lên “ra tấm ra món hơn”, mỗi hộ được hỗ trợ đầu tư ít nhất là 2 – 3 con bò để chăn nuôi đến khi bò đẻ ra bê mới đủ tiền làm nhà mới, tái đầu tư sản xuất. Sau khoảng 3 năm, con bò giống lại tiếp tục được luân phiên chuyển sang cho một hộ nghèo khác nuôi.

Ông Thi thông tin thêm, chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 tăng cường mở rộng chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo về vốn vay ưu đãi, hỗ trợ bảo hiểm y tế, nhờ đó giảm tình trạng người dân tranh nhau vào hộ nghèo. Tại Thừa Thiên Huế, sau khi triển khai chương trình này, dư nợ tại Ngân hàng chính sách của hộ mới thoát nghèo, cận nghèo gấp 4 lần so với hộ cận nghèo.

Địa phương khó lồng ghép nguồn lực

Chia sẻ những kinh nghiệm thực hiện chương trình giảm nghèo tại địa phương, ông Bùi Văn Thảng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Trị cho biết, Quảng Trị đã thực hiện phân cấp, trao quyền cho UBND các xã làm chủ đầu tư Dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các dự án thực hiện trên địa bàn xã thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020. Việc phân cấp đầu tư cho UBND và trao quyền cho cộng đồng thực hiện các Dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển triển khai từ khâu lập kế hoạch, đăng ký kế hoạch, triển khai thực hiện và quyết toán nội dung hoạt động, công trình bảo đảm theo quy định.

 

Hỗ trợ bò giống luân phiên để nhiều người nghèo được hưởng lợi.

 

“Tuy nhiên, đối với địa bàn các xã đặc biệt khó khăn ở miền núi và dân tộc thiểu số thì việc phân cấp cho xã làm chủ đầu tư về cơ sở hạ tầng không đạt một số mục tiêu đề ra về: Phát huy dân chủ của cơ sở, của người dân từ khâu lập kế hoạch; nâng cao năng lực cho cán bộ xã; huy động nguồn lực trong dân về đóng góp tiền và ngày công lao động (hầu như không có đóng góp từ người dân, nhất là chương trình 135); đầu tư dàn trải, chưa phát huy tốt nguồn lực của trung ương”, ông Thảng cho hay.

Còn theo ông Hồ Sỹ Hải, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH Đắk Nông, thực hiện chương trình giảm nghèo tại Đắk Nông vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Về cơ chế điều phối và phối hợp, vai trò và quyền hạn thực tế của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, đánh giá và kiểm tra, quản lý đối tượng còn hạn chế. Cơ quan thường trực chương trình giảm nghèo vẫn chưa có đủ thẩm quyền trong điều phối và giám sát các hợp phần khác, chỉ làm nhiệm vụ tổng hợp báo cáo của các Sở, ban ngành và địa phương. Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo được lập ra nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, Chương trình giảm nghèo thiếu sự liên kết giữa các dự án hợp phần của Chương trình do được thực hiện độc lập bởi các Sở, ngành khác nhau, nhưng lại chưa được phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng.

“Hiện vẫn chưa huy động được nhiều nguồn lực tại chỗ, chưa phát huy được nội lực trong dân và chính người nghèo; quan điểm trông chờ, ỷ lại vào vào nguồn vốn ngân sách vẫn còn tồn tại không ít ở một số địa phương và người nghèo. Mặt khác, Đắk Nông là một tỉnh có ít các doanh nghiệp nên việc huy động nguồn lực hỗ trợ cho giảm nghèo ở các doanh nghiệp còn khó khăn. Hiện nay có 2 chương trình mục tiêu quốc gia đang được thực hiện, yêu cầu lồng ghép nguồn lực trên cùng địa bàn nhưng mỗi chương trình lại có mục tiêu, đối tượng, cơ chế quản lý, thanh toán riêng, rất khó thực hiện lồng ghép”, ông Hải nêu vấn đề. 

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh