THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:41

Hành trình đi đến cái chết của sông Cẩm Đàn

Bài 1: Bùn thải lấp sông, chính quyền làm ngơ (!)

Bùn thải bao vây sông Cẩm Đàn

Xã cẩm Đàn, nằm dọc theo đường Quốc lộ 31 và con sông Cẩm Đàn, đây cũng là một nhánh quan trọng của dòng sông Lục Nam. Thế nhưng đã từ lâu, người dân nơi đây đã không dám đụng đến nước sông vì nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, mà nguyên nhân chính theo người dân nơi đây phản ánh là do Nhà máy luyện đồng Á Cường xả thải.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Nhà máy tuyển và luyện đồng Á Cường có hai cơ sở đang hoạt động tại xã Cẩm Đàn, một cơ sở là phân xưởng tuyển luyện đồng đóng tại thôn Đồng Bưa, và nhà máy chính nằm ở thôn Gốc Gạo. Hai cơ sở này cách nhau khoảng 3 cây số, và gần như là hai điểm tạo thành nút thắt bao vây con sông này.

Cũng vì nằm dọc theo trục đường chính là Quốc lộ 31 nên đập vào mắt chúng tôi, điều đầu tiên là con sông Cẩm Đàn một màu nước đục ngầu trắng xóa. Ngay đầu xã, đứng ở cầu Cẩm Đàn nhìn lên chưa đầy 100m là một “bãi bồi khổng lồ” chắn gần nữa con sông do phân xưởng tuyển luyện đồng của nhà máy này đóng tại thôn Đồng Bưa xả bùn thải.

Bãi bùn thải khổng lồ chắn gần hết con sông Cẩm Đàn Bãi bùn thải khổng lồ chắn gần hết con sông Cẩm Đàn .

Ông Hoàng Văn Tiến, thôn Gốc Gạo, xã Cẩm Đàn bức xúc: “Dân chúng tôi sống ở miền núi, nhưng không ai dám dùng nước giếng. Ở đây người ta lấp giếng từ lâu rồi, nhà nào cũng phải đầu tư ống dẫn nước từ trên núi cách mấy cây số về dùng. Các anh cứ ra đó mà xem thì biết, nhà máy xả thải như thế thì ai mà sống được, là dân ở đây từ lâu, nhưng chúng tôi sắp hết chịu nổi rồi”.

Dẫn chúng tôi ra khu vực xả thải, ông Tiến ngao ngán cho biết: “Không hiểu họ xử lý kiểu gì mà bùn thải ngày đêm cứ chảy ra sông thế này. Trước đây ở khu vực này, không khí rất trong lành, sông Cẩm Đàn luôn dồi dào tôm cá.

Vậy mà khi nhà máy hoạt động, mọi thứ đảo lộn tất cả. Quanh năm suốt tháng chúng tôi hít căng phổi mùi hóa chất nên hầu như ai cũng bị các bệnh liên quan đến hô hấp. Do chất thải độc hại xả ra sông quá nhiều, khiến nước sông ô nhiễm, đến việc rửa chân tay chúng tôi còn không dám… Nếu ngành chức năng không có biện pháp mạnh can thiệp, chắc chúng tôi phải bỏ làng đi nơi khác sống mất”.

Theo ghi nhân của chúng tôi tại khu vực nhà máy luyện đồng Á Cường, đóng tại thôn Gốc Gạo, nước thải và bùn thải được xả theo con mương từ nhà máy xuống con sông Cẩm Đàn dài khoảng 100m. Tại cống xả của nhà máy dòng nước thải khổng lồ màu trắng đục lẫn bùn thải cứ thế đổ ra sông. Một số cống khác thì dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi.Bãi bùn thải khổng lồ chắn gần hết con sông Cẩm Đàn

Tất cả hòa vào nhau xả hết ra sông Cẩm Đàn khiến khu vực sông Cẩm Đàn gần nhà máy bị bồi lấp nghiêm trọng. Đặc biệt nghiêm trọng hơn, sông Cẩm Đàn lại hòa vào sông Lục Nam, nên việc sông Lục Nam bị ô nhiễm là điều không thể tránh khỏi.

Cũng theo người dân, từ khi nhà máy luyện đồng Á Cường đi vào hoạt động, nguồn lợi thủy sản trên sông Cẩm Đàn ở khu vực xung quanh nhà máy bị suy giảm hẳn. Có thời điểm cá, tôm trên sông chết nổi lềnh bềnh.

Các hộ dân sống dọc bờ sông cũng không dám thả châu bò, gia súc, gia cầm cạnh sông vì nếu uống phải nguồn nước bị nhiễm hóa chất độc hại sẽ bị còi cọc và chết dần, chết mòn. Nhiều hộ dân sống bằng nghề chăn nuôi vịt, đánh bắt cá trên sông Cẩm Đàn phải bỏ nghề vì nguồn nước quá ô nhiễm.

Ngoài ra, lượng nước thải từ các hồ chứa của nhà máy này rò rỉ ra ngoài khiến đất đai, nguồn nước ngầm xung quanh nhà máy cũng bị ảnh hưởng. Cây cối của người dân xung quanh bị nhiễm hóa chất lụi tàn và chết dần. 

Khu vực nhà máy Cty cổ phần Tập đoàn khoáng sản Á Cường Khu vực nhà máy Cty cổ phần Tập đoàn khoáng sản Á Cường .

Phải chăng chính quyền không biết?

Trao đổi với PV, ông Đặng Thăng Long, phụ trách hành chính – nhân sự Nhà máy cho biết: “Hai cơ sở của nhà máy hoạt động đã hơn chục năm nay, và việc xả thải ra môi trường như người dân phản ánh là không có.

Cũng theo ông Long, hệ thống nước thải của nhà máy có hai dạng, một là nước không có hóa chất thì sẽ đi thẳng ra đập, những cặn bã chất thải sẽ được múc lên để khô ráo và sau đó được xử lý; hai là, nước luyện quặng đã xong sẽ được đi qua năm bể lọc rồi mới xả môi trường”.

Tuy nhiên, trên thực tế việc đối diện nhà máy là một khúc sông bị bùn thải bồi lấp nghiêm trọng không thể chối cãi, ông Long lý giải rằng do bể chứa bùn thải của nhà máy bị vỡ do cơn bão số 2 năm 2014, cho đến nay vẫn chưa khắc phục được nên mới có chuyện bồi lấp như vậy”.

Cũng theo chúng tôi ghi nhận, khu vực bể lắng để xử lý nước thải, cũng như bùn thải của công ty này rất sơ sài, và tất cả đều theo một con mương xả xuống sông Cẩm Đàn ngày đêm, khiến cho nước sông dục ngầu và bị bồi lấp.

Mặt khác, việc Nhà máy tuyển và luyện đồng Á Cường xả thải trực tiếp ra môi trường là rõ như ban ngày. Điều đáng nói sự việc nằm ngay trục đường chính là quốc lộ 31, chỉ cách UBND huyện Sơn Động khoảng 5km, và là con đường huyết mạch của huyện Sơn Động để giao thương với các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Vì vậy khi đi qua khu vực này đều có thể nhìn rõ mồn một bằng mát thường việc con sông bị xâm hại nghiêm trọng như thế nào. Thế nhưng cho đến nay, việc xả thải của doanh nghiệp này vẫn chưa hề bị xử lý. Từ những thực tế trên đặt ra câu hỏi phải chăng có sự chống lưng của ai đó trong việc làm sai trái của doanh nghiệp này?.

Chu Lương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh