Hàng trăm nghìn học sinh các địa phương nghỉ học vì rét đậm, rét hại
- Giáo dục nghề nghiệp
- 23:02 - 08/01/2021
Sáng 8/1, theo thống kê, ở Lạng Sơn có tổng số 418 trường cho HS nghỉ vì giá rét, 133,693 HS phải nghỉ học. Chia sẻ với VietNamNet, ông Bế Đoàn Trọng, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho hay, nhiệt độ tại địa phương sáng nay (8/1) dao động từ 4-5 độ C, do đó nhiều trường đã cho HS nghỉ học. T
Cụ thể, theo ông Trọng, có 13/27 trường THPT cho HS nghỉ. Có 9/11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cho học viên nghỉ học, chỉ Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Chi Lăng và Trung tâm giáo dục thường xuyên 2 vẫn cho HS đi học.
Còn lại, hầu hết các trường mầm non, tiểu học, THCS cho HS nghỉ. Chỉ có một số ít trường vẫn tổ chức học và lùi thời gian học do HS đã đến trường hoặc một số trường có bật điều hòa. Còn các trường phổ thông dân tộc nội trú vẫn cho HS học bình thường.
Ở Lào Cai, ông Lê Mạnh Trường, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT cho hay hôm nay là ngày rét cao điểm. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại có 7/9 huyện, thị xã, thành phố cho HS đi học bình thường. Chỉ có 2 huyện Sa Pa và Mường Khương cho HS một số trường nghỉ học để tránh rét kết hợp với lịch nghỉ sơ kết học kỳ 1 năm học 2020-2021. Số HS nghỉ học của 2 huyện này chiếm khoảng 50%.
Tuy nhiên, số này chỉ ở cấp mầm non, tiểu học và THCS. Còn cấp THPT thì 100% các trường trong toàn tỉnh cho HS đi học bình thường.
Cụ thể, ở huyện Sa Pa, có 2/21 trường mầm non nghỉ; 20/20 trường tiểu học và 6/20 trường THCS nghỉ. Còn ở huyện Mường Khương, có 2/20 trường mầm non nghỉ học; 4/17 trường tiểu học nghỉ và 16/19 trường THCS cho HS nghỉ học.
"Do xác định chuẩn bị ngay từ đầu nên các trường đều rất chủ động trong việc đối phó với thời tiết. Ở huyện Si Ma Cai được xác định là vùng rét nhất tỉnh, nhưng với các HS đã đến trường, các trường vẫn tiếp đón và bật máy sưởi, tổ chức nấu cơm cho các em ăn trưa sau đó thông báo cho phụ huynh đến đón", ông Trường nói.
Bà Lê Thị Hương, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Bắc Kạn cũng cho hay, sáng nay nhiều trường trên địa bàn tỉnh cũng đã điều chỉnh thời gian vào học buổi sáng.
"Sở GD&ĐT cho phép các phòng GD&ĐT tham mưu cho các huyện trên địa bàn chủ động linh hoạt trong việc điều chỉnh giờ học các trường sao cho phù hợp, đảm bảo sức khỏe và an toàn cho HS", bà Hương nói.
Theo ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn, tùy theo từng địa phương, từng vùng và từng dân tộc cụ thể mà các trường điều chỉnh cho phù hợp.
"Ví dụ ở các điểm vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số thì nếu các cháu ở nhà có khi còn rét hơn là đưa đến điểm trường kiên cố. Thậm chí, đến trường, các em được ăn uống tại chỗ và được chống rét tốt hơn tại nhà. Do địa bàn muôn hình muôn vẻ, nên chúng tôi giao quyền chủ động cho các địa phương, linh hoạt ứng biến ở từng điểm trường", ông Quyên chia sẻ.
Tại Lai Châu, ngay từ đầu mùa lạnh, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường chủ động theo dõi dự báo thời tiết, nhiệt độ thực tế hướng dẫn biện pháp phòng, chống rét cho HS; nhắc nhở các em mặc đủ ấm khi đến trường cũng như ở bán trú. Sắm sửa các trang thiết bị như: Máy sưởi, rèm cửa, màn… hoặc có thể khi cần đốt lửa sưởi ấm cho HS.
Tại Thái Nguyên, trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, trường học, đặc biệt là khối các trường mầm non chủ động triển khai các biện pháp phòng chống rét để giữ ấm cho trẻ; tuyên truyền cho HS mặc ấm trước khi tới trường; đồng thời điều chỉnh lịch học phù hợp với điều kiện thời tiết của từng ngày.
Theo thầy Nguyễn Đức Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Kỳ Thượng (xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long), thời tiết rét đậm, rét hại nhà trường chủ động rà soát, kiểm tra các phòng học, phòng học chức năng, phòng bán trú, phòng ăn... tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho HS.
Bên cạnh đó, nhà trường bảo đảm đủ thức ăn và thực phẩm sạch, chế độ ăn hợp lý, cơm, thức ăn, nước uống nóng sốt; chỗ nghỉ trưa ấm áp cho HS nội trú. Những ngày rét đậm, thầy cô thường xuống các phòng nhắc nhở HS giữ ấm, vệ sinh cá nhân sớm, cung cấp đủ nước ấm cho các em sinh hoạt.