Hàng nghìn tỉ đồng hóa tro trong mùa Vu Lan
- Y học 360
- 18:35 - 11/08/2016
Đốt tiền triệu để “báo hiếu” tổ tiên
Mới đầu tháng 7 nhưng bà Huệ (khu tập thể Giảng Võ, Hà Nội) đã đi sắm đồ lễ để chuẩn bị cúng rằm. Ngày nghỉ cuối tuần, bà sai con trai mang hẳn ô tô đi chở đồ mã. Thấy khách đang “mắt tròn mắt dẹt” ngắm đống đồ mã chất đầy góc nhà, bà giải thích “quần áo thì mua mỗi người vài bộ, tiền vàng đốt xuống cho các cụ có cái mà tiêu pha, ngựa này cô mua cho ông cụ thân sinh vì ngày xưa các cụ toàn đi ngựa, còn ô tô này là mua cho chú nhà cô, ông ấy mất sớm, ngày còn sống ông ấy chỉ mong con cái ăn nên làm ra sắm được cái ô tô đi đâu đỡ phải đi tắc xi, giờ con cái phương trưởng, mua được ô tô thì bố lại không còn. Năm nay cô còn gửi thêm một người giúp việc xuống để ông ấy có người chăm sóc…” - bà Huệ vừa nói vừa rơm rớm nước mắt khi nhắc đến người chồng mất cách đây vài năm vì căn bệnh ung thư.
Sự thành tâm, báo hiếu với người đã khuất được bà Huệ thể hiện bằng đống đồ mã chất đầy góc nhà. Với những người như bà, vài triệu đồng bỏ ra để mua đồ mã không đáng là bao, nhất là trong mùa Vu lan. Với quan niệm “trần sao, âm vậy” nên trong dịp này, nhiều gia đình đều chuẩn bị đồ cúng tươm tất với mong muốn để người đã khuất được hưởng cuộc sống sung túc, đủ đầy...
Phố Hàng Mã (Hà Nội), “thủ phủ” của các mặt hàng phục vụ người cõi âm những ngày này nhộn nhịp mua bán. Các cửa hàng ở đây tấp nập người mua kẻ bán. Nếu trước kia hàng mã chỉ có quần áo, mũ, hài, đồ trang sức, tiền giấy, nay thì “trần sao âm vậy”, hàng mã nay có cả dầu gội đầu, đồ gia dụng, điện thoại, bếp từ, xe máy, người giúp việc, ôtô, biệt thự, thậm chí cả máy bay... Giá các loại đồ mã cũng tùy theo từng mặt hàng mà có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
Những con ngựa giấy sẽ được hóa cho người cõi âm.(Ảnh chụp tại đền Côn Sơn Kiếp Bạc).
Chị Liên, chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mã cho biết, rằm tháng Bảy là thời điểm người dân mua hàng mã nhiều nhất, ngoài tiền vàng, quần áo, giày dép, mũ nón như truyền thống, những năm gần đây các mặt hàng xa xỉ, hiện đại hơn như xe hơi, biệt thự.. có sức mua khá cao. Khách đến cửa hàng của chị mua hàng khá đa dạng. Một số người chỉ chi chừng hai trăm nghìn đồng mua đồ lễ đơn giản gồm hai bộ quan thần linh, bộ quần áo cho người già, cùng chút vàng mã, nhưng nhiều người mạnh tay chi tới bảy, tám trăm ngàn cho đồ lễ trang trọng, cầu kỳ hơn, thậm chí cũng có người sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng... Vừa nói chuyện, chị Liên vừa quay sang tư vấn cho khách, chỉ một lúc sau hai người khách nữ, sau khi nghe chị Liên tư vấn đã nhanh chóng gật đầu, rút ví thanh toán gần một triệu cho số vàng mã mua theo sự hướng dẫn của bà chủ cửa hàng.
Nên dùng tiền mua vàng mã để làm việc thiện
Theo giáo lý nhà Phật, lễ Vu lan là lễ báo hiếu cha mẹ và tổ tiên diễn ra vào ngày rằm tháng 7 (Âm lịch), là nét đẹp văn hóa cổ truyền đậm chất nhân văn, nhưng ngày nay đã bị "biến tướng" thành trào lưu đốt vàng mã tràn lan. Với quan niệm dâng cúng càng nhiều thì càng được thánh thần hay người âm phù hộ nên nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng để sắm nhà lầu, xe hơi, tiền vàng âm phủ đốt, cúng cho người âm.
Biệt thự cho người âm.
Làm một phép tính, hiện cả nước hiện có hơn 26 triệu gia đình, nếu tính ở mức tối thiểu, mỗi hộ bỏ ra 200.000 đồng để mua vàng mã, như vậy cả nước “hóa” hết hơn 5.000 tỷ đồng chỉ trong dịp rằm tháng Bảy này, chưa tính đến các ngày lễ khác trong năm. Với hơn 5.000 tỷ này, biết bao ngôi chùa được trùng tu khang trang, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được cứu chữa, được đến trường, phát tâm công đức, làm từ thiện, chắc chắn sẽ thiết thực hơn rất nhiều so với núi tro tàn của vàng mã…
Đại đức Thích Thanh Phương, trụ trì tại Chùa Sủi, Gia Lâm (Hà Nội) cho rằng, do không hiểu rõ về ý nghĩa của lễ Vu lan và giáo lý đạo Phật nên không ít người vẫn quan niệm và giữ tục đốt vàng mã vào rằm tháng Bảy và cho đó là việc làm để tỏ lòng thành kính với ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Thực tế, ngày lễ Vu lan nhắc nhở mỗi người chúng ta luôn ghi nhớ công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Bên cạnh đó, ngày lễ Vu lan giúp chúng ta tiếp cận với ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của triết lý Phật giáo đó là "Từ, bi, hỉ, xả," "Vô ngã, vị tha," "Uống nước nhớ nguồn"... Câu chuyện báo hiếu của đức Mục Kiền Liên trong Phật giáo đã gián tiếp chỉ ra rằng, con người muốn linh hồn cha mẹ, ông bà, tổ tiên được siêu thoát thì phải phát tâm từ thiện, thay cha mẹ giải đi những nghiệp xấu mà lúc còn sống họ đã gây nên. Đạo hiếu Vu lan theo tinh thần Phật giáo chân chính, chính tín là biết lo cho đất nước, cho dân tộc, lo cho những người xung quanh, có lòng vị tha, biết chăm lo cho nhau. Nếu không làm việc thiện, sống không có tâm thiện thì những việc khác cũng vô ích.
Máy bay cho người cõi âm thời nay.
Thượng toạ Thích Thanh Nhã, trụ trì chùa Trấn Quốc (Hà Nội) cũng khẳng định, lễ Vu lan có nguồn gốc Phật giáo, nhưng trong giáo lý nhà Phật không dạy con người phải đốt vàng mã để báo hiếu. Bản thân trụ trì cũng thường xuyên nhắc nhở Phật tử nên hạn chế đốt vàng mã. Theo ông số tiền dùng mua vàng mã để đốt đó nên làm việc thiện cho đời sẽ tốt hơn rất nhiều.
Nhà nước đã có những quy định cụ thể về đốt vàng mã, đồ mã. Cụ thể, thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ “Ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng” đã quy định: “Cấm đốt đồ mã ở nơi công cộng.” Điều 15, Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo” nêu: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa.” Hiện trên địa bàn TP Hà Nội việc đốt vàng mã và hầu đồng bị xử phạt theo Nghị quyết 08/2014/NQ-HĐND. Cụ thể: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa. |