CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:25

Hàng loạt “ông lớn” BĐS nợ nần chồng chất, bị thanh tra

 

Khi "Đại gia" bất động sản công bố con số nợ

Bất động sản trải qua giai đoạn bùng nổ năm 2015-2017 với sự tăng trưởng trong các phân khúc, đặc biệt là phân khúc cao cấp. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp địa ốc cũng báo lãi lớn trong năm vừa qua, đánh dấu một năm "ăn nên làm ra" và dự báo một triển vọng tích cực trong năm 2018.

Tính đến cuối 2017, xét theo giá trị tuyệt đối, Novaland đứng đầu danh sách những doanh nghiệp bất động sản niêm yết có nợ phải trả lớn nhất. Với Novaland, nợ phải trả cuối 2017 lên mức 35.968 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm 2017.

Tiếp theo, đại gia phố núi Quốc Cường Gia Lai, Bất động sản Phát Đạt, IJC cũng là những doanh nghiệp có nợ phải trả cao và tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tính bằng lần.

Trong năm 2017, nợ phải trả của Quốc Cường Gia Lai (QCG) tăng vọt từ 4.209 tỷ đồng lên tới 7.412 tỷ đồng. Đáng chú ý có một khoản phải trả ngắn hạn lên tới 5.760 tỷ đồng phát sinh, trong đó phải trả cho Sunny liên quan đến dự án Phước Kiển 2.882,8 tỷ đồng (số tiền QCG đã nhận của Sunny), phải trả bên thứ 3 tăng thêm gần 872 tỷ đồng và phải trả bên liên quan tăng thêm 1.255 tỷ đồng. Khoản này khiến Nợ phải trả cao gấp 1,8 lần vốn chủ sở hữu.

 

 

Lưu ý, mặc dù cuối 2017, nợ ngân hàng của QCG giảm mạnh nhưng thay vào đó QCG lại chuyển sang mượn của các cá nhân và tổ chức khác, được hạch toán vào mục Phải trả bên liên quan.

Không chỉ "đau đầu" ở khoản nợ phải trả, QCG còn có khoản hàng tồn kho có giá trị gần 7.000 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản doanh nghiệp.

Thêm một "đại gia" bất động sản công nghiệp là CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (Becamex IJC) tiếp tục duy trì vị trí trong danh sách nợ nhiều. Nợ phải trả của IJC đang gấp 3,8 lần vốn chủ sở hữu.

Nợ phải trả của Becamex IJC đang chiếm tới 6.338 tỷ đồng, tương ứng 79% tổng nguồn vốn. Trong đó, tổng mức nợ ngân hàng ngắn và dài hạn là hơn 1.822 tỷ đồng. Hàng tồn kho của IJC cũng ở mức cao khi giá trị lên đến 5.326 tỷ đồng.

Tại Bất động sản Phát Đạt (PDR), 7.115 tỷ là nợ phải trả của công ty này tính đến cuối 2017, gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Hạng mục này tăng thêm 7% so với đầu năm 2017. Đáng lưu ý, nợ vay ngắn và dài hạn có nhiều điều chỉnh.

Trong năm 2017, công ty đã trả được khoản vay dài hạn tại ngân hàng hơn 2.800 tỷ. Được biết đây là khoản vay Ngân hàng Đông Á và Techcombank. Đến cuối năm 2017, PDR đã trả dứt điểm vốn vay cho 2 ngân hàng này.

Tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sự mất cân đối trong cơ cấu tài chính còn trở nên nghiêm trọng hơn khi Nợ phải trả chiếm quá lớn trong cơ cấu nguồn vốn. Ví dụ như PXA, NTC, DLR...

Tuy nhiều doanh nghiệp vẫn còn nặng gánh nợ nần, hàng tồn kho còn khá lớn song tín dụng ngành bất động sản vẫn được đánh giá có tín hiệu tích cực trong năm 2018 khi được hưởng lợi nhờ lãi suất giảm và định hướng của Chính phủ là duy trì lãi suất ở mức thấp.

Các “ông lớn” BĐS tiếp tục bị thanh tra

Theo quyết định của Thanh tra Bộ Xây dựng về kế hoạch thanh tra năm 2018. Bộ sẽ thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh BĐS và thực hiện quy định của pháp luật về nhà ở tại một số dự án.

Trong số hàng loạt dự án BĐS bị điểm tên thanh tra năm 2018 có rất nhiều dự án lớn của các “đại gia” như Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas and Resort của Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (C.E.O Group); Khu đô thị The Manor Central Park của Bitexco; khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây của Cty TNHH Phát triển THT và loạt dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Hòa Bình của Cty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco).

 

 

Một số cái tên đáng chú ý khác là: Khu nhà ở Thạch Bàn, tổ hợp văn phòng nhà ở, siêu thị cao cấp MD Complex Tower, nhà ở của Quân khu 5, nhà ở Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, khu nhà ở Bộ tư lệnh tăng thiết giáp, khu nhà ở Quân khu 7 của Tổng Cty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Bộ Quốc phòng; Khu trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang của Cty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn; Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang, dự án Higlander Resort của Cty TNHH TM - DV Thiên Nhân II.

Đại diện Thanh tra Bộ Xây dựng cho hay, đây là hoạt động thanh tra thường kỳ trong năm 2018. Trong khi đó nhiều người cho rằng, ở các thị trường “sốt nóng” như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang…., việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên là cần thiết nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thổi giá làm nhiễu loạn thị trường.

PHA LÊ (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh