THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:26

Hàng hóa Tết :Đến hẹn… giá lại tăng

“Găm” hàng đợi Tết để tăng

Chỉ còn hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Theo dự báo của Hội Siêu thị Hà Nội, giá cả hàng hóa năm nay không có đột biến, trừ những mặt hàng thiết yếu từ thời điểm 23 tháng Chạp trở đi như thịt gia cầm, thủy hải sản tươi sống, rau quả cao cấp... biến động mạnh hơn.

Điều này cho thấy, giá cả các mặt hàng lương thực thực phẩm, đồ uống như mọi năm, đến Tết lại.. vẫn tăng, mặc cho giá xăng dầu liên tục giảm mạnh, thậm chí giảm mạnh đến 30%.

Đứng “đầu bảng” về sự nhanh nhạy, nắm bắt cơ hội tăng giá là các hãng bia. Theo đó, tại các đại lý, giá thứ đồ uống này đang lần lượt tăng 8-10%. Hiện giá bia Heineken đã nhích giá lên 370.000 - 380.000 đồng/thùng; bia Tiger 285.000 đồng/thùng; bia 333 cũng tăng lên 205.000 đồng/thùng.

Giá bia được bán giữa các đại lý, cửa hàng, siêu thị có mức chênh nhau khá lớn, có thể dao động 10.000 - 20.000 đồng/thùng. Thời điểm này, duy chỉ có nhóm hàng gạo giá vẫn khá ổn định. Đa số các cửa hàng vẫn giữ nguyên giá bán.

Tuy nhiên, theo dự báo từ nay đến Tết, giá gạo có thể tăng thêm khoảng 5%  do nhu cầu sử dụng gạo ngon tăng cao.

Có nhiều lý do để giá cả vào thời điểm này chưa thể giảm. Vì gần như đến hẹn lại lên, cận Tết Nguyên đán là thời điểm giá cả các loại hàng hóa thường tăng cao do nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Thậm chí, các tiểu thương còn “găm” hàng chờ cận Tết mới bung để được giá khiến hàng hoá bị khan hiếm, nên giá cả cứ thế theo đà tăng khoảng từ 1 tháng trước Tết. Giá xăng, dầu giảm tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Vì ngoài chi phí vận tải giảm, DN còn được lợi nhờ chi phí nhiên liệu, nguyên liệu sản xuất cũng giảm theo.

Tuy nhiên, theo phản ánh từ phía DN, những yếu tố trên khó tác động ngay vào thị trường hàng hóa. Nhất là DN đang phải chuẩn bị cho đợt tăng lương mới của người lao động, kéo theo nhiều chi phí khác cũng tăng.

Về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: “Cước vận tải chỉ chiếm khoảng 12% trong giá thành hàng hóa, đây là mức không quá lớn để khi giá cước vận tải điều chỉnh thì có thể tác động ngay lên giá hàng hóa.

Thực tế, giá cả các mặt hàng tiêu dùng của ta hiện còn ở mức cao, cũng do hệ thống phân phối hàng hóa của chúng ta rất lòng vòng, qua nhiều cầu, nhiều khâu trung gian. Trong khi giá cước vận tải không giảm, hoặc giảm không phù hợp thì đương nhiên giá tiêu dùng khó giảm”.

Không thể trông chờ sự giảm giá tự nguyện

Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng như phân phối đã có kế hoạch chuẩn bị và cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết của người tiêu dùng. Các hệ thống siêu thị đều đã có kế hoạch làm việc với các nhà cung ứng từ mấy tháng trước để có nguồn cung ổn định.

 ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long cho biết, với lượng hàng hóa tăng 30-40% so với hàng tháng, toàn bộ hệ thống Big C sẽ phục vụ khách hàng đến hết chiều ngày 30 và mùng 6 Tết thì mở cửa hoạt động trở lại.

Đến nay, 75% hàng hóa đã tập kết về kho, và trong thời gian tới sẽ hoàn tất kế hoạch dự trữ 100% như đã công bố.Còn với hàng hóa tại các siêu thị, giá cả cũng gần như không thay đổi.

Đại diện siêu thị Big C Thăng Long cho biết, việc giá hàng tiêu dùng ảnh hưởng khi giá xăng tăng hay giảm là không đáng kể vì phí vận chuyển đã được tính toán từ trước.

Mặt khác, tại các siêu thị, đa phần là hàng hóa ký gửi của nhà cung cấp, khi các nhà cung cấp chưa giảm giá thì đương nhiên siêu thị cũng không thể giảm giá theo được.

Một khi có sự thay đổi về giá nhà cung cấp phải có một thông báo trước đó 30 ngày, việc chuyển đổi nhanh nhất cũng mất một khoảng thời gian từ 7-10 ngày. Phía siêu thị chỉ cố gắng đưa ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn, như Big C sẽ khuyến mại, giảm giá hàng nghìn mặt hàng từ 10- 50% cũng là một hình thức giảm giá cho người tiêu dùng.

Mặc dù nhà phân phối đóng vai trò quan trọng trong việc đưa hàng ra thị trường, tuy nhiên các DN đều thừa nhận hiện không thể quản lý được đơn vị phân phối tới các chợ.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý lại chưa thể hiện rõ vai trò cũng như trách nhiệm của mình trong việc ổn định thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá các mặt hàng hóa rất không... “giống nhau” ở các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn Hà Nội, chứ chưa cần nhìn đâu xa.

Do đó, theo ông Vũ Vinh Phú, hiệu lực quản lý giá chưa đạt hiệu quả cao khiến người tiêu dùng và người sản xuất đều chịu thiệt. Dù giá nhiên liệu có giảm đến mấy, nếu không có sự tác động, điều hành từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước thì người tiêu dùng cũng không thể trông chờ sự giảm giá tự nguyện của các nhà sản xuất, kinh doanh. 

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh