Giá hàng hóa chưa giảm theo xăng dầu
- Các loại bệnh
- 21:40 - 27/12/2014
Giá cước vận tải: Giảm nhỏ giọt!
Trước khi xăng dầu giảm lần thứ 12, trước sức ép của dư luận, một số doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội buộc phải đăng ký giảm giá cước.
Theo đó, trong tháng 11 có 20 doanh nghiệp vận tải thuộc Bến xe Giáp Bát giảm giá cước từ 6-16%; 30 doanh nghiệp thuộc Bến xe Mỹ Đình giảm cước trung bình 7%. Tại TP Hồ Chí Mình, báo cáo của Sở Tài chính cho thấy, đến cuối tháng 11, nhiều doanh nghiệp taxi kê khai giảm giá cước từ 2,7- 9% tùy cự ly vận chuyển; vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỉ lệ 2-11,33%.
Đến ngày 19/12, khi giá xăng tiếp tục giảm thêm hơn 2.000 đồng/lít, song đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp vận tải nào đăng ký tiếp tục giảm giá cước. Câu trả lời được đưa ra rất chung chung, và cũng na ná như nhau: Đang xem xét!.
Xăng dầu giảm giá sâu nhưng giá hàng tiêu dùng vẫn đứng im.
Theo các chuyên gia kinh tế, mức giảm giá cước vận tải chưa thực sự tương xứng với nhịp giảm giá xăng. Sau 12 lần giảm giá, xăng RON 92 bán lẻ ra thị trường đã giảm được khoảng 29,4%. Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, chi phí nhiên liệu đối với xe chạy xăng chiếm khoảng 42-45% tổng chi phí.
Do đó, giá cước vận tải đối với xe phải giảm tương ứng khoảng 12,35-13,25%. Đối với mức trung bình giá cước taxi khoảng 12.000 đồng/km, mức giảm giá ít nhất phải đạt khoảng 1.500 đồng/km. Qua theo dõi thực tế, trước lần giảm giá xăng dầu mới đây, các doanh nghiệp giảm giá cước vận tải ở mức rất thấp, chỉ 3-6%; thậm chí có đơn vị còn chưa có động thái điều chỉnh cước.
Tại Hà Nội, khoảng 70-80% doanh nghiệp vận tải giảm giá cước theo kiểu... nhỏ giọt !
Quản lý lẽo đẽo theo sau
Cần nói rõ rằng, trước đây, khi giá xăng dầu liên tục tăng, các doanh nghiệp vận tải đã rất nhanh chóng cùng phối hợp để ca bài “tăng giá”. Giờ thì, họ lại cùng chậm trễ, thậm chí cố làm ngơ trước sức ép dư luận về việc cần giảm mạnh giá cước, đặc biệt vào dịp lễ tết sắp đến, khi mà nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.
Trong khi giá xăng liên tục giảm sâu, dư luận cũng tạo sức ép về giảm giá, thì các cơ quan chức năng thật nực cười, vẫn đang “rà soát”, “nhắc nhở”. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), đơn vị này quản lý chung trong lĩnh vực giá; Bộ GTVT quản lý chuyên môn về kinh doanh vận tải; UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm quản lý các doanh nghiệp vận tải và giá cước vận tải trên địa bàn.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ GTVT chỉ đạo UBND các tỉnh quyết liệt đối với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp vận tải trong việc kê khai giảm giá cước vận tải. Hiện các địa phương vẫn tiếp tục thanh, kiểm tra, rà soát yêu cầu doanh nghiệp kê khai giảm giá cước phù hợp với tình hình thị trường và điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp.
Đại diện Bộ GTVT cho biết: Giá cước vận tải được quyết định bởi thị trường nên về nguyên tắc, Nhà nước không can thiệp vào giá cước vận tải. Tuy nhiên, với chức năng quản lý, Bộ GTVT đã có những văn bản phối hợp với ngành tài chính, các địa phương nhằm đôn đốc việc rà soát, kê khai giá nhưng cũng chỉ có thể dừng ở nhắc nhở, tuyên truyền với doanh nghiệp còn phần định giá là quyền của họ, nếu niêm yết giá cao thì tự họ sẽ mất khách hàng!.
Hàng tiêu dùng vẫn giữ giá
Xăng dầu được tính vào cơ cấu chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Vì thế, khi xăng dầu giảm giá sâu, hàng hóa phải giảm giá tương ứng. Tuy nhiên, giá cả các loại thực phẩm tại Hà Nội vẫn không có nhiều thay đổi so với thời điểm đầu tháng 11.
Cụ thể, giá thịt bò vẫn ở mức rất cao, từ 160.000-250.000 đồng/kg, giá gà ta từ 90.000-150.000 đồng/kg, đùi gà công nghiệp 60.000-70.000 đồng/kg; thịt lợn 3 chỉ, thịt sấn 80.000-90.000 đồng/kg, thịt nạc 100-110.000 đồng/kg.
Giá trứng vịt vẫn giữ ở mức 35.000 đồng/chục, trứng gà 35.000-40.000 đồng/chục. Thậm chí, giá các loại rau, củ quả đều điều chỉnh tăng lên do thời tiết miền Bắc thời gian qua lạnh kéo dài. Rau muống có giá 8.000 đồng/mớ; rau cải xong 7.000 đồng/mớ; rau cải thảo 13.000 đồng/kg; cà chua 20.000 đồng/kg. Các mặt hàng cá, tôm giá bán không đổi so với dịp cuối tháng 11 đầu tháng 12.
Chị Nguyễn Thị Dung, tiểu thương chợ Thành Công (Hà Nội) giọng gay gắt: “Cứ nói giá xăng giảm thì giá thịt giảm là không đúng, vì bây giờ chúng tôi đi buôn phải phụ thuộc vào nguồn hàng, họ bán cho giá đắt thì làm sao chúng tôi giảm được, giảm thì lời đâu nữa?”. Giải thích lý do nguồn hàng khan hiếm, chị Dung cho biết, thời điểm gần Tết, thị trường cung ứng các mặt hàng thực phẩm tươi có tâm lý găm hàng, “để dành” sát Tết bán được giá cao, khi hàng khan hiếm thì giá cũng không thể giảm.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho hay, người tiêu dùng thắc mắc tại sao xăng giảm 12 lần nhưng giá cả nhiều mặt hàng vẫn đang đứng cao một cách vô lý. Theo ông, lỗi đầu tiên là của hệ thống phân phối nội địa, qua nhiều khâu trung gian và ở mỗi khâu đều muốn thu nhiều lợi nhuận. Khi nhà cung ứng, nhà sản xuất chưa giảm giá thì rất khó để giảm giá tiêu dùng đến người dân.
Mặt khác, khi xăng đã giảm 12 lần, song mức giảm giá cước vận tải không đáng kể, đây cũng là nguyên nhân tác động đến giá tiêu dùng chưa giảm nhiều như mong đợi của người dân.
Ông Vũ Vinh Phú cho rằng: “Giá xăng đã giảm đến 7.760 đồng/lít nhưng niềm vui của người dân vẫn chưa trọn vẹn, bởi các mặt hàng vẫn chưa giảm theo.
Thực tế, người dân hiện vẫn phải bỏ tiền ra mua giá ảo. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để thiết lập mặt bằng giá mới phù hợp với mức giảm giá của xăng dầu. Các siêu thị cũng muốn giảm giá nhanh nhưng còn liên quan đến chuỗi cung ứng nên chưa thể nói trước điều gì”.