THỨ NĂM, NGÀY 03 THÁNG 10 NĂM 2024 05:09

Hàng chục ngàn lao động miền Trung sẽ có việc làm tại quê hương

Khởi công Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị

Khởi công Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị

Sáng 15/12, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ khởi công Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị và Lễ khởi động dự án Cảng hàng không Quảng Trị. Đây là 2 dự án trọng điểm, góp phần giúp Quảng Trị khai phóng tiềm năng, tạo đòn bẩy đưa kinh tế - xã hội địa phương “cất cánh”.

Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư số 418/QĐ-TTg ngày 23/3/2021 với quy mô 481,20 ha, tổng vốn đầu tư là 2.074 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện tại thị trấn Diên Sanh, xã Hải Lâm và xã Hải Trường, thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị; có vị trí đắc địa, gắn liền với nhiều trục giao thông quan trọng quốc gia đã và đang triển khai như Quốc lộ 1, Quốc lộ 15D, Cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Bắc - Nam; nằm gần cảng nước sâu Mỹ Thuỷ, các Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay.

Giai đoạn 1 của dự án do Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) ; Công ty Cổ phần đô thị Amata Biên Hòa và Tập đoàn Sumitomo Corporation Nhật Bản làm chủ đầu tư, có quy mô hơn 97 ha, tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ năm 2021-2025. Chủ đầu tư đã lập hồ sơ thuê đất đợt 1 trên diện tích gần 38 ha.

Các ngành công nghiệp mục tiêu của Khu công nghiệp Quảng Trị, bao gồm: dệt may, giày dép, bao bì và in ấn, chế biến gỗ và nội thất, thực phẩm và đồ uống. Trong Lễ khởi công, 5 doanh nghiệp đã ký Biên Bản Ghi Nhớ (MOU) để thuê đất tại Khu công nghiệp Quảng Trị. Công ty Winzen Holding của Hồng Kông (Trung Quốc) và công ty Join Success Wealth của Singapore có kế hoạch thực hiện sản xuất may mặc tại Khu công nghiệp, cùng với ba doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất đồ nội thất và phân phối xe máy. Khu công nghiệp Quảng Trị sẽ được phát triển trong 12 năm. Khi đi vào hoạt động, dự kiến dự án sẽ tạo việc làm cho 30.000 đến 40.000 lao động.

Được biết, VSIP cũng đang nghiên cứu  đầu tư Khu công nghiệp La Sơn - giai đoạn 1, với diện tích khoảng 500ha (thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế). Theo đó, Khu công nghiệp này được định hướng là khu công nghiệp tổng hợp, đa ngành: chủ yếu các ngành chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản; công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp gia công, in ấn bao bì, sản xuất cơ khí, điện tử, may mặc. Theo đại diện liên doanh các nhà thầu, tính đến nay, 3 thành viên liên doanh đã phát triển 23 khu công nghiệp tại Việt Nam, thu hút 1.300 khách hàng với tổng số vốn khoảng 30 tỷ đô la Mỹ,  tạo ra hơn 500.000 việc làm tại các địa phương của Việt Nam.

Các đại biểu tham quan mô hình phối cảnh Khu công nghiệp Quảng Trị

Các đại biểu tham quan mô hình phối cảnh Khu công nghiệp Quảng Trị

Đối với dự án Cảng hàng không Quảng Trị, đây là 1 trong 28 cảng hàng không nằm trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ. Dự án được thực hiện tại địa bàn huyện Gio Linh, với diện tích hơn 316ha. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 5.821 tỷ đồng và được theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo thiết kế, Cảng hàng không Quảng Trị đạt tiêu chuẩn Cảng hàng không cấp 4C; có khả năng phát triển cho khai thác tàu bay code E và sân bay quân sự cấp II đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực phối hợp với nhà đầu tư để hoàn thiện các thủ tục, phấn đấu hoành thành các điều kiện để khởi công Cảng hàng không Quảng Trị trong quý I/2024; đưa công trình vào khai thác vận hành trong năm 2026.

Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, xét về hiệu quả kinh tế, việc hình thành Cảng hàng không Quảng Trị sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và tạo sự lan tỏa tới các ngành kinh tế của tỉnh, trong đó có ngành sản xuất và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt sẽ phát huy lợi thế về vị trí của tỉnh đối với tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, góp phần bảo đảm tốt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Ở góc độ chính trị, văn hóa xã hội, cảng hàng không góp phần quan trọng thúc đẩy sự kết nối và giao thương về chính trị, văn hóa xã hội giữa Việt Nam với các nước bạn như Thái Lan, Lào, Myanmar giữa Quảng Trị với các vùng miền khác, tạo việc làm cho người lao động địa phương.

Ngoài 2 dự án nêu trên, vào Quý I/2024, dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy cũng chính thức triển khai thi công xây dựng. Mặt khác, dự án Quốc lộ 15D nối từ Cửa khẩu Quốc tế La Lay đến Khu bến cảng Mỹ Thủy cũng đang được khảo sát, nghiên cứu đầu tư. Đây là những dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm của tỉnh; là tiền đề quan trọng để xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị trở thành một Khu kinh tế năng động, hiện đại, có tầm cỡ ở khu vực Trung Bộ, cũng như cả nước và khu vực ASEAN; là cửa ngõ giao thương của các nước trong khu vực ra biển Đông và quốc tế.

THẢO VI

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh