THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:58

Hàn Quốc đối mặt làn sóng lây nhiễm nặng nề nhất, Trung Quốc có số ca mắc mới/ngày cao chưa từng thấy

Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 14/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 458.113.472 ca, trong đó có 6.066.493 người tử vong.

Biến thể mới khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều. Dù vậy, sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh bắt đầu giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh “nóng nhất” nằm ở châu Âu-châu Mỹ khi dịch tái bùng phát, số ca mắc mới vẫn cao ở nhiều nước thuộc châu lục này. Song ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 350.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với xấp xỉ 640 ca. Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng vọt, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 390 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 63 triệu ca và trên 60.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 13/3, thế giới có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới.

Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 13/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng số ca bệnh trên 24 triệu trường hợp và 371.738 ca tử vong. Trong ngày 13/3, Việt Nam có số ca mắc mới (trên 168.000 ca) cao nhất khu vực ASEAN, trong khi Indonesia cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (248 ca).

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc ngày 11/3/2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc ngày 11/3/2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN

VTV cũng đưa tin, Australia đang thảo luận về việc chuyển sang giai đoạn tiếp theo trong kế hoạch ứng phó với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Chính phủ Australia khẳng định sẽ cần phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế. Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, nếu chuyển sang giai đoạn phòng dịch mới, nước này sẽ bỏ yêu cầu cách ly đối với những người tiếp xúc gần với người bệnh.

Australia đang trong Giai đoạn D của chính sách sống chung với COVID, theo đó sân bay đã mở cửa trở lại, khách quốc tế có thể đến, miễn trừ cách ly đối với những người muốn nhập cảnh. Thủ tướng Morrison nhấn mạnh, các quy định cách ly đang gây nhiều khó khăn cho giới doanh nghiệp. Australia có thể tiến tới sống chung với COVID-19 như bệnh cúm.

Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết, từ ngày 14/3, nước này sẽ bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 cho người từ 80 tuổi trở lên đã được tiêm mũi tăng cường. Chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 cũng sẽ mở rộng triển khai đối với những người có hệ miễn dịch kém, nhóm đến nay vẫn chưa phải là đối tượng được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo ông Castex, trong 4,1 triệu người trên 80 tuổi ở Pháp, có 3,1 triệu người đã tiêm mũi tăng cường.

Australia đang cân nhắc chuyển sang giai đoạn tiếp theo trong kế hoạch ứng phó với đại dịch COVID-19. (Ảnh: AP)

Australia đang cân nhắc chuyển sang giai đoạn tiếp theo trong kế hoạch ứng phó với đại dịch COVID-19. (Ảnh: AP)

 

Tính đến 9h ngày 13/3, số ca mắc COVID-19 theo ngày ở Hàn Quốc vẫn ở mức trên 350.000 trong ngày thứ hai liên tiếp. Đây là làn sóng lây nhiễm mạnh nhất ở Hàn Quốc kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 350.176 ca mắc COVID-19.

Làn sóng lây nhiễm mạnh do biến thể Omicron đã khiến số ca mắc mới ở Hàn Quốc tăng vọt, vượt mốc 300.000 ca/ngày trong hơn một tuần qua. Cùng với đó, số bệnh nhân nặng và số ca tử vong cũng gia tăng. Theo dự báo của cơ quan y tế Hàn Quốc, làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron có khả năng đạt đỉnh trong những tuần tới, với số ca mắc trung bình ở mức 370.000 ca/ngày.

Nhật Bản sẽ thay đổi tiêu chí đánh giá với mức độ dịch COVID-19, thay vì căn cứ vào số ca mắc mới mỗi ngày sẽ chuyển sang căn cứ vào xu hướng tăng giảm dịch bệnh, tỷ lệ sử dụng giường bệnh cũng như áp lực với hệ thống y tế. Các thay đổi này sẽ là cơ sở quan trọng để Nhật Bản đưa ra các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh phù hợp.

Hiện nay, tiêu chí để dỡ bỏ việc áp dụng các biện pháp trọng điểm tại các địa phương là số ca mắc mới và áp lực đối với hệ thống y tế phải giảm xuống mức thấp đã không còn phù hợp. Do đó, Ủy ban chuyên gia phòng chống dịch COVID-19 của Nhật Bản đã đã quyết định, nếu số ca mắc mới và áp lực đối với hệ thống y tế vẫn cao, nhưng chỉ cần có xu hướng giảm, có thể dỡ bỏ áp dụng các biện pháp trọng điểm tại các địa phương, bình thường hóa các hoạt động kinh tế, xã hội.

Ngày 13/3, Trung Quốc đại lục ghi nhận hơn 1.900 ca COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Cùng với hơn 1.400 ca không triệu chứng được phát hiện cùng ngày, số ca nhiễm theo ngày ở Trung Quốc lên tới trên 3.400 trường hợp, tăng gấp đôi so với một ngày trước đó và là mức cao nhất trong 2 năm qua.

Số ca mắc mới tăng mạnh trên toàn quốc đã buộc giới chức Trung Quốc phải đóng cửa trường học ở Thượng Hải. Lệnh phong tỏa cũng đã được thực thi ở một vài thành phố ở miền Đông Bắc, trong bối cảnh gần 19 tỉnh trên cả nước đang đối phó với các ổ dịch bùng phát do biến thể Omicron và Delta gây ra.

Số ca mắc mới ngày 13/3 tại Trung Quốc cao chưa từng thấy trong 2 năm đại dịch diễn ra ở nước này. (Ảnh: AP)

Số ca mắc mới ngày 13/3 tại Trung Quốc cao chưa từng thấy trong 2 năm đại dịch diễn ra ở nước này. (Ảnh: AP)

 

Thành phố Thượng Hải với 25 triệu dân đã tổ chức xét nghiệm đại trà ở nhiều khu vực, khuyến cáo người dân không ra khỏi địa bàn nếu không cần thiết. Hơn 100 công viên phải đóng cửa. Nhiều điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố giảm công suất phục vụ, bắt buộc người vào phải trình mã quét sức khỏe, mã hành trình không qua vùng dịch, kết quả xét nghiệm âm tính…Các lớp học từ mẫu giáo đến Trung học cơ sở chuyển sang học online.

Thành phố Bắc Kinh khuyến cáo, người dân vào thành phố nên xét nghiệm, hạn chế tụ tập trên 7 người. Người từ nơi khác đến được khuyến cáo ở nhà 7 ngày. Tại tỉnh Cát Lâm, nơi dịch nặng nề nhất, thành phố Trường Xuân với 9 triệu dân bị phong tỏa, cách chức Thị trưởng thành phố Cát Lâm.

BP (tổng hợp)

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh