THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:11

Tuần qua, thế giới có thêm 10 triệu ca mắc COVID-19 và 52.000 trường hợp tử vong

Theo TTXVN, số liệu từ trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 13/3 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 456.228.450 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.061.057 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.170.155 và 3.776 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 389.949.549 người, 60.217.844 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 65.989 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 383.651 ca; Việt Nam đứng thứ hai với 168.719 ca; tiếp theo là Đức (145.267 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 630 người chết trong ngày; tiếp theo là Brazil 333 ca và Hàn Quốc với 269 ca.

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 81.161.804 người, trong đó có 993.220 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 42.987.875 ca nhiễm, bao gồm 515.833 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 29.350.134 ca bệnh và 654.945 ca tử vong. 

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 164,5 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 125 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 95,67 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 55,2 triệu ca, tiếp đến là châu Phi 11,62 triệu ca và châu Đại Dương trên 4,16 triệu ca nhiễm.

Người dân ngủ đêm tạm bên ngoài trung tâm y tế Caritas ở Hong Kong, Trung Quốc trong bối cảnh các bệnh viện bị quá tải do số ca mắc COVID-19 tăng đột biến, ngày 16/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân ngủ đêm tạm bên ngoài trung tâm y tế Caritas ở Hong Kong, Trung Quốc trong bối cảnh các bệnh viện bị quá tải do số ca mắc COVID-19 tăng đột biến, ngày 16/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

VTV cũng đưa tin, Hàn Quốc đang chật vật đối phó làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron khi số ca mắc mới theo ngày vượt 380.000 ca. Cụ thể, ngày 12/3, nước này ghi nhận 383.665 ca mắc mới, trong đó có 383.590 ca lây nhiễm trong nước. Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất được ghi nhận kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc đã lên tới 6 triệu ca, tăng 1 triệu ca chỉ trong 3 ngày. Nước này cũng ghi nhận thêm 269 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi vì COVID-19 lên 10.144 người, tỷ lệ tử vong là 0,16%.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul (Hàn Quốc), ngày 12/2/2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul (Hàn Quốc), ngày 12/2/2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN

 

Trong khi đó, Bộ Y tế Campuchia đã thông báo giảm giá thuốc Molnatris - một loại thuốc chứa hoạt chất kháng virus molnupiravir sử dụng trong điều trị COVID-19 cho người trưởng thành, mắc bệnh ở thể nhẹ và trung bình. Cụ thể, từ ngày 14/3 tới, thuốc Molnatris (dạng viên chứa molnupiravir 200 mg) sẽ được nhóm quản lý, phân phối và cung ứng biệt dược điều trị COVID-19 của Bộ Y tế Campuchia phân phối với mức giá mới là 50 USD/hộp. Một người dân có thể mua trực tiếp từ 1-10 hộp cùng lúc. Trong khi các bệnh viện, phòng khám chữa bệnh, nhà thuốc có thể đặt mua từ 10-100 hộp và bán lại cho người bệnh với giá 60 USD/hộp (nếu bán cao hơn mức này sẽ bị xử phạt).

Tương tự, Trung Quốc đã cấp phép lưu hành 5 bộ xét nghiệm kháng nguyên của 5 công ty sản xuất thiết bị y tế, phục vụ nhu cầu tự xét nghiệm của người dân trong bối cảnh biến thể Omicron đang có dấu hiệu lây lan tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Theo thông báo, 5 bộ xét nghiệm kháng nguyên được cấp phép lưu hành của 5 công ty gồm các công ty công nghệ sinh học Beijing Huaketai, Nanjing Vazyme, Guangzhou Wondfo, công ty công nghệ sinh học Beijing Jinwofu và chi nhánh BGI Genomics cùng công ty công nghệ dược phẩm Shenzhen Huada Yinyuan. Trung Quốc sẽ cho phép người dân mua các bộ xét nghiệm COVID-19 trực tiếp tại cửa hàng hoặc trực tuyến. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc cho phép điều này kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong hơn 2 năm qua.

Tại Australia, chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison đang thảo luận về việc chuyển sang giai đoạn tiếp theo trong kế hoạch ứng phó đại dịch COVID-19. Theo Thủ tướng Morrison, các nhà chức trách Australia muốn bỏ yêu cầu cách ly đối với những người tiếp xúc gần ca bệnh và vấn đề này sẽ cần phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Recife, Brazil, ngày 30/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Recife, Brazil, ngày 30/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

 

Thủ tướng Morrison cho biết các quy định cách ly đang gây nhiều khó khăn cho giới doanh nghiệp Australia. Hiện nay, Australia đang ở giai đoạn D, có thể sống chung với COVID-19 như dịch cúm. Theo ông, các bang Tây Australia và lãnh thổ phía Bắc sẽ thực hiện giai đoạn sau các khu vực khác một tháng. Trong khi đó, các quan chức y tế bang New South Wales - bang đông dân nhất Australia - cảnh báo về sự gia tăng của dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron - hay "Omicron tàng hình" - có thể làm tăng gấp đôi số ca nhiễm mới mỗi ngày.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh