THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:18

Thế giới ghi nhận trên 449 triệu ca bệnh COVID-19

Theo TTXVN, số liệu từ trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 9/3 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 449.368.927 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.033.022 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là .1482.246 và 5.764 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 376.322.984 người, 61.120.589 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 72.549 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 202.714 ca; Đức đứng thứ hai với 193.013 ca; tiếp theo là Việt Nam (162.435 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 851 người chết trong ngày; tiếp theo là  Nga 652 ca và Đức với 583 ca.

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 80.998.258 người, trong đó có 986.958 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 42.971.308 ca nhiễm, bao gồm 515.241 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 29.138.362 ca bệnh và 652.829 ca tử vong. 

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 161,5 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 122 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 95,4 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 54,87 triệu ca, tiếp đến là châu Phi gần 11,56 triệu ca và châu Đại Dương trên 3,94 triệu ca nhiễm.

  

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hohhot, Khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc, ngày 2/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hohhot, Khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc, ngày 2/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

VTV cũng đưa tin, ngày 8/3, Bộ Y tế New Zealand cho biết, nước này có thêm 23.936 ca mắc COVID-19 mới. Kể từ khi dịch bùng phát, New Zealand đã ghi nhận tổng cộng 264.255 ca nhiễm. Quốc gia này hiện đang chuyển sang trạng thái "đỏ", mức cao nhất trong khung chống dịch COVID-19. Theo quy định của mức độ này, người dân phải đeo khẩu trang trong nhà và các buổi tụ tập được giới hạn dưới 100 người.

  

Ngày 8/3, New Zealand ghi nhận 23.936 ca mắc COVID-19 mới. (Ảnh: AP)

Ngày 8/3, New Zealand ghi nhận 23.936 ca mắc COVID-19 mới. (Ảnh: AP)

 

Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc thông báo đã phát triển một loại vaccine có tác dụng kép đối với cả virus SARS-CoV-2 và virus gây bệnh cúm. Loại vaccine mới mang tên là AdC68-CoV/Flu do các nhà nghiên cứu từ Đại học Phúc Đán, Thượng Hải điều chế. Họ đã phát triển một kháng nguyên bằng cách kết hợp vùng kết nối kháng nguyên SARS-CoV-2 với cuống được bảo tồn virus cúm H7N9.

Kết quả thử nghiệm trên chuột cho thấy, vaccine mới đã tạo ra cả kháng thể chống SARS-CoV-2 và kháng thể chống virus cúm H7N9, chủng cúm gia cầm có khả năng lây nhiễm sang người. Hiện nhóm nghiên cứu đang tiến hành thêm các thử nghiệm và hứa hẹn đây có thể là loại vaccine giúp kiềm chế các đại dịch về bệnh đường hô hấp do virus gây ra.

Ngày 8/3, đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận 28.475 ca mắc mới, là ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận số ca giảm xuống ở mức trên 20.000. Trước đó, Hong Kong ghi nhận trên 50.000 ca/ngày liên tiếp từ ngày 2 - 4/3.

Phát biểu tại cuộc họp báo vào chiều 8/3, ông Âu Gia Vinh, Trưởng khoa bệnh Truyền nhiễm thuộc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Sở Y tế Hong Kong, cho biết, do sự hợp tác của người dân và các biện pháp phòng chống dịch, số ca mắc mới đang có chiều hướng giảm nhưng vẫn phải tiếp tục quan sát từ 1 đến 2 tuần để đánh giá xu hướng của dịch.

Ngày 8/3, Indonesia ghi nhận 30.148 ca mắc COVID-19 mới, 401 người tử vong. Đến nay, tổng cộng trên 5,8 triệu trường hợp đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 150.800 bệnh nhân thiệt mạng vì COVID-19 ở nước này.

Indonesia đang chuẩn bị lộ trình từng bước chuyển đổi từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh đặc hữu, tức là giai đoạn sống chung với COVID-19. Indonesia sẽ từng bước bình thường hóa các hoạt động cộng đồng thông qua các chính sách kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo tỷ lệ tử vong được duy trì ở mức thấp. Lộ trình chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu đã được chứng minh là có hiệu quả, giúp kiểm soát làn sóng lây lan dịch COVID-19. Hiện tỷ lệ bao phủ vaccine mũi thứ nhất tại Indonesia đã đạt trên 92%, tỷ lệ bao phủ hai mũi là 71% và tỷ lệ tiêm mũi tăng cường là 10%.

Ngày 8/3, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakop cho biết, nước này sẽ bắt đầu chuyển sang coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và mở cửa trở lại biên giới nước này cho du khách quốc tế từ ngày 1/4 tới. Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Ismail Sabri cho biết, quyết định trên được đưa ra là nhờ sự thành công của chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19, từ đó giúp nước này có thể trở lại gần như cuộc sống bình thường sau 2 năm chiến đấu chống đại dịch. Khi COVID-19 được coi là bệnh đặc hữu, những du khách đã tiêm chủng đầy đủ sẽ không cần phải cách ly khi nhập cảnh vào Malaysia, họ sẽ chỉ cần xét nghiệm trước khi khởi hành và khi đến Malaysia.

Nhà lãnh đạo Malaysia cũng thông báo nới lỏng một số hạn chế như cho phép các nhà hàng hoạt động qua 24h và dỡ bỏ giới hạn 50% sức chứa đối với các sự kiện tập trung đông người. Tuy nhiên, Malaysia vẫn áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại những nơi công cộng và sử dụng ứng dụng quản lý dịch COVID-19 theo như yêu cầu khi tới các tụ điểm tại nước này.

Hàn Quốc đã trải qua 5 liên tiếp số ca mới vượt quá 200.000 ca/ngày. (Ảnh: AP)

Hàn Quốc đã trải qua 5 liên tiếp số ca mới vượt quá 200.000 ca/ngày. (Ảnh: AP)

 

Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 8/3 cho biết, số ca COVID-19 nặng và nguy kịch đã lên tới mức cao nhất trong 2 tháng qua, trong bối cảnh biến thể Omicron đang tiếp tục lây lan nhanh ra khắp cả nước, gây ra nhiều ổ dịch mới. KDCA đã ghi nhận 202.714 ca mới trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca mới vượt quá 200.000 ca/ngày.

Biến thể Omicron đã làm số ca nhiễm tăng nhanh chưa từng thấy tại Hàn Quốc trong vài tuần gần đây. Tổng số ca nhiễm đã vượt 4 triệu vào ngày 5/3, chỉ 5 ngày sau khi ghi nhận 3 triệu ca. Đầu tháng 2, con số này là 1 triệu ca. Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 186 ca tử vong, nâng tổng số lên 9.282 ca kể từ đầu dịch. Tỷ lệ tử vong là 0,19%.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen tuyên bố sẽ tổ chức Tết cổ truyền Chol Chhnam Thmei của người Khmer năm 2022 bình thường theo truyền thống. Theo Thủ tướng Hun Sen, việc tiêm chủng vaccine COVID-19 là yếu tố quan trọng đối với nền kinh tế bởi vì nếu không có vaccine và miễn dịch cộng đồng, Campuchia không thể hoạt động kinh tế, không thể mở cửa thị trường đón khách du lịch nước ngoài.

Thủ tướng Hun Sen đưa ra dẫn chứng cụ thể chỉ trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, các điểm du lịch của Campuchia đã đón 190.000 khách du lịch. Thủ tướng Hun Sen khẳng định sẽ tiếp tục chương trình tiêm vaccine COVID-19 và coi tiêm chủng phục vụ kinh tế. Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, đến ngày 7/3, quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm chủng vaccine COVID-19 cho 91,83% trong tổng số 16 triệu dân.

BP (tổng hợp)

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh