THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:33

Trẻ em chịu ảnh hưởng nặng nề từ rủi ro thiên tai

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết tại Hội nghị quốc gia về giảm thiểu rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm tại Việt Nam diễn ra ngày 15/12, tại tỉnh Ninh Thuận.

Trẻ em phải trả một giá đắt khi thiên tai trở thành thảm họa

Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai tại Việt Nam ngày càng gia tăng cả về quy mô, cường độ và tần suất đã gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội và cuộc sống của người dân. Trẻ em Việt Nam ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, điều này góp phần làm tăng nguy cơ bị tổn thương nhiều mặt mà các em đang phải gánh chịu. Thiên tai kéo dài như hạn hán và xâm nhập mặn đã để lại hậu quả lâu dài đến trẻ em trong các lĩnh vực dinh dưỡng, sức khỏe, giáo dục, bảo vệ trẻ em và bảo trợ xã hội.

Trẻ em chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

 

Ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam cho hay, ở những vùng hay bị thiên tai, trẻ em phải trả một giá đắt khi thiên tai trở thành thảm họa. Gần đây, UNICEF và Việt Nam thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp cho các vùng hạn hán và xâm nhập mặn ở 10 tỉnh. Những bài học kinh nghiệm được rút ra để làm cơ sở xây dựng kế hoạch chuẩn bị và vận động sự hợp tác cần thiết ở cấp trung ương, địa phương và cộng đồng nhằm đảm bảo người dân có thể phòng ngừa và phản ứng tốt đối với những thay đổi lớn do biến đổi khí hậu và môi trường gây ra.

Theo tư vấn độc lập TS Ian F Wilderspin, thiên tai làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương và bất bình đẳng trẻ em như dễ bị tổn thương về vật chất, tác động đến tâm lý, gián đoạn những dịch vụ phát triển cần thiết cho sự phát triển của trẻ, tăng các thách thức về bảo trợ, phát triển năng lực, đối phó với bất trắc hay thay đổi hoặc thiếu vắng bố mẹ do phải ly hương đi làm thuê, tiếng nói và năng lực của các em hạn chế, thiếu công bằng hoặc bất công giữa các thế hệ.

Trẻ em tham gia giảm thiểu rủi ro thiên tai

TS Ian F Wilderspin cho rằng, đánh giá rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm cần căn cứ trên phân tích tình hình và nghèo đa chiều trẻ em; lập bản đồ về tình trạng dễ bị tổn thương; chỉ ra vị trí địa lý nơi thảm họa tự nhiên có khả năng ảnh hưởng đến trẻ em, năng lực thể chế còn hạn chế để hướng dẫn phân bổ nguồn lực.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày với chủ đề ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với trẻ em.

 

“Giảm nhẹ rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm tập trung vào giải quyết sự tổn thương nhiều hơn là giải quyết khủng hoảng. Phương pháp này làm cầu nối giữa cứu trợ nhân đạo và công tác phát triển thông qua việc tăng cường khả năng phòng ngừa, ứng phó và phục hổi của trẻ em, gia đình và cộng đồng trước khủng hoảng, bao gồm chuẩn bị, giảm thiểu rủi ro và thích ứng với biến đổi khí hậu”, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng kế hoạch giảm thiểu rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm. Trẻ em phải được đảm bảo môi trường sống xung quanh như: Trường học, trạm y tế, nước sạch, vệ sinh, nhà ở, phương tiện an toàn. Cần triển khai khung trường học an toàn, tăng cường giáo dục trong trường hợp khẩn cấp và tiến hành các chương trình giảng dạy về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

TS Ian F Wilderspin cho rằng, giảm tình trạng dễ bị tổn thương ở trẻ em cần tiếp cận lồng ghép đối với các dịch vụ cơ bản: Tăng khả năng chống chịu của trẻ em và gia đình, can thiệp về sức khỏe, dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh môi trường, giáo dục; lồng ghép các dịch vụ để đảm bảo không có trẻ em nào kể cả trẻ em gái hay trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em không có người chăm sóc bị lãng quên. Hỗ trợ các dịch vụ xã hội cơ bản: Tiền mặt, lợi ích xã hội và chăm sóc trẻ để giảm tình trạng dễ bị tổn thương ở trẻ em.

Triển khai chương trình giảm thiểu rủi ro thiên tai cần có sự tham gia của trẻ em: Trẻ em tham gia vào thành phần lập kế hoạch liên quan đến rủi ro được báo trước. Trẻ em đóng vai trò quan trọng trong việc xác định và thông tin về rủi ro, huy động nguồn lực và giải quyết các thách thức theo những cách sáng tạo và đổi mới. Truyền thông thay đổi hành vi là một phần quan trọng của việc lập kế hoạch liên quan đến rủi ro được báo trước. Nâng cao nhận thức ở trẻ em, cha mẹ và cộng đồng về tác động của biến đổi khí hậu kết hợp với giáo dục kỹ năng sống là cần thiết để có hành động kịp thời và ra quyết định xác đáng.

 

Từ tháng 8 năm 2016, UNICEF và Chính phủ Việt Nam tiến hành các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em và phụ nữ bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn tại 10 tỉnh thuộc vùng Cao nguyên Trung bộ, Duyên hải Nam trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long từ nguồn vốn 2.5 triệu USD do Chính phủ Nhật bản tài trợ. Cho tới nay, ước tính các hỗ trợ khẩn cấp của UNICEF đã đến được với khoảng 140.000 người dân ở Việt Nam.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh