THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:35

Hạn chế phương tiện cá nhân vào năm 2030 vẫn còn nhiều câu hỏi khó?

 

Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội”, đưa ra mốc mới là năm 2030, cấm xe máy lưu thông vào nội thành, lùi thời hạn cấm xe máy thêm 5 năm. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội cần giải bài toán giao thông đô thị, khi hạ tầng giao thông công cộng đang ở mức yếu. Người dân thành phố Hà Nội đặt câu hỏi sẽ sử dụng phương tiện gì  thay thế phương tiện cá nhân? 

 

han che phuong tien ca nhan vao nam 2030 van con nhieu cau hoi kho hinh 1Xe buýt sẽ được lựa chọn cho phương tiện cá nhân ở Hà Nội.

 

Xe buýt vẫn là phương tiện chủ lực trong giao thông công cộng của thành phố Hà Nội. Hiện nay, xe buýt mới chỉ bao phủ được 71% (với 96 tuyến buýt và hơn 1.200 phương tiện). Tuy nhiên hiện nhiều tuyến xe buýt không liền, thiếu sự kết nối, không thuận tiện cho người dân và chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh những hạn chế đó, điều quan trọng là xe buýt cũng chưa cạnh tranh được với các phương tiện khác về mặt thời gian. Người dân đô thị cũng có thể nhận thức độ an toàn khi đi lại bằng xe buýt nhưng không thể lựa chọn phương tiện này.

Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội thừa nhận, thực tế hiện nay xe buýt còn nhiều hạn chế. Với tổ chức giao thông hỗn hợp trong thành phố thì vận tốc khai thác của xe buýt rất thấp, thời gian đi lại của hành khách bằng xe buýt quá chậm và không đáp ứng được yêu cầu của người dân. Để vận tải công cộng bằng xe buýt nâng cao chất lượng dich vụ và đạt mục tiêu đề ra đến 2025 là đáp ứng được 25-30% thì cần có hạ tầng đồng bộ cho phát triển xe buýt.

 “Điều kiện để vận tải hành khách công cộng hoạt động nâng cao tiện ích và chất lượng thì phải có cơ sở hạ tầng tương ứng, phải có được đường ưu tiên, đường dành riêng. Nếu không có đường ưu tiên không giải quyết được vận tải hành khách công cộng, ngoài ra điều kiện để hành khách tiếp cận dễ dàng phương thức vận tải công cộng đó là vỉa hè cho người đi bộ, hạ tầng xây dựng trạm trung chuyển.”-ông Nguyễn Việt Triều nói.

Hai tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội với tổng chiều dài gần 30 km sẽ được đưa vào hoạt động trong 5 năm tới. Theo dự tính, đường sắt đô thị chỉ đáp ứng 2-3% nhu cầu đi lại của người dân nếu được kết nối hoàn chỉnh với mạng lưới xe buýt. Các chuyên gia giao thông đều cho rằng, Hà Nội phát triển mạng lưới đường sắt đô thị quá chậm, với 8 triệu dân vẫn chưa có một tuyến đường sắt nào hoạt động. Để xây dựng được mạng lưới đường sắt đô thị, Hà Nội cần ít nhất 8 tuyến đường sắt nhưng nguồn vốn để đầu tư rất khó khăn, hạn chế.

Trong khi đó, diện tích khu vực nội đô không mở rộng, tốc độ đầu tư cho hạ tầng giao thông của thành phố chỉ gần 4%/năm nhưng tốc độ phát triển đô thị quá nhanh. Ông Phạm Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý Thăng Long cho rằng: Chúng ta cần thay đổi lại chính sách phát triển đô thị, cần song hành giữa làm nhà ở và làm hạ tầng giao thông. “Nhà đầu tư không chỉ đóng góp vào đường nội bộ trong đô thị nữa mà phải đầu tư thêm một số đoạn đường liên quan đến đường quy hoạch như trục chính đô thị, kết nối với các khu đô thị là phải thực hiện. Không thể chờ nhà nước thực hiện việc này và dồn trách nhiệm cho nhà nước một mình đứng ra xử lý.”

Dự thảo Đề án dự kiến đến 2025 cấm xe máy các quận nội đô, nhưng trên thực tế hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết có khả năng lùi đến 2030. Từ nay đến đó, người dân có khoảng 14 năm để chuẩn bị, thành phố cũng hoàn thiện được hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, các mốc thời gian thực hiện không thể đưa ra một cách cảm tính được, việc lùi lại 5 năm hay đẩy nhanh thêm 5 năm thực hiện đề án hạn chế phương tiện cá nhân phải được chứng minh bằng các con số, kế hoạch cụ thể. Phát triển hạ tầng giao thông chỉ là một phần của quản lý đô thị, gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông trong thành phố thì đầu tiên việc cần xem lại là quản lý đô thị đã đúng chưa?

“Hạ tầng cứ phát triển nhưng quản lý đô thị cứ để cho nhà cao tầng mọc cạnh những con đường nhỏ hẹp, hạ tầng nào mà làm cho đủ. Dân cư tâp trung mật độ quá cao không thi hành một cách quyết liệt những giải pháp giãn dân mở rộng đô thị. Đây là một bài toán rất khó, liên quan đến lĩnh vực rộng đó là quản lý đô thị trong đó giao thông và hạ tầng gia tầng giao thông chỉ là một vấn đề.”

Hà Nội hiện có khoảng 560.000 ô tô, 5,5 triệu xe máy. Tỷ lệ gia tăng của ôtô gần 17%/năm, xe máy tăng gần 8%. Trong 10 đến 15 năm tới, số lượng phương tiện sẽ không dừng lại ở con số này. Do đó, việc hạn chế phương tiện cá nhân và hướng chuyển dịch sang sử dụng phương công cộng là cấp thiết. Tuy nhiên, việc này không thể theo một đề án độc lập mà phải kết nối chặt chẽ với việc quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh