THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:31

Hạn chế học sinh vi phạm Luật Giao thông: Cần sự chung tay của gia đình và nhà trường

 

Nhiều học sinh tham gia giao thông không chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, phóng nhanh, vượt ẩu...


Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội) cho thấy, trong 3 năm gần đây, số vụ tai nạn liên quan đến học sinh THPT chiếm tới 90% các vụ tai nạn giao thông liên quan tới học sinh nói chung. Theo Đại úy Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng, Đội Cảnh sát giao thông số 6, nếu như học sinh ở độ tuổi dưới 16 sử dụng xe đạp, đi bộ hoặc xe đạp điện tới trường, thì phần lớn học sinh THPT (16 tuổi trở lên) sử dụng xe máy có dung tích xilanh dưới 50 phân khối làm phương tiện di chuyển. 

“Nhiều học sinh tham gia giao thông không chấp hành nghiêm quy định đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, phóng nhanh, vượt ẩu, đánh võng, lạng lách, điều khiển phương tiện trên 50 phân khối... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do các em chưa có nhận thức đầy đủ về Luật Giao thông đường bộ và nhà trường cũng khó quản lý, kiểm soát được hành vi của các em ở ngoài giờ học. Bên cạnh đó, do các em “học” từ cha mẹ, anh chị, những người chưa thực sự làm gương cho con em trong việc chấp hành pháp luật”, Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7 thông tin thêm.

Theo Trung tá Nguyễn Đức Thắng, việc xử lý học sinh vi phạm quy định an toàn giao thông lại không đơn giản, hầu hết các trường hợp sai phạm mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, hoặc nếu có thông báo gửi về trường thì nặng nhất cũng chỉ bị phê bình trước lớp. Hơn nữa, học sinh có hành vi sai phạm khi bị lực lượng chức năng phát hiện thường tìm cách trốn tránh, dễ gây nguy hiểm cho những người cùng tham gia giao thông. Thậm chí, khi bị bắt lỗi, chính các bậc phụ huynh lại gây khó dễ cho lực lượng chức năng, khiến công tác xử lý học sinh vi phạm giao thông không đạt hiệu quả. 

Gia đình đóng vai trò quan trọng

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, để giải quyết căn bản tình trạng vi phạm pháp luật nói chung, vi phạm Luật Giao thông đường bộ nói riêng, ngày 27/2/2018, Sở GD&ĐT Công an TP Hà Nội đã ký Quy chế phối hợp số 505/QCPH-CATP-SGD&ĐT về việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tại các cơ sở giáo dục. Quy chế này quy định rõ những nội dung, biện pháp và trách nhiệm giữa các đơn vị liên quan trong bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong nhà trường, trong đó có việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của học sinh.
Để tăng tính nghiêm minh, khiến học sinh không dám tái phạm, theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, cần có sự chung tay của cả gia đình, nhà trường và lực lượng chức năng trong việc tuyên truyền, giáo dục và quản lý, giám sát học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường cần sát sao, có chế tài mạnh hơn trong việc xử lý học sinh sai phạm, phụ huynh ủng hộ, đồng thuận với lực lượng chức năng trong thực hiện nhiệm vụ.

“Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Công an thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là đối với học sinh để bảo đảm an toàn cho chính các em cũng như những người tham gia giao thông”, đại tá Đào Vịnh Thắng thông tin.

HOA HẠ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh