Hai tỷ phú USD Việt Nam: Ăn thua gì, còn nhiều người chưa lộ
- Huyệt vị
- 22:11 - 29/10/2016
Những đại gia ẩn danh
Ngày 27/10, với tài sản ghi nhận qua cổ phiếu niên yết trên sàn chứng khoán lên đến 22,7 ngàn tỷ đồng (tương đương 1,02 tỷ USD). Ông Trịnh Văn Quyết được xem là tỷ phú USD 2 của Việt Nam.
Trước đó, hồi tháng 9/2014, báo cáo của một ngân hàng Thụy Sĩ cho thấy Việt Nam có 2 tỷ phú lọt vào danh sách siêu giàu, với tổng tài sản khoảng 3 tỷ USD, tuy nhiên tên tuổi của họ không được tiết lộ.
Những doanh nhân giàu có tại Việt Nam.
Một người chính là tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, khi đó có tổng tài sản quy từ cổ phiếu trị giá hơn 1 tỷ USD. Và ở lần công bố xếp hạng gần đây, tài sản ông Vượng được Fobes ghi nhận 1,6 tỷ USD. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tài sản ông Vượng hiện hơn 31 ngàn tỷ. Người còn lại được đồn đoán là một trong hàng chục đại gia giàu có nhưng cổ phiếu chưa niêm yết trên TTCK.
Hồi đầu 2016, trang Bloomberg cho rằng, bà chủ hãng hàng không tư nhân duy nhất của Việt Nam VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo có thể trở thành nữ tỷ phú đôla đầu tiên và là tỷ phú USD thứ 2 tại Việt Nam sau khi hãng không này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Tài sản của bà Thảo còn nhiều hơn thế với BĐS và BĐS nghỉ dưỡng khắp cả nước, như: Furama Resort ở Đà Nẵng, Ana Mandara ở Nha Trang, An Lam Ninh Van Bay Villas và cổ phần tại ngân hàng HDBank. Tuy nhiên, tất cả các tài sản của nữ doanh nhân này chưa được chính thức công khai.
Một cái tên tỷ phú đô-la giấu mặt còn được đề cập tới là ông chủ Tân Hiệp Phát Trần Thanh Quý, với giá trị DN (do gia đình ông Quý nắm 100%) được một số báo nước ngoài ước tính có thể lên tới 2 tỷ USD. Sự giàu có của ông Quý và gia đình còn được biết đến thông qua số tiền nhiều ngàn tỷ đồng mà con gái ông bị mắc kẹt ở ngân hàng Xây dựng, trong đại án Phạm Công Danh.
Cú bứt phá mạnh mẽ của DN ô tô lớn nhất Việt Nam - Trường Hải (Thaco) của ông Trần Bá Dương cũng vẽ lên chân dung của một tỷ phú đô-la ẩn danh, có thể vượt mặt hầu hết các đại gia giàu có trên TTCK nếu cổ phiếu lên sàn.
Với doanh thu hơn 2 tỷ USD năm 2015 và lợi nhuận sau thuế gần 7,1 ngàn tỷ đồng, Thaco được đánh giá có giá trị hơn 2 tỷ USD, trong đó hơn 50% thuộc về ông Trần Bá Dương. Tuy nhiên, tất cả đều chỉ là tính toán và đồn đoán. Bởi vì các tài sản đó chưa được công khai định giá, chưa niêm yết trê sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia phân tích chứng khoán lâu năm, có số 2 tỷ phú chưa ăn thua gì, chưa phản đúng thực tế tiềm lực của những doanh nhân siêu giàu Việt Nam. "Chúng tôi chỉ điểm qua tài sản của nhóm được cho là đứng đầu trong giới doanh nhân thì có khoảng 10 cái tên có tài sản tiềm tàng hơn 1 tỷ USD nếu công khai", vị chuyên gia này nói.
Kẻ thích nổi, người im hơi
Rất ít khi lên tiếng nhưng một số đại gia được đánh giá là rất giàu có, có thể giàu hơn cả các tỷ phú USD được ghi danh.
Bà Nguyễn Thị Nga, chủ tịch Tập đoàn BRG và ngân hàng SeABank, trước đó cũng đã được kỳ vọng sẽ trở thành tỷ phú thứ 2 tại Việt Nam. Bà Nga là doanh nhân đứng sau hàng loạt các sân golf và khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Việt Nam như: Golf quốc tế Đảo Vua - Kings' Island Golf Resort (Sơn Tây, Hà Nội); khu nghỉ dưỡng ven biển và sân Golf Quốc tế Đồ Sơn Seaside Golf Resort (Hải Phòng); khu vui chơi giải trí thể thao và sân Golf quốc tê Legend Hill - Legend Hill Golf Resort (Sóc Sơn, Hà Nội),...
Bà Nga cũng là người đứng sau hàng loạt các vụ M&A khách sạn, BĐS khủng như: KS Hilton, KS Thắng Lợi, KS Sông Nhuệ, Intimex, Vietfracht (VFR),...Giới đầu tư cũng kính nể doah nhân Vũ Văn Tiền. Ông Tiền là người có mặt trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây. Theo báo Đầu tư, ông là người cùng với công ty Trung Quốc xin đầu tư 4 dự án, gồm: đường sắt cao tốc, đường cao tốc Bắc Nam,... với tổng giá trị lên tới gần 50 tỷ USD.
Trước đó, Geleximco của ông Tiền là một DN có hàng loạt các dự án có vốn đầu tư cả chục nghìn tỷ đồng như: án Khu đô thị mới dầu khí - Geleximco (trên 10 nghìn tỷ), Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn... Ông Tiền cũng được biết đến là chủ tịch Ngân hàng An Bình.
Doanh nhân Nguyễn Văn Trường, ở Ninh Bình cũng được đánh giá có thể là một tỷ phú USD. Đầu năm 2016, DN Xuân Trường của đại gia này đã động thổ xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, với tổng mức đầu tư khoảng 15 ngàn tỷ đồng. Ông Trường đã thành công với nhiều như án lớn như: Quần thể khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính, tại tỉnh Ninh Bình; Khu du lịch Tam Chúc tại tỉnh Hà Nam.
Nhiều gương mặt khác cũng đang sở hữu khối tài sản khổng lồ như: ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Him Lam và cổ đông lớn của LienVietPostBank; Đỗ Quang Hiển, chủ tịch Tập đoàn T&T; ông Johnathan Hạnh Nguyễn (vua hàng hiệu Việt Nam), bà Trương Mỹ Lan,...
Bên cạnh đó, còn nhiều gương mặt tỷ phú chưa được biết đến. Nhiều người không muốn phơi bày khối tài sản khổng lồ của mình như một thói quen kín tiếng của hầu hết doanh nhân Việt. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cái danh giàu có cũng giúp các đại gia dễ làm ăn và tiếp cận với thế giới tốt hơn.