CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:08

Làng 'tỉ phú' kỳ nam... tái nghèo

Một góc làng Tốt. ẢNH: NGỌC VIÊN

Làng Tốt, xã Ba Lế, (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi), gồm hai thôn Mang K’rúi và Vã Lếch, có khoảng 80 hộ dân sinh sống. Là một trong những ngôi làng thuộc diện khó khăn nhất của huyện miền núi Ba Tơ vào thời điểm 2006.

Hồi đó, không có đường đất đi lại, người dân làng Tốt nếu có việc cần thiết lắm mới men theo dòng sông Liêng đi mất gần cả ngày mới ra được trung tâm xã. Tách biệt với bên ngoài, cuộc sống của người dân làng Tốt chủ yếu tự cung tự cấp.

Những ngày này, nhiều người buôn bán ở chợ Thủ Đức B (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) vẫn đang xôn xao về người quét rác thâm niên ở chợ trúng lớn 23 tờ vé số với 2,3 tỉ đồng, dù ông mua thiếu. 

Thầy giáo Phạm Văn Ngóa, người có thâm niên 28 năm dạy chữ cho người dân làng Tốt, bảo: “Khi xung phong lên làng Tốt xóa nạn mù chữ, chúng tôi hỏi đường lên làng thì cán bộ xã cười, bảo đường về làng Tốt chưa có trên bản đồ. Cứ men theo dòng sông Liêng, đi về hướng mặt trời lặn, khoảng một ngày đường là tới”.

Địa hình cách trở, việc giao thương, giao lưu về văn hóa của làng Tốt với các nơi khác rơi vào thế bí. 100% hộ dân nơi đây được nhà nước xếp vào diện không thể... nghèo hơn được nữa. Thế rồi nói như ông Phạm Văn Niên, Trưởng thôn Vã Lếch, sau khi trúng đậm kỳ nam, nhiều người dân làng Tốt đã phất lên trông thấy.

Bà Phạm Thị Luốc, từng phất lên nhờ trúng kỳ nam năm xưa, giờ nghèo khó

Chợ kỳ nam một thời

Chúng tôi trở lại làng Tốt vào tháng 9/2016. Buổi trưa, tiếng gà gáy nghe xao xác. Nhớ ngày người làng Tốt trúng kỳ nam, nơi này có hàng trăm người tụ tập, dập dìu xe pháo vào ra. Khắp làng, chỗ nào cũng có võng, lán mọc lên của các thương lái và các “đầu gấu” theo bảo vệ các đại gia đến mua kỳ nam. Giá kỳ nam cũng tăng vùn vụt đến chóng mặt: ban đầu dân chưa biết rõ kỳ nam là gì nên chỉ bán 10 - 20 triệu đồng/kg, sau thì hét cả tỉ đồng thương gia cũng mua tất.

Ngày đó, vụ việc bùng lên khi tin ông Phạm Văn Xắc đi rừng tìm con ba ba tình cờ chặt một cây gỗ mục nằm vắt ngang con suối để đốt lửa sưởi ấm. Khi gỗ cháy, phát hiện mùi thơm, ông liền gùi cây gỗ về bán. Thế là từ chỗ không biết kỳ nam, ông Xắc và một số người trong làng này đã “một bước lên trời”.

Ông Trần Công Chính, nguyên Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, nhớ lại thời điểm đó làng Tốt như một cái chợ buôn bán kỳ nam. Hàng trăm người từ khắp nơi đổ về, ngày đêm xứ này người người đông đảo, gây xáo trộn cuộc sống người dân. Mấy tháng ròng, lực lượng chức năng của huyện phải bám địa bàn 24/24 giờ mới có thể bảo đảm được an ninh trật tự, không để xảy ra trộm cắp hay thương vong gì từ việc mua bán kỳ nam vốn ẩn chứa đầy bất trắc.

"Theo quy định, khi phát hiện kỳ nam, nhà nước sẽ lập biên bản tịch thu. Biết vậy nên hàng trăm người dân làng Tốt không dại gì nói mình trúng kỳ nam", ông Chính nói rồi tặc lưỡi: “Tiếc là khi trúng đậm kỳ nam rồi giàu, người làng Tốt sống trên đống tiền thì cái tay cái chân lại bắt đầu lười lao động, càng không thể cứu được khi cái đầu cũng thiếu suy nghĩ nốt. Hệ lụy đó khó mà đong đếm được”.

Những “số phận kỳ nam”

Một chủ quán tên Nh. ở đây cho hay, những ngày đầu năm 2006 lập quán, hàng bán chạy ào ào. Sau này mua bán ế ẩm dần, cảnh mua chịu của dân làng ngày một nhiều. Chẳng cần minh chứng, vừa trò chuyện với khách vợ chồng ông Nh. vừa liên tục bán rượu cho thanh niên ở đây và không ít người trong đó mua chịu. “Vậy đó, bọn trẻ uống rượu hoài, chẳng thấy làm ăn gì”, ông Nh. than phiền.

Tỉ tê một hồi, ông Nh. như chẳng giấu giếm gì: “Sau ngày các lái thương mua kỳ nam rời đi thì làng xảy ra chuyện trai bỏ vợ, gái bỏ chồng. Nhiều cô gái xa làng đi làm ăn đâu không ai rõ, lâu lâu lại về mặt mày trát đầy phấn, ăn mặc diêm dúa, tiền nong rủng rỉnh. Ở vài ngày trong làng, chúng chê làng buồn và khăn gói ra đi. Rồi lâu lâu lại có vài cô mang con, mang bầu về làng sinh nở...”.

Chúng tôi đang dang dở câu chuyện thì một thanh niên bước vào nói nhỏ: “Này, bán cho một lon bò húc và hai lít rượu. Ghi nợ đi”. Ông Nh. trợn mắt: “Lại nợ? Thế bao giờ mới trả hết đây? Quán nhỏ, vốn ít mà!”. Thanh niên nọ đáp: “Ngày mai tao trả”. Mua xong, anh ta vội đi, tránh ánh mắt của người lạ. Ông Nh. nhìn theo, ngán ngẩm: “Đó là con trai bà Luốc, một tỉ phú trúng kỳ nam khoảng chục năm trước, nhưng giờ nó nghèo xơ. Nhà chẳng còn gì, trâu bò cũng bán sạch luôn, mùa giáp hạt bụng đói quay quắt”.

Chúng tôi đi theo bìa rừng, tìm gặp bà Luốc. Nếu không có anh trưởng thôn Mang Krúi cùng đi thì bà Luốc chẳng mở lòng giãi bày nhiều về chuyện gia đình mình. Gợi lại câu chuyện trúng kỳ nam năm xưa, bà Luốc giọng đượm buồn: “Hồi đó, tao có biết kỳ nam là gì đâu. Tao được ông Phạm Văn Xắc tin tưởng, nhờ mang cơm cho ổng khi ổng đi khai thác kỳ nam. Sau này được ổng cho một ít”.

Tiền bán kỳ nam, bà Luốc không đếm được là bao nhiêu, chỉ thấy “tiền trong tay nhiều hơn lá rừng”. Có tiền, để thỏa cơn khát đói nghèo quay quắt ngày cũ, ba đứa con bà bắt đầu lao vào ăn chơi. Tiền gửi ngân hàng chưa đến tháng nhận lãi, chúng đã vội đi rút dần, thích gì mua nấy. Người dưới xuôi lên chào bán từ chiếc xe máy xịn đến những bộ quần áo tây, giá bao nhiêu chúng cũng mua. Giàu chóng vánh rồi cũng tụt dốc không phanh.

Bi kịch của bà mẹ nghèo người H’re cứ thế kéo dài mãi, như dòng sông Liêng uốn lượn bên ngôi nhà sàn bà đang ở chảy mãi không thôi.

Trong số những “đại gia” trúng kỳ nam thời ấy, cũng phải kể đến anh Phạm Văn Nhương (thôn Vã Lếch). Sau khi trúng kỳ nam, thời gian Nhương say bia rượu còn nhiều hơn lúc tỉnh. Mỗi bận xuống dưới thị trấn chơi, cả tháng ròng Nhương mới chịu về làng. Hôm gặp lại chúng tôi anh này cũng đã ngà ngà: “Tao ít chữ, chẳng biết đếm tiền. Tiền nhiều quá mà, cứ nghĩ sẽ chẳng bao giờ tiêu hết...”. Rồi gương mặt Nhương bỗng buồn tênh.

Bà Phạm Thị Lăng, Chủ tịch UBND xã Ba Lế, bảo giờ danh sách hộ nghèo của người làng Tốt nằm trong tốp đầu của xã. “Đó là do tái nghèo, thấy mà xót xa. Chính quyền lúc đó có trách nhiệm là phải làm sao để giữ lại tiền cho dân làng, nhưng cũng chỉ tuyên truyền, vận động, vì tiền của họ nên việc sử dụng ra sao mình không can thiệp được. Những đồng tiền ấy, bây giờ chảy đi đâu thì người dân hiểu rõ nhất. Muốn nói cho dân hiểu nhưng khó lắm. Tỉ phú mà có người không đếm được tiền, thì việc họ sử dụng sao cho hiệu quả là bài toán hóc búa”, bà Lăng đau xót.

Rời làng Tốt, chúng tôi mang theo gương mặt của Nhương. Giá như làng Tốt không trúng kỳ nam, chắc những gương mặt buồn kiểu này sẽ không bao giờ có…

Người giàu nhất làng

Chiều hôm ấy, chúng tôi đến nhà tỉ phú kỳ nam Phạm Văn Xắc (ảnh) thấy cánh cửa lim của ngôi nhà xây dựng theo kiểu biệt thự - nhà sàn đóng im ỉm. Dân làng ở đây kể lại, ngôi nhà này mọc lên sau hơn hai năm ông Xắc trúng kỳ nam. Hồi đó ông Xắc thuê hẳn xe múc ở đồng bằng lên san phẳng ngọn đồi thoai thoải để xây nhà. “Chiều tối mới về, ông Xắc đi chăn trâu rồi”, một người hàng xóm bảo.

Ông Xắc là cái tên tỉ phú kỳ nam đầu tiên được nhắc đến ở làng Tốt. Dân làng rỉ tai nhau ông đã mang được về khoảng chín gùi kỳ nam, chất thành đống trong nhà. Ông Phạm Văn Nú, Bí thư Chi bộ thôn Mang Krúi (xã Ba Lế), chỉ cho chúng tôi ngôi nhà to đang xây dựng của con trai ông Xắc, nói tuy ông Xắc trúng kỳ nam, nhưng chẳng mấy khi tiêu xài hoang phí.

"Tiền trúng kỳ nam ông đăng ký gửi vào ngân hàng để lấy lãi. Giờ ổng là người giàu nhất làng, sở hữu hàng trăm ha keo lai, trên chục con trâu và một chiếc xe máy ủi", ông Nú nói.

Còn nhiều người làng Tốt kể, bữa trưa mà ông Xắc mang theo khi đi chăn trâu chẳng có gì ngoài cơm trắng và con cá chuồn muối. Ngỡ đó là chuyện hài hước về sự tiết kiệm thái quá của “tỉ phú kỳ nam”, ai ngờ khi gặp ông xác nhận: “Bà con nói vậy không sai đâu. Tui ăn uống vậy quen rồi, giờ hằng ngày vẫn đi chăn trâu và ăn cá chuồn muối như những năm qua thôi”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh