Hải Phòng: Xử lý nghiêm hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em
- Pháp luật
- 11:03 - 27/02/2022
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố. Tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình…. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ hoặc không xử lý các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em.
Đồng thời, tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống, xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Triển khai nghiêm túc việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.
UBND thành phố giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành liên quan và UBND các quận, huyện tiếp tục thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đặc biệt là cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Tuyên truyền vận động các gia đình, người chăm sóc, giáo dục trẻ em thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em để phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, đồng thời lên tiếng tố cáo các hành vi xâm hại trẻ em…
Tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em và cha mẹ, người chăm sóc trẻ em. Tăng cường truyền thông về Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111, nâng cao hiệu quả hoạt động đuờng dây 18006605 của thành phố để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm hiểu hoặc cung cấp thông tin về bảo vệ trẻ em. Xây dựng và phổ biến các tài liệu, sản phẩm truyền thông, giáo dục cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên và trẻ em về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, đảm bảo thực hiện quyền trẻ em; chủ động kết nối dịch vụ, hỗ trợ kịp thời đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn tuyệt đối cho trẻ em đang sống tại các cơ sở Bảo trợ xã hội.
Giao UBND các quận, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em tại địa phương khi được phát hiện; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ, can thiệp trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để xảy ra tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn, không kịp thời hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.