Hài kịch truyền hình: Không thể buông lỏng quản lý
- Văn hóa - Giải trí
- 18:37 - 08/12/2015
Không ngại chiêu trò
Đã có một thời gian, việc giả gái được một số chương trình hài khai thác triệt, mục đích để chọc cười mua vui cho khán giả. Mục đích ấy khá thành công khi nghệ sỹ giả gái chỉ cần đi qua đi lại vài vòng, nói vài câu đã khiến khán giả cười ngặt nghẽo. Thế nhưng, cũng chính trào lưu giả gái này sau đó bị nhiều người cho là phản cảm, phi nhân tính… vì đã mua vui trên chính nỗi đau của những người thuộc thế giới thứ 3. Nhiều người thuộc thế giới ấy cảm thấy mình bị xúc phạm, tổn thương khi trở thành công cụ gây cười của những nghệ sỹ "ăn cơm hài".
Tưởng chừng câu chuyện này nên khép lại từ lâu vì đã có một hiệu ứng ngược như vậy. Thế nhưng, trong một số gameshow hài gần đây trên truyền hình, các nghệ sỹ hoặc những thí sinh tham gia vẫn day đi day lại một chiêu trò đã "xưa rồi như Diễm" là giả gái. Có thể kể ra đây, ở Tập 3, Chương trình "Ơn giời cậu đây rồi" được phát sóng trên kênh VTV3, danh hài Chí Tài đã giả gái, hóa thân thành một hồn ma vất vưởng có sở thích là hay vuốt tóc một bên trong phần đụng độ với diễn viên Vân Trang.
Hay trong Tập 4, Chương trình "Thách thức danh hài" được phát sóng trên HTV7, "ông nổ" Kenny Sang xuất hiện giả gái ngay phần đầu với một chiếc váy diêm dúa, kèm theo những cử chỉ, động tác, phong thái… không thể chấp nhận nổi.
Màn "cưỡng hôn" của Trấn Thành với khách mời gây "đỏ mặt" cho không ít người xem. |
Việc giả gái ấy lại đi cùng một kịch bản chương trình nhạt nhẽo làm cho các gameshow hài đang phát sóng trên truyền hình hiện nay trở thành nhiều món ăn nhưng lại chung một vị. Khi "Ơn giời cậu đây rồi" gây sốt vào cuối năm ngoái cũng là lúc một loạt các gameshow hài nở rộ như nấm sau mưa. Ví dụ như "Cười là thua", "Gặp nhau để cười", "Hội ngộ danh hài", "Người bí ẩn"… Gameshow hài nào mà chả có bi hài kịch, lâm li bi đát, đến thế mà thôi.
Kịch bản cũ, diễn cũng cũ. Thậm chí, có khán giả phát hiện, có cả đoạn, không biết cố tình hay vô ý "cầm nhầm" ý tưởng từ một bộ phim Hàn Quốc gây sốt vừa qua. Có thể ví dụ ra đây Tập 3 của "Ơn giời cậu đây rồi", những "mọt phim" Hàn sẽ nhận ra nội dung phần ô cửa có sự tham gia của diễn viên Vân Trang có gì đó giống giống với bộ phim "Oh My god" do diễn viên Park Bo Young thủ vai.
Ngay cả việc các danh hài xuất hiện từ gameshow này sang gameshow khác cũng gây ra cảm giác "bội thị" cho người xem. Có khán giả mặc dù rất yêu quý danh hài nọ cũng phải thốt lên "ủa ăn với chạy sô họ không mệt sao", "sao cái ông này xuất hiện bên này rồi, lại còn bên kia nữa mà chi vậy?". Điểm danh đi điểm danh lại, giới hài nước ta cũng chỉ có bấy nhiêu gương mặt, bói đâu ra người mới, nhưng ít nhất tham gia cái này thì nên tránh cái kia chứ.
Với những gameshow, có sự tham gia của các danh hài nổi tiếng đã là hơn 50% thành công rồi. Tên tuổi của họ là một sự bảo trợ đáng tin và đáng để đánh đổi hơn bất cứ cái gì. Vì thế, các chương trình, các nhãn hàng, nhà tài trợ không ngại ngần chi những khoản cát-sê khủng để mời được họ góp mặt vào, thậm chí "triệu kiến" các danh hài miền Bắc như Tự Long, Xuân Bắc vào (với vị trí giám khảo, MC cũng như thí sinh tham gia). Có phải ai cũng đủ "bản lĩnh" để nói không với cát-sê khủng đâu, nhất là với những gameshow "ăn xổi ở thì" thì càng dễ. Đó là chưa kể đến chuyện, nghệ sỹ một khi đã đặt bút ký vào ký hợp đồng thì phải gắn bó với nó cho hết mùa. Dừng ngang, bồi thường hợp đồng, ai dại gì!
Trấn Thành là một nghệ sỹ đắt sô và thành danh nhưng cũng mất điểm ít nhiều khi tham gia các gameshow hài. |
Vì thế quanh đi quẩn lại các đầu mục gameshow đang phát sóng, khán giả không khó để điểm danh Hoài Linh xuất hiện trong mấy chương trình; Trấn Thành là giám khảo gameshow gì, thí sinh gameshow gì, Việt Hương nhẵn mặt ở đâu… Vừa thấy người này xuất hiện ở đây, bật sang kênh khác lại thấy đang ra rả, chưa kể vô tình thế nào, đi qua phòng con cái thấy nó đang xem một gameshow khác, cũng lại cái ông cái bà danh hài nổi tiếng đó. Nổi tiếng thì nổi tiếng thật, duyên thì duyên thật, nhưng nhiều quá cũng có ngày chán chứ.
Chưa hết, có lẽ kịch bản hài khan hiếm là một trong những yếu tố gây nên sự "khủng hoảng" cho hài kịch truyền hình hiện nay. Khán giả liên tục bị "bội thực" bởi những màn ôm hôn phản cảm phát trên sóng truyền hình trong "Ơn giời cậu đây rồi". Các trưởng phòng Trường Giang, Trấn Thành thường xuyên tạo tình huống hôn liên tục khiến các khách mời nữ né tránh, đâm ra diễn không ăn nhập, không tự nhiên, gượng gạo. Có người phải dùng tiếng cười trừ để lấp vào sự bối rối do các vị trưởng phòng đặt ra.
Trấn Thành "cưỡng hôn" khách mời Angela Phương Trinh nhiều lần trong Tập 1 và cũng là Trấn Thành, trong Tập 4, hóa thân thành ma cà rồng ôm ấp và hôn, thậm chí "đè" ca sỹ Phương Trinh Jolie xuống để hôn khiến khán giả truyền hình cả nước được một phen nóng mắt. Trường Giang cũng có không ít cảnh ôm, hôn nhiều lần với khách mời Vân Trang, Kim Tuyến... Ngoài hai trưởng phòng trên, hai nghệ sỹ hài nổi tiếng khác Tự Long, Việt Hương cũng từng sử dụng chiêu ôm, hôn với khách mời.
Trấn Thành, Trường Giang, Việt Hương, Tự Long… đều là những nghệ sỹ hài thành danh, có chỗ đứng trong làng hài Việt. Sự hết mình để hóa thân nhân vật là điều cần thiết nhưng các nghệ sỹ của chúng ta cũng nên nhớ, đây là một chương trình truyền hình thực tế, đối tượng xem không chỉ người lớn mà còn có các em nhỏ. Chương trình này lại chủ yếu lên sóng vào khung giờ vàng. Vì thế, nên chăng, cần có một sự tiết chế nào đó trong khi diễn để mang lại một màn diễn gây tiếng cười văn minh, chứ không phải chắp vá, lợi dụng, vay mượn từ chiêu trò như thế này.
Rất cần phải quản lý
Mục đích của những gameshow hài khi ra đời là mang lại tiếng cười cho khán giả nhưng rồi cũng đến lúc phải nhìn lại tiếng cười đó là tiếng cười như thế nào. Có mang lại giá trị nào không, hay đơn thuần, chỉ là những tiếng cười mua vui chốc lát? Hay còn có mục đích nào khác nữa?
Sau Trấn Thành, Trường Giang, Việt Hương cũng "cưỡng hôn". |
Khi sân khấu diễn bị thu hẹp dần, hài kịch truyền hình lên ngôi, đã, đang tồn tại và "thống lĩnh" những khung giờ vàng trong đời sống văn hóa giải trí của chúng ta hiện nay. Khi lên sóng, nó không đơn thuần còn là chương trình giải trí thông thường nữa mà là một chương trình văn hóa, có một tác động nhất định đến phần lớn công chúng.
Có một câu hỏi đặt ra trong các gameshow hài đang phát sóng hiện nay, đó là nội dung của nó đã được kiểm duyệt một cách nghiêm túc chưa? Chẳng hạn như, việc một người có tiếng là "nổ" như Kenny Sang xuất hiện chớp nhoáng trong chương trình "Thách thức danh hài" vừa qua cùng với đoàn tùy tùng của mình. Kenny Sang bỏ ra 5 tỉ để "mua chuộc" tiếng cười trong phần thi toàn khoe…đúng kiểu Kenny Sang. Vượt qua vòng 1 và dừng lại ở số tiền 2 triệu đồng cho mục đích từ thiện và đến đây chỉ để gặp 2 vị giám khảo là Trấn Thành và Việt Hương là Kenny Sang vui rồi. Thật nhảm và lố bịch. Gameshow không phải là nơi để một ai đó chiêu trò hoặc lợi dụng để làm tăng mức độ nổi tiếng của mình, mặc dù cho sự nổi tiếng đó chỉ là một cái vỏ trống rỗng mà thôi.
Trào lưu giả gái để mua vui vẫn được sử dụng trong gameshow "Ơn giời cậu đây rồi". |
Nguy hiểm hơn, không chỉ phát sóng trên truyền hình, các gameshow này còn phát lại kênh riêng trên Youtube. Trong đó, có không ít nội dung chưa được "biên tập", bê nguyên lên cho khán giả xem lại, gây tranh cãi. Ví dụ như màn xuất hiện của một vị sư thầy trong chương trình giải trí "Ơn giời cậu đây rồi". Có không ít lời bình luận nghi ngờ về ông sư thầy này khi lên sóng Youtube.
Bằng một cách nào đó, hài kịch truyền hình tự nó làm mất đi giá trị của mình cũng như khước từ một sân khấu rộng lớn hơn là hàng triệu người xem. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng về quản lý văn hóa cần phải kiểm duyệt nghiêm khắc hơn, trước khi để nó lên sóng.