CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:04

Gameshow truyền hình đang trở thành “nồi lẩu” thập cẩm

 

Lạm phát gameshow hài

Khi mà sức hút của các chương trình ca nhạc trên truyền hình đang có dấu hiệu hạ nhiệt thì cũng là thời điểm bùng nổ các gameshow hài hước, gây cười. Ngay từ thời điểm cuối năm 2014, đầu 2015, trên các kênh truyền hình Việt đã ngập tràn các chương trình giải trí hài hước, như: “Ơn giời, cậu đây rồi!”, “Chết cười” (Đài Truyền hình Việt Nam), “Cười là thua”, “A ha”, “Tài - Tiếu – Tuyệt” (Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh). Thậm chí, Đài PT- TH Vĩnh Long cũng đã ra mắt gameshow “Vui ơi là vui”.

Lạm phát các gameshow hài trong khi số lượng nghệ sĩ thực sự có khả năng diễn hài lại có hạn dẫn tới tình trạng các nghệ sĩ chạy sô hết chương trình này tới chương trình khác. Quanh đi quẩn lại ở phía Nam có các nghệ sĩ Hoài Linh, Chí Tài, Việt Hương, Thúy Nga, Trường Giang, Hiếu Hiền... Ở miền Bắc cũng không nhiều hơn mấy tên tuổi quen thuộc Tự Long, Công Lý, Xuân Bắc, Quang Thắng, Vân Dung...

Một trong những đặc điểm nổi bật của hầu hết các chương trình hài hiện nay là chú trọng tới yếu tố bất ngờ, ngẫu hứng và hoàn toàn không có kịch bản. Tập trung vào sự ứng biến tự nhiên của các nghệ sĩ trên sân khấu với sức ép phải gây cười cho khán giả bằng mọi giá đã khiến cho khán giả phát ngượng khi chứng kiến những câu nói tự do, thiếu kiềm chế, nhan nhản ngôn từ “vỉa hè” ở các chương trình này. Thậm chí có những chương trình không mang nhiều tính chất hài nhưng đang được các nhà sản xuất “ép” về hài để thu hút khán giả. Nhưng nghệ sĩ hài thì cũng có chừng đó thôi, quanh đi quẩn lại vẫn những tên cũ. Họ xuất hiện liên tục từ Cười là thua đến Tài - tiếu - tuyệt rồi sang... “Ơn giời, cậu đây rồi!” và một số gameshow như “A ha”...

 

Nhẵn mặt thí sinh

Lại nữa, chưa lúc nào thị trường âm nhạc Việt có nhiều gameshow, chương trình âm nhạc như thời điểm hiện tại. Cách đây vài năm khán giả chỉ biết tới “Bài hát Việt”, “Bài hát yêu thích”... Còn ở thời điểm hiện tại, show âm nhạc nhiều vô kể, từ chương trình đang lên sóng là “Giọng hát Việt”, “Vietnam Idol” cho tới chương trình vừa kết thúc là “The Remix”, “Nhân tố bí ẩn”... hay trước nữa là “Học viện ngôi sao”, “Ngôi sao Việt”, “Giọng hát Việt nhí”... tất cả ra đời và khiến thị trường âm nhạc trở nên thật sôi động.

Hầu hết những gameshow truyền hình hiện này đều sử dụng... nhân sự của nhau và từ đó, cuộc cạnh tranh chính thức bắt đầu khi chọn thời điểm lên sóng truyền hình gần nhau... Hơn thế nữa, cũng giống như các chương trình ca nhạc của người lớn, việc các thí sinh nhí “chạy show” đi thi từ cuộc thi này sang cuộc thi khác cũng khá phổ biến. Đơn cử như trước đây, khán giả truyền hình “nhẵn mặt” với Như Vũ, Song Vũ, sau khi thi “Tìm kiếm tài năng” thì thi tiếp “Giọng hát Việt nhí”, Thanh Trúc từng thi “Đồ Rê Mí” cũng chuyển sang thi “Tìm kiếm tài năng”... Các tivi show thường chọn thời điểm cuối tuần để phát sóng, cho nên có được sóng vào tối thứ bẩy, Chủ nhật cũng là một cuộc cạnh tranh căng thẳng...

Tuy nhiên, “bánh ngon” ăn một vài lần còn thấy ngon, ăn mãi cũng chán. Gameshow ca nhạc dồn dập ra đời, lấp đầy giờ vàng các kênh truyền hình và khiến khán giả “bội thực”. Nhưng dù có chán, có nhạt nhẽo hay bão hòa, các gameshow này vẫn siêu hot. Bằng chứng là chương trình nào cũng có lượng thí sinh đông đảo đội nắng dầm mưa đến đăng ký tham gia. Sau 8 năm ra đời, rồi phát triển, “Vietnam Idol” vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Với mùa giải 2015, chương trình đã nhận được khoảng 30.000 đơn đăng ký từ các bạn trẻ trên toàn quốc, con số này lớn hơn 5.000 so với mùa giải trước đó. Trong khi đó, số thí sinh đến tham dự thực tế tại các địa điểm thử giọng là khoảng 27.000 người. Bởi khi được khán giả truyền hình biết đến qua các cuộc thi này, nghiễm nhiên, thí sinh tham dự từ vô danh sẽ một bước thành sao.

Không chỉ thế, việc giữ được sóng ở những ngày đó cũng là một cuộc cạnh tranh khốc liệt không kém bởi khi một chương trình kết thúc thì sẽ có ngay một chương trình khác thế chân, nếu đơn vị đó chưa sản xuất kịp chương trình thay thế thì ngay lập tức, sẽ có đơn vị khác nhảy vào. Điều này có thể lí giải vì sao các đơn vị truyền thông liên tục sản xuất gối đầu những chương trình khác nhau, dù biết rằng, có thể chương trình đó không ăn khách nhưng nếu không sản xuất, họ sẽ bị mất sóng vào khung giờ vàng đó.

MAI CHÂU/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh