Hai cọc tiền của bà cụ trên phố cổ khiến nhân viên 115 bất ngờ
- Dược liệu
- 17:59 - 21/11/2017
Điều dưỡng Nguyễn Thanh Huyền (SN 1983) có 10 năm công tác tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội.
Là nhân viên tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, điều dưỡng Nguyễn Thanh Huyền (SN1983) đã có 10 năm công tác. Trong 10 năm đó, vừa là nhân viên trực điều hành chị vừa tham gia các chuyến đi cấp cứu và đưa đón bệnh nhân.
Khi đi cùng các chuyến xe đưa đón và cấp cứu người bệnh, giống như nhiều nhân viên y tế khác, chị cũng từng chứng kiến hàng trăm tình huống với vô vàn những câu chuyện khác nhau. Có những tình huống khiến chị cười ra nước mắt nhưng cũng có những tình huống khiến chị cảm động.
“Giữa cuộc sống xô bồ, tỉ lệ ly hôn cao và quá nhiều người mất niềm tin vào tình yêu đôi lứa, chúng tôi lại được chứng kiến những câu chuyện đẹp giữa đời thường… Đó là câu chuyện của cặp vợ chồng già sống ở phố cổ”, chị Huyền nhớ lại.
Hai cụ đã ngoài tuổi 80, sống cùng nhau trong một tập thể cũ. Con cái đều muốn đón hai cụ về sống chung nhưng họ không đồng ý. Ngày hôm đó, không biết vì lý do gì nhưng cụ ông bị ngã. Một người hàng xóm nghe tiếng kêu thất thanh của bà cụ đã gọi cấp cứu.
Khi nhân viên y tế cùng xe cấp cứu đến, các con cháu của cụ ở gần nên đã có mặt đông đủ. Tuy nhiên ngồi bên cạnh cụ ông không phải các con mà là cụ bà.
"Bà ngồi bên cạnh, nước mắt chảy tràn. Một tay bà cầm khăn, cố lau đi những giọt mồ hôi đang đọng trên trán ông, tay kia bà nắm chặt lấy bàn tay không bị thương của ông. Ông bị đau, mặt nhăn nhó nhưng miệng vẫn cố mỉm cười và động viên bà. Ông cũng không cho bất cứ ai thay thế chỗ bà ngồi.
Chỉ khi nhân viên y tế xuất hiện và sơ cứu, ông mới đồng ý để bà lùi lại phía sau. Tuy nhiên tôi để ý, trong lúc nhân viên y tế làm việc, ánh mắt ông vẫn không ngừng nhìn bà. Thậm chí khi đưa ông ra xe cấp cứu, bà cũng theo sau. Bà còn đòi một chỗ ngồi trên xe cấp cứu để cùng ông đến bệnh viện.
Chúng tôi có khuyên bà nên dành chỗ cho con trai hoặc con gái để các anh, chị tiện hỗ trợ ông (nếu cần) trên đường di chuyển. Tuy nhiên cụ bà không đồng ý và cụ ông cũng vậy. Vì thế cuối cùng, chúng tôi phải sắp xếp để bà được ngồi cạnh ông”, chị Huyền nói.
Vẫn lời chị Huyền, suốt dọc đường đi, hai ông bà không rời tay khỏi nhau. Bà liên tục dặn ông phải gắng sức để chữa lành bệnh, ông cũng nhắc bà đừng quá lo lắng mà ảnh hưởng đến sức khỏe...
“Chứng kiến tình cảm ấy, tôi thấy vô cùng cảm động. Tôi nghĩ đó là thứ tình cảm đáng quý mà bất cứ ai trong cuộc đời này cũng mong nhận được”, nữ điều dưỡng cảm động nói.
Cũng từng được chứng kiến một câu chuyện tình yêu đẹp là y sĩ Nguyễn Thị Hường (SN 1991, Kíp trưởng kíp trực cấp cứu, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội).
Chị Hường cho biết, đó là hai ông bà chừng 70 tuổi ở phố cổ Hà Nội. Hai ông bà ở tầng 3, căn nhà chỉ vẻn vẹn 10 m2. Tuy nhiên bà nói hai ông bà đã ở đó gần nửa cuộc đời. Các con của ông bà đã trưởng thành nhưng ai cũng lập nghiệp xa, có người ở nước ngoài.
Cuộc sống các con không quá khá giả nên mỗi năm, họ chỉ về thăm bố mẹ được một vài lần. Ở nhà, hai ông bà tự chăm sóc nhau. Tiền sinh hoạt trông vào quán nước chè ông bà mở ra vào mỗi buổi chiều.
“Hôm gọi cấp cứu, ông bị tai biến. Bà kể với chúng tôi, bà chỉ kịp bấm điện thoại rồi ngồi xoa bóp cho ông. Nghe tiếng còi hú, bà lại lao vội ra cửa, chạy xuống 3 tầng cầu thang để đón xe. Nhưng đón đến lần thứ hai bà mới gặp đúng xe đến”, chị Hường kể.
Nữ y sĩ vẫn nhớ như in gương mặt khắc khổ nhưng ánh mắt đầy hy vọng của bà khi chiếc xe cùng nhân viên y tế chạy đến.
“Suốt cả quá trình tiếp xúc, tôi luôn thấy bà ân cần với ông. Ngồi trên xe cấp cứu, bà cũng luôn nắm lấy tay ông để động viên. Bên cạnh đó, bà cũng không quên nói chúng tôi cố gắng, giúp đỡ để ông được vào viện điều trị sớm”, chị Hường nói.
Vẫn theo chị Hường, sau khi chứng kiến tình cảm và hoàn cảnh của hai ông bà, chị và ekip cấp cứu đã quyết định bỏ tiền túi để giúp đỡ, không thu tiền xe đưa ông vào viện. Tuy nhiên lúc chào tạm biệt, hành động của bà khiến chị Hường và cả ekip trong chuyến xe cấp cứu ngày hôm đó bất ngờ.
Chị cho biết: “Khi đã hoàn tất mọi thủ tục, chúng tôi thông báo với bà việc không phải trả tiền xe, không ngờ bà lấy trong túi xách ra hai cọc tiền lớn. Sau đó, bà đặt vào tay tôi và nói, bà tặng chúng tôi vì chúng tôi đã quá nhiệt tình với ông bà. Tôi nhìn số tiền và ánh mắt cảm kích của bà mà cảm động. Đó là hai cọc tiền được bà xếp bằng những tờ 1.000 nghìn, 2.000 nghìn đồng cũ kỹ nhưng rất phẳng phiu”.
“Số tiền đó, tất nhiên chúng tôi từ chối. Nhưng tôi vẫn cứ nhớ mãi ánh mắt của bà, sự ân cần của bà và cả cái nắm tay thật chặt mà bà dành cho ông. Hình ảnh đó thật ấm áp”, chị Hường cho biết thêm.