'Người mẹ ngất xỉu vì 4 con gào khóc trong đám cháy ám ảnh chúng tôi'
- Y học 360
- 15:27 - 20/07/2017
Đại úy Nguyễn Anh Sơn (SN 1980), Tổ trưởng Tổ chữa cháy, Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp, Phòng Cảnh sát PC&CC Số 7, cho biết, trong quá trình chữa cháy, không ít lính cứu hỏa đã bị thương.
Vụ cháy 10/2015 khiến 2 chiến sĩ phải nhập viện cấp cứu là vụ cháy để lại trong các anh nhiều ám ảnh. Theo lời Đại úy Nguyễn Anh Sơn, nửa đêm 14/10, gần 1.000 m2 nhà xưởng tại xưởng sản xuất, tái chế ống nhựa ở cụm làng nghề Ninh Sở (xã Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội) đã xảy ra cháy lớn.
10 xe ô tô chuyên dụng cùng các phương tiện chữa cháy, cứu hộ đã được điều đến hiện trường.
“Đêm đó, không trong ca trực nhưng tôi cũng được điều động hỗ trợ. Đám cháy được đánh giá là lớn, nguy hiểm. Nhựa tái chế bị đun nóng, chảy thành dòng dưới nền xưởng”.
Theo đó, sau 30 phút chữa cháy, gần 80 lính PCCC vẫn chưa thể dập tắt được vì phía bên trong toàn chất dễ cháy nên lửa càng bùng mạnh. Chiến sĩ Nguyễn Văn Quang được lệnh cùng với chiến sĩ Triệu Quang Duy cầm lăng phun chữa cháy tiến sâu vào để chống việc đám cháy lan sang xưởng khác.
Nguyễn Văn Quang trên giường bệnh
Lúc này, dưới mặt đất một dòng chất lỏng đặc quánh ùn ùn từ trong xưởng chảy ra, không thể vứt lăng xuống đất anh Quang và anh Duy tiếp tục đưa cao dòng nước thì chân bỏng rát không nhấc nổi. Anh Quang ngã, Duy cũng ngã theo.
Anh Duy đứng phía sau chống tay nên dễ dàng đứng dậy, còn anh Quang ngã, tay, chân, lưng đã bị tiếp xúc với dòng chất lỏng nhựa đặc quánh. Anh ngất ngay sau đó và phải vào cấp cứu ở Viện bỏng quốc gia.
Hiểm nguy có thể vượt qua nhưng hậu quả sau những vụ cháy lại khiến nhiều chiến sĩ PCCC day dứt.
“Ám ảnh đối với tôi nhất có lẽ là vụ cháy ở nhà người dân bán xăng dầu lẻ ở Lĩnh Nam vào khoảng 2000-2001”, Đại úy Nguyễn Anh Sơn nói.
Vụ cháy đó xảy ra trong căn nhà có 4 đứa trẻ đang ngủ. Cha mẹ các em ngủ ở một căn nhà khác và để 2 con cùng 2 người chị em họ ngủ ở căn nhà còn lại. Bên cạnh căn nhà các cháu nhỏ ngủ là kho xăng, có chứa các phi xăng.
Để an tâm, phụ huynh còn khóa trái cửa ở ngoài. Nửa đêm, lửa bén vào xăng bốc cháy, khiến một số phi xăng phát nổ.
“Vụ cháy rất nguy hiểm. Lúc chúng tôi trên xe di chuyển đến khu vực bến xe nước ngầm đã thấy các cột lửa vì phi xăng phát nổ bắn lửa lên trời. Đến nơi chúng tôi nghe người dân nói trong nhà có 4 đứa trẻ (2 con và 2 cháu của chủ nhà).
Cửa bị khóa, các cháu không ra được chỉ biết la hét nhưng vì đêm khuya người dân không phát hiện sớm. Lúc mọi người biết chuyện thì lửa đã cháy to và quá muộn.
Trong lúc chúng tôi đang chữa cháy, các thùng xăng vẫn liên tục phát nổ. Chỉ huy phải quan sát rất căng thẳng, các anh hô “nằm xuống” chúng tôi tất cả nằm rạp thì một tiếng nổ “bùm” đinh tai nhức óc vang lên. Lúc này, cha mẹ các em ở ngoài liên tục gào khóc, đòi lao vào tìm con… ”.
Tuy nhiên, điều khiến anh Sơn buồn bã là khi đưa được các cháu ra ngoài thì tất cả không còn ai sống sót.
Trong biển lửa (Nguồn ảnh: Phòng Cảnh sát PC&CC Hà Nội cung cấp)
“Trong đêm tối, tôi nhớ mãi cảnh cha các em giằng tay khỏi những người thân trèo lên tường rào lao vào chỗ các con. Tuy nhiên bức tường bị nung nóng chỉ phút chốc đổ sập làm người cha gãy chân. Người mẹ gào khóc rồi ngất xỉu trong tay hàng xóm… Nhiều năm về sau, cảnh tượng đó vẫn còn ám ảnh tất cả chúng tôi”.
Đại úy Nguyễn Anh Sơn chia sẻ thêm, điều quan trọng nhất với người lính cứu hỏa chính là khả năng nhận lệnh, tác chiến nhanh nhạy, kịp thời.
Để đảm bảo việc này, điện thoại của họ lúc nào cũng phải mở 24/24 nhận các cuộc gọi điều động. Lúc đi công tác, đi nghỉ… các chiến sĩ đều phải báo cáo để người chỉ huy nắm rõ quân số, phục vụ cho việc điều động lực lượng.
“Chúng tôi sẵn sàng nhận lệnh ở mọi nơi, mọi thời điểm. Có lần, đang trong giờ ăn, vừa bê bát cơm lên thì có lệnh tác chiến lính PCCC cũng phải thả xuống để đi. Chúng tôi làm xong nhiệm vụ xong, quay về thì cơm, canh nguội, phải pha gói mì ăn tạm rồi đi nghỉ.
Những lúc đêm hôm, mưa gió… lính PCCC đi làm nhiệm vụ là chuyện hết sức bình thường. Ngày lễ, Tết… chúng tôi cũng đều phải trực, sau đó khi người ta đi làm, đi học trở lại thì mình nghỉ bù.
18 năm trong nghề tôi đã có 16 năm phải đón Tết ở đơn vị. Thậm chí có những năm người ta quây quần với mâm cơm giao thừa thì chúng tôi vẫn phải chống chọi với giặc lửa”.
Theo anh Sơn, đó là câu chuyện xảy ra cách đây nhiều năm về trước. Vào ngày Tết, khi các ngành nghề khác được nghỉ thì lực lượng PCCC lại phải huy động nhiều hơn.
Anh nói: “Dịp Tết cũng là thời kỳ cao điểm và căng thẳng nhất đối với lực lượng cảnh sát PCCC. Chúng tôi phải túc trực để bảo vệ các mục tiêu bắn pháo hoa phục vụ bà con đón giao thừa. Đây cũng là thời điểm người dân thắp hương, đốt vàng mã, nấu ăn nhiều, dễ gây ra cháy nổ”.
Anh chia sẻ thêm: “Cách đây nhiều năm về trước, tôi đã có một đêm giao thừa nhớ mãi không quên. Lúc đó, khoảng 10 giờ đêm 30 Tết, anh em đang chuẩn bị làm mâm cơm đón giao thừa thì nhận được tin báo cháy từ người dân. Đó là vụ cháy xưởng giấy ở Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội).
Ngay lập tức, chúng tôi lên đường. Lăn xả chữa cháy cả đêm trong cả tiếng pháo giao thừa, khi người lính cứu hỏa ngẩng lên thì trời đã gần sáng. Anh em mặt mũi nhem nhuốc, nói câu chúc mừng câu năm mới rồi đùa nhau: “Một vụ cháy kéo dài suốt 2 năm”.
Chúng tôi về đến nơi, trời hửng sáng. Người người nhà nhà ăn mặc tươm tất đi du xuân trong sáng mùng 1 Tết. Còn những người lính ăn vội món gì rồi đi ngủ vì đã quá mệt”.
Các chiến sĩ trong lúc làm nhiệm vụ (Nguồn ảnh: Phòng Cảnh sát PC&CC Hà Nội cung cấp)
Thượng sĩ Trương Duy Tùng (SN 1993), cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp, Phòng Cảnh sát PC&CC Số 7, cũng tâm sự: “Trong nhiều vụ, để có nước phục vụ chữa cháy, chúng tôi phải hút nước từ ao, hồ, sông lân cận và không ít lần phải lấy nước từ sông Tô Lịch lên.
Lúc chữa cháy, do sức nóng của lửa quá lớn chúng tôi phải lấy nước đó xả lên người. Thậm chí thấy vũng nước bẩn dưới chân đang chạy qua cũng dừng lại úp mặt xuống đó để làm mát cơ thể, giảm sức nóng để tiếp tục công việc”.
“Những lần đó, tôi về nhà phải tắm hết 3-4 bánh xà phòng mà vẫn không hết mùi”, thượng sĩ 24 tuổi bông đùa.