Hà Tĩnh: Đưa trang trại chăn nuôi bò sữa Vinamilk vào hoạt động, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động
- Huyệt vị
- 02:50 - 25/05/2020
Hương Khê (Hà Tĩnh) là huyện miền núi khó khăn, nhưng có nhiều tiềm năng lợi thế chưa được khai thác. Trong đó đáng chú ý có nguồn lực lao động đồi dào, có hệ thống giao thông thuận lợi với tuyến đường sắt Bắc – Nam và tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua, và nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối với quốc lộ 8 A và 12 A thông qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) và Cha Lo (Quảng Bình) sang Lào, Thái Lan và các nước trong khu vực; có kết cấu hạ tầng được đầu tư mạnh trong thời gian gần đây...
Với tiềm năng diện tích đất tự nhiên trên 126.000 ha, trong đó đất nông, lâm nghiệp chiếm trên 100.000 ha, đặc biệt là có trên 12.000 ha đất bãi bồi ven sông và đất trồng lúa... với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết lý tưởng để phát triển trồng cỏ và trồng ngô phục vụ chăn nuôi bò, đảm bảo cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho phát triển trang trại chăn nuôi bò sữa với quy mô lớn tại địa phương và các vùng lân cận.
Trước thực tế đó, nếu Dự án trang trại chăn nuôi bò sữa sữa Vinamilk đi vào hoạt động như dự kiến với tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng, được thực hiện trên tổng diện tích 300ha - 350ha, tại xã Hương Vĩnh và Hương Xuân, huyện Hương Khê , quy mô từ 4.000 đến 8.000 con bò sữa và 2.000 đến 4.000 con bò thịt, là hướng đi phù hợp trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo bước đột phá mới trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; giải quyết việc làm cho người lao động và liên kết sản xuất bao tiêu ổn định sản phẩm ngành nông nghiệp, đặc biệt là phát triển sản xuất trồng cỏ, trồng ngô sinh khối theo quy mô lớn; nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diên tích so với trồng cây cao su và sản xuất nông nghiệp...
Theo đề xuất của Tổng Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk và Công ty TNHH MTV Bò Sữa Việt Nam qua kiểm tra, khảo sát vùng đất đủ điều kiện để xây dựng Trang trại phát triển chăn nuôi bò sữa và bò thịt Vinamilk tại tiểu khu 240, 241B thuộc xã Hương Vĩnh và Hương Xuân với diện tích 342 ha, trong đó đất do Tổng Công ty Cao su Hà Tĩnh quản lý khoảng 300 ha, còn lại khoảng 42 ha là đất ở, đất lâm nghiệp và đất trồng cây hàng năm của một số hộ dân xã Hương Vĩnh theo văn bản số 13/06/CV-BSVN ngày 14/6/2010 của Công ty Sữa Việt Nam Vinamilk và Công ty TNHH MTV Bò Sữa Việt Nam gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và các đơn vị liên quan.
Nếu dự án đi vào hoạt động, không những tạo điều kiện tối đa về bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân chuyên canh trồng cỏ, trồng ngô mà Công ty hỗ trợ trọn gói cho người dân chăn nuôi bò theo hình thức liên kết với quy mô có thể lên tới 100 con/ 1 hộ gia đình và sản xuất phân bón hữu cơ, phục vụ sản xuất nông nghiệp trồng cây nguyên liệu, phát triển các mô hình trang trại trồng cam, bưởi...
Xét về lợi nhuận kinh tế trên 1 ha đất trồng cỏ Mombasa (cỏ có xuất xứ Mỹ), mỗi năm có thể thu hoạch tới 6 lứa, mỗi lứa từ 40 đến 45 ngày có thể thu hoặc từ 30 đến 40 tấn (mỗi tấn có trị giá 600.000 đồng theo hợp đồng). Trong lúc đó nếu trên 1 ha diện tích đưa vào trồng ngô lai phục vụ chăn nuôi bò thì mỗi năm có thể trồng được từ 2 đến 3 vụ, mỗi vụ 90 ngày, thu hoạch từ 40 đến 45 tấn/1ha (với giá nhập vào, triệu đồng/1 tấn).
Trên thực tế cho thấy, cuối năm 2016 Vinamilk đã triển khai đầu tư, đưa vào vận hành hiệu quả Trang trại Bò Sữa Vinamilk Hà Tĩnh tại địa bàn xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn với quy mô từ 2.000 đến 3.000 con bằng ứng dụng công nghệ cao, đem lại lợi ích hài hòa cho doanh nghiệp, người dân và địa phương; hình thành vùng nguyên liệu tiêu thụ sản phẩm của bà con nông dân trồng cỏ, ngô bán cho trang trại và phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn Hà Tĩnh góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Đây cũng là cơ sở đầu tiên tại Việt Nam nhập giống bò sữa cao sản từ Mỹ cho sản lượng vượt 20% so với bò sữa thông thường. Trang trại được lắp đặt hệ thống quạt gió và phun sương bằng công nghệ tiên tiến Tunnel Ventilation của Thụy Điển, đảm bảo môi trường sống lý tưởng, giúp đàn bò luôn trong trạng thái thoải mái, không sốc nhiệt, cho chất lượng sữa ổn định; khẩu phần ăn của bò được thiết lập với tỷ lệ dinh dưỡng đạt chuẩn quốc tế Global GAP với 3 lần ăn mỗi ngày.
Quy trình xử lý chất thải ở các trang trại hiện đại với hệ thống máy cào phân tự động, tách chất và ủ trong 30-45 ngày để thành phân bón; phần nước xử lý qua hệ thống hồ sinh học sẽ là khí đốt hoặc nguồn nước quay lại tưới cho đồng cỏ...
Với hệ thống trang trại quy mô và quy trình chăm sóc khép kín, tất cả trang trại bò sữa của Vinamilk là những trang trại đầu tiên tại Đông Nam Á được tổ chức Tiêu chuẩn nông nghiệp toàn cầu (Global Gap) cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn quốc tế. Hệ thống trang trại Vinamilk trải dài khắp Việt Nam cũng là những trang trại đầu tiên tại Đông Nam Á đạt chuẩn quốc tế Global GAP.
Việc đưa trang trại chăn nuôi Bò Sữa Vinamilk vào hoạt động tại 2 xã miền núi Hương Vĩnh và Hương Xuân là bước đột phá về kinh tế xã hội và an ninh... phù hợp với nguyện vọng của đại đa số bà con nông dân và người lao động trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý chủ trương đầu tư của Tổng Công ty Cổ phần sữa Việt NamVinamilk và Công ty TNHH MTV Bò Sữa Việt Nam, đồng thời tạo mọi điều kiên thuận lợi nhất để dự án sớm đi vào hoạt động.