CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:07

Hà Tĩnh: Dân khốn khổ vì nhà máy chế biến rác thải của Công ty Phú Hà

 

Nhà máy chế biến rác thải Hoành Sơn đang hoạt động

 

Chúng tôi đến xóm Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) khi đợt rét cuối mùa bắt đầu kéo về dưới dãy Hoành Sơn như một màn sương lạnh khổng lồ bủa vây khắp nơi, nhưng không vì đó mà làm giảm đi cái nóng ngột ngạt đang được xả ra từ phía cột khói Nhà máy chế biến rác thải Hoành Sơn, kèm theo đó là mùi hôi nồng nặc và bụi bay mù trời.

Trái với cảnh tấp nập của vùng dân cư tập trung ở ngoại ô thị xã Kỳ Anh, nằm dọc 2 bên đường Quốc lộ 12, nơi cửa ngõ của Ngã ba Việt Lào (Vũng Áng - Cha Lo), 26 hộ dân ở đây đang phải “cố thủ” trong từng căn nhà của mình bằng cách cửa đóng, then cài, hoặc trùm bạt kín mít.

Nhà bà Chu Thị Phương Nga phải trùm bạt kín mít để giảm thiểu bụi và mùi hôi

 

Bà Chu Thị Phương Nga (62 tuổi), một người dân địa phương cho biết: “Gần 10 năm trước (năm 2009), vợ chồng tôi từng làm nghề kinh doanh dược liệu ở TP Tuyên Quang, nhưng sau khi vào đây thuê đất để mở đại lý thu mua dược liệu của vùng Hà Tĩnh và Quảng Bình, thấy cuộc sống ở nơi này thanh bình quá nên ông vợ chồng tôi đã quyết định mua đất làm nhà ở, chuyển hẳn gia đình vào đây. Vậy nhưng, bây giờ mọi thứ đã đổi khác kể từ khi có Nhà máy chế biến rác thải Hoành Sơn đi vào hoạt động từ tháng 8/2015, đặc biệt là các loại rác thải từ Formosa Hà Tĩnh chuyển đến không biết nhà máy xử lý thế nào mà làm cho bụi bặm bay mù trời và môi trường không khí trở nên hôi hám, ngột ngạt, rất khó chịu. Nhà tôi phải đóng kín cửa và dùng bạt trùm lên cả nhà mà vẫn không tài nào chịu được".

Còn ông Nguyễn Văn Sứ (67 tuổi), chồng bà Nga bị bong võng mạc vừa đi mổ mắt ở Hà Nội về đang ho sặc sụa vì tức ngực khó thở nói, cuộc sống của gia đình ông chủ yếu dựa vào nghề kinh doanh, nhưng hàng quán xung quanh phải bưng bạt kín mít cả ngày nên chẳng có khách khứa nào đến mua, bán gì cả.

Nhà bà Chu Thị Phương Nga đóng kín cửa để giảm thiểu bụi và mùi hôi

 

Không riêng gì nhà ông Sứ, mà cả xóm Nam Xuân Sơn đều như vậy. Nguy hiểm hơn, không hiểu lý do gì mà trong vòng chưa đầy 3 năm lại nay xóm có 26 hộ dân mà đã có hàng chục người bị các bệnh tác oai tác quái.

Cụ thể, vợ chồng cụ Nguyễn Tiến Huy thay nhau chết vì bệnh tai biến trong vòng chưa đầy 100 ngày. Hay trường hợp bà Trần Thị Lan (70 tuổi) chỉ trong vòng một thời gian ngắn phải đi cấp cứu 2 lần cũng vì bệnh tai biến. Bà Lan nằm đó đã đành, mà còn phải nhìn cảnh tượng con rể của mình là Nguyễn Tiến Tịnh (55 tuổi) cũng bất ngờ bị ngã bệnh tai biến và viêm phổi nặng, phải vào cấp cứu tại Bệnh viện, không biết sống chết thế nào mà lần.

Tương tự hoàn cảnh bà Trần Thị Lan, vợ chồng ông Nguyễn Tiến Lợi (59 tuổi) bà Nguyễn Thị Sửu (57 tuổi) liên tiếp trong năm 2017 đầu năm 2018 này cũng thay nhau đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế, bởi căn bệnh tai biến quái ác.

Chị Phan Thị Hà có thai 6 tháng đang phải hứng chịu tác hại của môi trường

Quay đi, quay lại xóm Nam Xuân Sơn mà chúng tôi có cảm giác như đang đi trong bệnh viện, bởi toàn thấy người bị bệnh tật, ốm đau. Trước lúc ra về, chúng tôi gặp ông Trần Văn Kỳ (61 tuổi), ông Kỳ trăn trở rằng ông từng đi lính từ năm 1978 đến 1984 thì xuất ngũ trở về quê làm nghề thợ mộc. Xưa nay sức khỏe của ông vốn bình thường, nhưng gần đây bỗng trở chứng ốm đau thường xuyên.

Riêng năm 2017 vừa qua, ông Kỳ phải nhập viện 4 lần do bị suy tim mạch, viêm khớp, xơ gan và phổi khó thở.

Ông Kỳ nói: “Tôi già cả đã đành, nhưng cháu nội tôi - Trần Gia Bảo mới chưa đầy 5 tuổi cũng đau lên, ốm xuống đi viện thường xuyên. Mẹ cháu là Phan Thị Hà (24 tuổi) đang mang thai em nó đã 6 tháng, nhưng hằng ngày phải tiếp xúc với môi trường độc hại như thế nên ốm đau thường xuyên, tội nghiệp lắm”.

Bệnh án của Nguyễn Tiến Tịnh

 

Trao đổi với PV Báo Dân sinh, ông Phạm Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: Xung quanh việc có hay không Nhà máy chế biến rác thải nguy hại gây ảnh hưởng sức khỏe cho người dân xóm Nam Xuân Sơn đang được UBND huyện Kỳ Anh phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra. Tuy vậy, về lâu dài huyện Kỳ Anh cũng đã có phương án di dời tái định cư cho 26 hộ gia đình trên và các hộ khác đã được chia đất trong xóm Nam Xuân Sơn nhưng chưa làm nhà ở về khu tái định cư mới.

Nhà máy chế biến rác thải Hoành Sơn tọa lạc bên Quốc lộ 12C

Rời thôn Nam Xuân Sơn khi mặt trời ngả bóng về hướng nào chúng tôi không thể nhận ra nữa, khi mà không gian ở đây đang bị vây phủ một màu chì như chiếc vung khổng lồ úp xuống trên đầu.

Bệnh án ông Nguyễn Văn Sứ

Nhà máy chế biến rác thải Hoành Sơn đang hoạt động

NGUYỄN NGỌC VƯỢNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh