THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:04

Hà Tĩnh: Bất cập ở dự án âu thuyền cảng cá Kỳ Phương

 

Dự án bến neo đậu tàu thuyền nghề cá tại KTĐC phường Kỳ Phương thuộc dự án bồi thường, hỗ trợ, GPMB Dự án trọng điểm quốc gia khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng được khởi công ngày 4/6/2014 và đi vào sử dụng năm 2015, do BQL Khu kinh tế Hà Tĩnh làm Chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư là 152.449.674.000 đồng. 

Đây là một dự án đặc biệt quan trọng liên quan đến sự tồn tại và phát triển nghề cá của ngư dân Đông Yên, xã Kỳ Lợi sau khi bà con giao đất cho dự án Formosa và chuyển đến khu TĐC Kỳ Phương và Kỳ Nam sinh sống. Theo thiết kế, với quy mô diện tích bến: 9 ha (phần lòng bến là 6,34ha) nhằm đảm bảo đội tàu cá với số lượng: 336 chiếc, trong đó có 229 chiếc loại dưới 20CV, 69 chiếc chiếc loại từ 20CV đến 90CV, 38 chiếc loại lớn hơn 90CV có thể neo đậu với thời gian ít nhất là 240 ngày trong một năm, và hoạt động trong bến an toàn khi tối đa có gió cấp 6, sóng cấp 5; đồng thời phục vụ nhân dân hoạt động các dịch vụ, đưa sản phẩm đánh bắt được lên bờ an toàn. Đối với các tàu nhỏ 20CV có thể đậu neo hoặc kéo lên bãi cát.. Công trình thiết kế chịu lực được trong điều kiện bão cấp 12, giật trên cấp 13...

Thế nhưng, sau một thời gian đi vào hoạt động dự án đã lộ rõ những bất cập. Trước hết là do cát bồi lấp nhanh, thu hẹp hầu hết diện tích âu thuyền. Nguyên nhân chính là do địa hình tự nhiên dốc từ Tây sang Đông, trong khi lượng mưa hàng năm ở vùng này là rất lớn, các khe suối  mạch ngầm lại dày đặc. Mặt khác, sau khi dự án được thực hiện thì hệ thống rừng phòng hộ lâu năm ven biển bị chặt bỏ để làm dự án nuôi tôm của Cty TNHH Grobest.

Ông Nguyễn Hồng (50 tuổi) thôn Ba Đồng, xã Kỳ Phương cho biết: Hiện tại đội thuyền của bà con ngư dân ở đây không phải 336 chiếc mà thực tế có trên 500 chiếc. Trong lúc đó, nếu âu thuyền được nạo vét cũng không đáp ứng được nhu cầu neo đậu. Nay do cát đã bồi lấp quá nhiều nên may lắm âu thuyền chỉ chứa được khoảng 100 tàu thuyền mà thôi. Không những vậy, mỗi khi tàu thuyền vào ra lại rất khó khăn, bởi hệ thống kè đá chân kiềng không hiểu sao lại được xây dựng trên cồn cạn, đây có thể lợi cho nhà thầu nhưng tàu thuyền rao vào dễ bị gãy chân vịt gây nguy hiểm lật thuyền do vướng phải cồn cát.

Hầu hết người dân ở đây đều bức xúc cho rằng, nghề đánh bắt của họ từng tồn tại hàng trăm năm trước, hiện đang đứng trước nguy cơ phá sản không chỉ dự án âu thuyền cảng cá không phát huy được tác dụng mà còn phản tác dụng nguy hiểm đến tính mạng của họ.

Được biết, khi đến ở tại tái định cư, bằng kinh nghiệm nghề nghiệp lâu đời của làng nghề, mọi người đã đề xuất với BQL Khu kinh tế Vũng Áng nên cho xây âu thuyền tại cửa lạch Ngâm gần đó, nhưng không được chấp thuận. Khi dự án đi vào triển khai thấy quy mô nhỏ, bà con lại đề xuất dịch hệ thống kè chân kiềng ra xa hơn khoảng trên 500 mét và phải nạo cồn ngầm ở đó  để đảm bảo an toàn và đáp ứng đủ cho số lượng tàu thuyền được neo đậu cũng tiếp tục không được Chủ đầu tư chấp thuận. 

Ngoài thiết kế quy hoạch không phù hợp, thì quá trình thi công và giám sát công trình còn bộc lộ nhiều nhược điểm không được khắc phục kịp thời, gây ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài cho hoạt động nghề cá của bà con ngư dân ở đây. 

NGUYỄN NGỌC VƯỢNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh