THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 04:09

Hà Nội: Xử lý vi phạm nồng độ cồn tăng gấp đôi so với năm 2021

Thông tin tại Hội nghị CSGT toàn quốc năm 2023, do Cục CSGT – Bộ Công an chủ trì vừa qua, Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội cho biết, Công an TP Hà Nội đã đổi mới, sáng tạo về phương pháp, nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), quyết tâm hình thành bằng được thói quen “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, phát động phong trào quần chúng lên án hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2022, lực lượng CSGT toàn thành phố Hà Nội đã xử lý trên 17,2 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng gấp hai lần so với năm 2021.

Riêng 10 ngày đầu ra quân thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn, lực lượng CSGT đã xử lý 1.841 trường hợp (so với liền kề tăng 455 trường hợp, tương đương 32,8%).

Lực lượng CSGT Hà Nội triển khai kiểm tra nồng độ cồn.

Lực lượng CSGT Hà Nội triển khai kiểm tra nồng độ cồn.

Với việc vận dụng sáng tạo, quyết liệt các biện pháp tuyên truyền, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của nhân dân tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện rõ nhất về việc tình trạng ùn tắc đã giảm đáng kể, tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô giảm sâu cả 3 tiêu chí so với năm 2019.

“Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể và toàn diện, công tác tuyên truyền hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, vẫn còn nhiều người tham gia giao thông không hiểu rõ các quy định, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, nhiều trường hợp hiểu luật nhưng cố tình vi phạm, nhất là việc lái xe sau khi sử dụng rượu, bia đang là vấn đề rất “nóng”, gây bức xúc, có thể gọi là “vấn nạn” trong những năm gần đây”, Đại tá Trần Đình Nghĩa thông tin.

Năm 2023, Phòng CSGT sẽ chủ động tham mưu cho Công an TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị, công an các quận, huyện, thị xã quyết liệt triển khai các biện pháp để công tác tuyên truyền thực sự là “phương tiện quan trọng, công cụ hữu hiệu” trong công tác bảo đảm TTATGT, là giải pháp quan trọng góp phần hình thành thói quen “Đã uống rượu, bia không lái xe”.

Đặc biệt, đơn vị sẽ đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT với phương châm “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, sát thực, phù hợp với từng nhóm và từng đối tượng cụ thể”, tuyên truyền để tác động mạnh mẽ đến tâm lý, ý thức, lòng tự trọng của người tham gia giao thông, nhất là cán bộ, Đảng viên, từ đó tự giác chấp hành Luật Giao thông…

Đồng thời, phối hợp các cơ quan, ban, ngành Thành phố xây dựng các panô, áp-phích, băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền trên các tuyến đường giao thông chính ra, vào Thành phố; tuyên truyền trực tiếp tại các nhà hàng, cơ sơ kinh doanh dịch vụ ăn uống để người tham gia giao thông biết, chấp hành…

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh