Taxi truyền thống chống lại Grab,Uber bằng triển khai phần mềm gọi xe
- Tây Y
- 21:19 - 28/02/2016
Theo đó, các phương tiện mới đưa ra hoạt động kinh doanh taxi sử dụng khoa học công nghệ để điều hành không cần phải lắp thiết bị bộ đàm cũng như sử dụng tần số và phải đảm bảo áp dụng cho các phương tiện vận tải/người lái đáp ứng các điều kiện về kinh doanh vận tải hành khách theo quy định và thực hiện theo quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải của Thủ đô.
Đồng thời đơn vị này cũng xin kiến nghị cơ quan quản lý trực tiếp - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội - có hướng dẫn cụ thể, quy định rõ ràng về tiêu chuẩn, thủ tục của việc ứng dụng phần mềm trong hoạt động kinh doanh vận tải không sử dụng bộ đàm, tần số không ảnh hưởng đến công tác quản lý điều hành taxi truyền thống của cơ quan quản lý Nhà nước nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Theo ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, với sự phát triển mở rộng của công nghệ thông tin, qua việc ứng dụng khoa học công nghệ vào điều hành hoạt động kinh doanh taxi của Grab vừa qua, hiện nay một số các đơn vị taxi như Taxi Mai Linh, Group, Thành Công, Ba Sao, Sao Hà Nội và một số đơn vị khác cũng đang xây dựng, áp dụng thử nghiệm ứng dụng khoa học công nghệ vào điều hành hoạt động kinh doanh.
Các đơn vị này phối hợp với các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ chuyên cung cấp phần mềm định vị (GPS), phần mềm điều hành taxi.... để xây dựng phần mềm điều hành hoạt động kinh doanh taxi qua thiết bị thông minh di động (thiết bị điện thoại/máy tính bảng).
“Việc điều hành hoạt động kinh doanh taxi qua thiết bị thông minh di động được cài đặt hoàn toàn miễn phí sẽ nâng cao tiện ích cho khách hàng, quản lý chất lượng dịch vụ, tăng tốc độ điều xe, tăng năng suất lao động, giảm chạy rỗng, giảm trung gian, qua đó góp phần tiết giảm chi phí, giảm giá thành và giá cước vận tải. Lái xe cũng sử dụng phần mềm kết nối hành khách và trung tâm điều hành điều xe qua phần mềm đối với lái xe, không thực hiện điều xe qua hệ thống bộ đàm như hiện nay,” ông Quân cho hay.
Bên cạnh đó, vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải nhìn nhận, thông qua việc kết nối trực tiếp với khách hàng, lái xe là người thay mặt công ty ký xác nhận việc thực hiện hợp đồng điện tử với hành khách, là người phục vụ khách hàng tức là nguời thực hiện hợp đồng đã được ký kết. Thông tin của khách hàng đặt xe, thông tin phản hồi đánh giá chất lượng dịch vụ sau chuyến đi, thông tin phương tiện và lái xe phục vụ, kết hợp với dữ liệu của thiết bị hộp đen được lắp đặt trên xe sẽ được hệ thống lưu trữ lại đầy đủ nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng và phục vụ công tác quản lý theo quy định.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có trung tâm điều hành, duy trì hoạt động của trung tâm điều hành với lái xe, đăng ký tần số liên lạc và có thiết bị liên lạc giữa trung tâm với các xe của đơn vị. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ vào điều hành, quản lý thông qua phần mềm vẫn đáp ứng được các quy định về điều kiện kinh doanh như vẫn duy trì trung tâm điều hành, duy trì hoạt động của trung tâm điều hành với lái xe, đảm bảo sự liên lạc giữa trung tâm với các xe của đơn vị thồng qua thiết bị thông minh, hệ thống mạng.
“Như vậy, việc sử dụng tần số, thiết bị bộ đàm liên lạc giữa trung tâm điều hành và lái xe là không còn cần thiết,” ông Quân khẳng định.
Grab thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ đầu năm 2014, tháng 2/2014 có mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh và tháng 5/2014 mở thị trường ở Hà Nội. Uber đã có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 7/2014.
Grab, Uber là dịch vụ gọi taxi ứng dụng trên điện thoại thông minh. Người dùng sẽ phải cài đặt một phần mềm có tên của hãng này trên máy tính hoặc điện thoại di động.
Grab, Uber tính cước đi xe thông qua quãng đường đi xe của khách hàng. Quãng đường này được định vị bằng GPS và số tiền đi xe sẽ được báo trước khi hành khách đồng ý đặt xe nên khiến khách hàng khá hài lòng.