THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:20

Hà Nội tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội học sinh sinh viên

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, học sinh, sinh viên năm cuối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố nói chung, sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội nói riêng là nhóm đối tượng chuẩn bị tham gia thị trường lao động. Do đó, các em cần nắm chắc kiến thức pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội để chủ động trang bị cho bản thân những công việc vừa phù hợp với năng lực chuyên môn, vừa đúng quy định của pháp luật, hạn chế bị rơi vào “bẫy lừa đảo” tìm việc làm với lời giới thiệu hấp dẫn “việc nhẹ lương cao”…

Trên tinh thần đó, các chuyên gia về lao động, bảo hiểm xã hội đã giới thiệu đến đông đảo sinh viên những quy định mới về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, chính sách tiền lương, mức đóng bảo hiểm xã hội… 

SV

Với nội dung được nhiều sinh viên năm cuối quan tâm là phải tìm việc làm qua những kênh nào cho an toàn, hiệu quả, các chuyên gia cho biết, người lao động có thể nộp hồ sơ ứng tuyển qua nhiều kênh. Đó là nộp hồ sơ trực tiếp cho đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng lao động; qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; qua chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với đơn vị sử dụng lao động. Dù tham gia ứng tuyển tìm cơ hội việc làm theo kênh nào, người lao động đều không phải trả bất kỳ khoản phí nào trong quá trình tuyển dụng. Hồ sơ ứng tuyển của người lao động phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, tuyệt đối không được gian lận, giả mạo.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội cho học sinh Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội (thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh), Trường Trung cấp nghề số I Hà Nội (thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên) và Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội  (xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ).

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 256/KH-UBND về đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của thanh, thiếu niên; gắn giáo dục pháp luật với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống văn hóa giai đoạn 2022-2030.

Kế hoạch nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 24-3-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”. Qua đó, tiếp tục nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng ứng xử pháp luật trong đời sống thanh, thiếu niên nhằm xây dựng lối sống, văn hóa pháp lý trong thanh, thiếu niên trên địa bàn Thủ đô. 

Xây dựng đội ngũ thanh, thiếu niên Thủ đô thành lực lượng tiêu biểu trong cả nước về tuân thủ, xây dựng và bảo vệ pháp luật; nâng cao hành động, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội, các ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên; giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho thanh, thiếu niên; gắn giáo dục pháp luật với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh, thiếu niên…

Thành phố phấn đấu hằng năm: 100% thanh, thiếu niên trong các trường học trên địa bàn được phổ biến chính sách pháp luật trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, công việc học tập phù hợp với lứa tuổi của các em; 100% cán bộ đoàn tại các trường học trên địa bàn thành phố được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật mới và nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật; kiến thức pháp luật trong việc thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, có 80% thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật được tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật có liên quan nhằm nâng cao hiểu biết, hạn chế tái vi phạm pháp luật và tạo điều kiện hòa nhập tốt với cộng đồng; thanh, thiếu niên tự do, sinh sống tại địa bàn cư trú được tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ, đời sống và công việc của từng đối tượng.

Hằng năm, ít nhất có 50% sinh viên đầu khóa các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố được tuyên truyền quy định pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; phấn đấu đến năm 2025, đạt tỷ lệ 60%, đến năm 2030, đạt tỷ lệ 80%. Có ít nhất 20% thanh, thiếu niên làm báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số và tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật; phấn đấu đến năm 2025, đạt tỷ lệ 90%, đến năm 2030, đạt tỷ lệ 100%.

Thành phố cũng phấn đấu, hằng năm, có ít nhất 80% thanh, thiếu niên được tuyên truyền, phổ biến và cung cấp thông tin về chính sách pháp luật thông qua các ứng dụng pháp luật trực tuyến, mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng; phấn đấu đến năm 2025, đạt tỷ lệ 90%, đến năm 2030, đạt tỷ lệ 100%.

Nguyễn Sơn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh