THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:51

Hà Nội: Triệt phá đường dây tín dụng đen cực lớn

PLO đưa tin, ngày 13/9 thông tin từ Công an TP Hà Nội, mới đây Công an huyện Thạch Thất đã triệt phá thành công một đường dây tín dụng đen có quy mô lớn trên địa bàn.

Theo đó, cuối năm 2018, trinh sát hình sự Công an huyện Thạch Thất nhận được nguồn tin về việc xuất hiện một ổ nhóm tín dụng đen hoạt động dưới hình thức cho vay nặng lãi và tổ chức đánh bạc, do Nguyễn Kim Tiến (42 tuổi) cầm đầu.

Đáng chú ý, "ông trùm" này núp dưới vỏ bọc là một cán bộ thủy nông để chỉ đạo đàn em dùng các chiêu trò phạm pháp.

Hà Nội: Triệt phá đường dây tín dụng đen cực lớn - Ảnh 1.

Nguyễn Văn Tiến tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp

Theo Dân Trí, các "mắt xích", tay chân đắc lực quan trọng trong ổ nhóm tội phạm này đều là người trong gia đình, sinh hoạt trong các địa bàn dân cư dạng làng xã, hàng xóm láng giềng, lại là người thân, họ hàng. Trong số này, Nguyễn Mạnh Quân (SN 1983, trú tại xã Thạch Hòa, Thạch Thất) là em trai ruột của Tiến; Nguyễn Duy Khánh (SN 1999, trú tại xã Thạch Hòa) là cháu họ của Tiến; Cấn Kim Chung và vợ là Phạm Thị Thu Thảo (cùng SN 1994, trú tại xã Phú Kim, Thạch Thất).

Sau nhiều tháng tập trung đấu tranh, tối ngày 22/8, 15 tổ công tác gồm 100 cán bộ chiến sĩ đã đồng loạt bắt giữ Nguyễn Kim Tiến và 16 đối tượng liên quan khác, thu giữ tang vật gồm hơn 1 tỷ đồng, 16 điện thoại di động, 12 xe ô tô, 9 xe máy và nhiều tài liệu liên quan đến việc vay nợ, đánh bạc và cầm cố tài sản.

Khi mới bị bắt, Tiến liên tục quanh co chối tội, thậm chí giả đau đầu không nhớ chuyện gì, phủ nhận tội lỗi. Tuy nhiên, bằng các tài liệu chứng cứ xác thực của cơ quan công an, "ông trùm" và đồng bọn đã phải cúi đầu nhận tội.

Hà Nội: Triệt phá đường dây tín dụng đen cực lớn - Ảnh 2.

Ảnh: Dân Trí

Các đối tượng khai nhận tổ chức đánh bạc dưới hình thức ghi "số đề" qua việc nhắn tin bằng điện thoại di động, với giao dịch mỗi ngày khoảng 1 tỷ đồng.

Hàng ngày từ 17h đến 18h30, Phạm Thị Thu Thảo đóng kín cổng, khóa chặt cửa, ở trong nhà dùng điện thoại để liên lạc với các đối tượng đánh bạc. Hết giờ nhận "lô, đề", Thảo lại tắt máy điện thoại để cộng sổ tính toán.

Để bảo mật, chỉ "khách quen" hoặc được giới thiệu bởi người thân tín mới được tham gia đánh bạc. Đối tượng lạ muốn được tham gia phải được các đối tượng xác minh về nhân thân, quan hệ, gia đình, tài chính và phải chấp nhận "chơi" lâu dài mới được vào sới.

Con bạc chủ yếu là người có tài sản hoặc có công việc ổn định trong các cơ quan, đơn vị. Số tiền mỗi đối tượng chơi đánh bạc trong ổ nhóm này thường dao động từ 20-100 triệu đồng.

Ngoài việc tổ chức đánh bạc, bằng các mánh khóe tinh vi, ổ nhóm này còn hoạt động cho vay lãi nặng và cầm cố tài sản để "trói chân con bạc". Khi người đánh bạc hết tiền, các đối tượng sẽ dụ dỗ, thúc ép mang giấy tờ nhà hoặc tài sản đến cầm cố để được chơi tiếp. Bên cạnh đó, các đối tượng còn tổ chức cho vay nặng lãi, bốc "bát họ" với lãi xuất từ 50-180%/năm.

PV (Tổng hơp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh