Hà Nội: Nhu cầu tuyển dụng tỷ lệ thuận theo tình hình khôi phục của nền kinh tế
- Bài thuốc hay
- 16:43 - 04/10/2021
Nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp, NLĐ vượt qua đại dịch
Đại dịch Covid-19 lần thứ 4 này đã ảnh hưởng, tác động nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; nhiều doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, tạm dừng, thu hẹp hoạt động, ... điều này ảnh hưởng trực tiếp tình hình lao động và việc làm. Nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực đã phải tạm hoãn việc tuyển dụng mới hoặc tuyển rất ít.
Thành phố Hà Nội cũng không ngoại lệ, đợt dịch thứ 4 vừa qua, sau khoảng thời gian dài dãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn phải đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động, dẫn đến số lượng người lao động thất nghiệp tăng cao.
Trung tâm DVVL Hà Nội với chức năng Tổ chức các hoạt động tư vấn về lao động, việc làm cho người lao động, người sử dụng lao động; giới thiệu việc làm cho người lao động; thu thập, phân tích, dự báo và cung ứng thông tin về thị trường lao động; tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong thời gian vừa qua Trung tâm đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ và cùng doanh nghiệp cũng như người lao động vượt qua đại dịch
Ông Vũ Quang Thành, PGĐ Trung tâm DVVL Hà Nội cho biết: “Trong thời gian giãn cách xã hội, Trung tâm đã tạm dừng hoạt động tổ chức Phiên GDVL chuyển sang hình thức cung cấp thông tin thị trường lao động. Trung tâm chủ động xây dựng các phương án hỗ trợ đăng ký tuyển dụng cho các Doanh nghiệp và đăng ký tìm việc làm cho người lao động thông qua hệ thống Sàn GDVL Hà Nội bao gồm: Sàn chính tại 215 Trung Kính, và 14 Sàn, Điểm GDVL vệ tinh bằng các hình thức gián tiếp và online (phỏng vấn trực tuyến qua Zalo, Sky…). Thông qua Website: vieclamhanoi.net, các trang fanpage, của Trung tâm, các Sàn/Điểm GDVL vệ tinh…
Để tăng cường kết nối cung cầu, Trung tâm đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác thu thập vị trí việc làm trống, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Đồng thời Trung tâm cũng thu thập nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động từ đối tượng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp và đối tượng lao động tự do. Xây dựng cơ sở dữ liệu về Cung – Cầu lao động đồng bộ gắn kết giữa Sàn chính với 14 Sàn GDVL vệ tinh. Từ đó phân tích và cung cấp về thông tin về thị trường lao động cho doanh nghiệp và người lao động một cách kịp thời nhất. Tăng cường tổ chức công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền về hoạt động của hệ thống Sàn GDVL Hà Nội, về các hoạt động hỗ trợ cho Doanh nghiệp và người lao động”.
Từ 26/7 đến 15/9, nhờ những nỗ lực đó, Trung tâm đã đạt được một số kết quả cụ thể như sau: Hỗ trợ 771 lượt doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với 9.428 chỉ tiêu việc làm . Đã có 5.858 lượt người lao động động có nhu cầu tìm kiếm việc làm liên hệ với Trung tâm. Số lao động được tư vấn, cung cấp thông tin TTLĐ trên 15000 lượt người. Trong đó số lao động được kết nối, giới thiệu việc làm là 2.894 lượt người. Số lao động được nhận hồ sơ, tuyển dụng là 814 người.
Tất cả các chỉ tiêu về lĩnh vực việc làm đều giảm so với thời gian trước khi giãn cánh, song đó cũng thể hiện sự nỗ lực của Ban giám đốc, cán bộ, công nhân viên Trung tâm DVVL Hà Nội nhằm đồng hành với doanh nghiệp và người lao động vượt qua đại dịch Covid-19.
Tín hiệu khả quan từ thị trường lao động Thủ Đô
Chia sẻ về các nhóm lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 vừa qua, ông Vũ Quang Thành cho biết “Tối thiểu đã có 5 nhóm lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 gồm Thương mại hàng hóa (Xuất nhập khẩu, thương mại nội địa…); Thương mại dịch vụ (Dịch vụ vận tải, logistics, giáo dục, …); Du lịch, khách sạn; Nông nghiệp và Bất động sản. Đặc biệt, Lĩnh vực dịch vụ chịu tác động mạnh nhu cầu giảm. Ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất là ngành du lịch (gồm dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống và lữ hành)…”
“Tuy nhiên, với nhiều dấu hiệu khả quan về tốc độ tiêm chủng, tình hình kiểm soát dịch bệnh và kế hoạch nới lỏng giãn cách trên địa bàn thành phố, thị trường lao động Hà Nội dự báo sẽ có tốc độ hồi phục nhanh trong thời gian từ nay đến cuối năm. Đặc biệt là để chuẩn bị dịp lễ Noel và Tết Nguyên Đán, dự kiến nhu cầu hàng hoá sẽ trở nên ngày càng cấp bách khiến cho áp lực khôi phục sản xuất kinh doanh tăng cao. Nhu cầu tuyển dụng lao động và tỷ lệ tham gia thị trường lao động do đó sẽ có xu hướng tăng tỉ lệ thuận theo tình hình khôi phục của nền kinh tế. Nhiều người lao động có thể đi làm trở lại và tham gia vào chuỗi sản xuất thay vì bị ngừng việc hoặc phải làm việc tại nhà, làm việc từ xa” ông Thành bày tỏ.
Theo kết quả thu thập thông tin việc làm trống của Trung tâm DVVL Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng sẽ có xu hướng tăng từ nay đến cuối năm ở ngành công nghiệp, gia công, lắp ráp hàng hóa, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, công nghệ thông tin... Trong đó, các vị trí sẽ được chú trọng nhất là các vị trí nhân viên văn phòng, nhóm các lao động đã qua đào tạo và có trình độ chuyên môn kỹ thuật.
Ngành Dịch vụ dự kiến sẽ có nhu cầu tuyển dụng tăng cao do nhu cầu mua sắm những mặt hàng thiết yếu trong thời gian tới. Đặc biệt là những doanh nghiệp thuộc bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và bán lẻ điện tử, điện lạnh, viễn thông. Mức lương ngành này chủ yếu từ 5 -7 triệu và 7 – 10 triệu và tập trung vào các vị trí thu ngân, bán hàng, vận chuyển…
Nhu cầu nhân lực trong ngành công nghệ thông tin dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Các vị trị tuyển dụng tập trung nhiều ở một số nhóm nghề như kỹ sư, lập trình viên, tester, BA... Mức lương doanh nghiệp sẵn sàng trả cho người lao động trong lĩnh vực này chủ yếu từ 7-10 triệu đồng/tháng và từ 10-15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, ở các mức lương này đòi hỏi người lao động đã qua đào tạo, có kinh nghiệm và kỹ năng làm việc thành thạo.
Ngành công nghệ thông tin đóng vai trò là cốt lõi trong sự bùng nổ và phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, đánh dấu kỷ nguyên kết nối vạn vật qua Internet. Hiện nay, nhân lực của ngành nghề này luôn ở mức “khát” trong xã hội không chỉ về số lượng mà cả về nguồn nhất lực chất lượng cao. Không chỉ mỗi các doanh nghiệp về công nghệ mới cần đội ngũ chuyên viên về công nghệ thông tin mà ở mọi doanh nghiệp, muốn cạnh tranh được trên thị trường hiện nay cũng cần bổ sung đáng kể về nhân lực công nghệ thông tin.
Nhóm ngành tự động hóa, điện – điện tử, cơ điện tử: đây là 3 ngành tâm điểm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có vai trò quan trọng gắn liền với robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Hiện nay, nguồn nhân lực của những ngành nghề trên cần rất nhiều, đặc biệt là những ngành chế tạo, ngành công nghệ cao. 3 ngành học này trong tương lai là những ngành học “hot” và được săn đón bởi nhiều bạn trẻ. Các doanh nghiệp về kỹ thuật, chế tạo công nghệ cao sẽ có nhu cầu rất cao về nguồn nhân lực chất lượng nhằm phục vụ những yêu cầu trong thời đại mới.
Ngành thương mại điện tử: song hành cùng cách mạng công nghiệp thì công việc buôn bán và thương mại cũng trở nên tự động hóa và công nghệ hóa với mức độ ngày càng cao. Con người sẽ sử dụng thông tin điện tử là hình thức để trao đổi hàng hóa. Đó cũng là lý do ngành Thương mại điện tử gần đây rất phát triển và chắc chắn sẽ phát triển hơn nữa khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ mạnh mẽ. Gắn liền với hoạt động thương mại điện tử và thông tin hóa kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề liên quan khác như logictics, digital marketing,… Điều đó càng thấy sự quan trọng của ngành Thương mại điện tử và sự chi phối giữa các ngành nghề với nhau chính là điều mà người học cũng có những cơ hội nhất định. Đây là một ngành học mới và hợp với xu hướng, đòi hỏi ở người theo đuổi ở nhiều kỹ năng. Đó là kỹ năng chuyên môn, sự sáng tạo, có tầm nhìn, kỹ năng dự đoán… Nhưng Thương mại điện tử chắc chắn là ngành học thú vị và hợp thời cho những bạn trẻ yêu thích kinh tế - xã hội.