Hà Nội: Nhiều địa phương chưa xử lý triệt để vi phạm công trình thủy lợi
- Y học 360
- 11:12 - 29/10/2023
Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội cho biết, công trình thủy lợi có vai trò đặc biệt quan trọng trong phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng, chống thiên tai. Mặc dù các cấp, ngành, đơn vị quản lý công trình thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tập trung xử lý, có biện pháp ngăn ngừa vi phạm nhưng vẫn để xảy ra nhiều vụ vi phạm và chưa xử lý dứt điểm.
Các địa phương để phát sinh nhiều vụ vi phạm như: Huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ứng Hòa… Hành vi vi phạm chủ yếu là xây dựng xưởng, lều lán, đổ đất lấn chiếm dòng chảy để làm lều quán; tự ý làm cầu giao thông qua sông, kênh mương; cắm đăng đó, dựng vó bè, quây lưới chăn nuôi vịt trên sông. Những hành vi trên không chỉ làm co hẹp mặt cắt kênh, sông, cản trở dòng chảy ảnh hưởng đến năng lực dẫn, thoát nước mà còn gây khó khăn cho công tác quản lý của doanh nghiệp thủy lợi mỗi khi nạo vét, tu bổ kênh mương.
Các vi phạm được đơn vị quản lý, khai thác công trình đã phát hiện, song chưa tích cực phối hợp đôn đốc các địa phương xử lý, dẫn đến trên địa bàn Thành phố còn tồn đọng nhiều vụ việc vi phạm. Nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng, nhưng các tổ chức khai thác công trình thủy lợi chưa có báo cáo riêng về Sở NN&PTNT Hà Nội. Một số xã chưa ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính là không đúng quy định pháp luật hiện hành…
Từ thực tiễn trên, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các đơn vị, địa phương phải khắc phục ngay những hạn chế nêu trên và làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân. Chủ tịch UBND cấp huyện, nhất là các địa phương phát sinh, tồn đọng nhiều vụ việc vi phạm, trực tiếp chỉ đạo xử phạt để giảm số vi phạm mới, tăng số vụ vi phạm được xử phạt… Các tổ chức thủy lợi phân công, giao nhiệm vụ cụ thể đến người lao động; tăng cường công tác kiểm tra, ngăn ngừa, không để phát sinh vi phạm mới tại các công trình thủy lợi do đơn vị quản lý; thường xuyên kiểm tra, giám sát, không để các vụ vi phạm cũ tái diễn, mở rộng quy mô vi phạm…
Cũng theo Sở NN&PTNT Hà Nội, nhằm phòng ngừa vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi năm 2023, vừa qua, từ ngày 22/7 – 15/8/2023, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội đã phối hợp với UBND các xã tổ chức 17 hội nghị tuyên truyền phòng ngừa vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi và phòng chống thiên tai trên địa bàn các xã, phường như: Xuân Đình (huyện Phúc Thọ), phường Viên Sơn (thị xã Sơn Tây), xã An Thượng (huyện Hoài Đức), xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa), xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức), xã Tân Hưng (huyện Sóc Sơn), xã Võng La (huyện Đông Anh), xã Ninh Sở (huyện Thường Tín)… tuyên truyền pháp luật về đê điều, thủy lợi và phòng chống thiên tai, tầm quan trọng của công trình đê điều, thủy lợi và phòng chống thiên tai, các hành vi bị cấm và chế tài xử phạt, trách nhiệm bảo vệ công trình, cấp phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều, thủy lợi trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc quản lý nhà nước về đê điều, thủy lợi và phòng chống thiên tai.
Về công tác quản lý công trình thủy lợi, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội đã tham mưu Sở NN & PTNT Hà Nội triển khai công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trước mùa mưa bão. Tham gia ý kiến đối với dự án, công trình liên quan đến lĩnh vực thủy lợi; thẩm định, cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi. Triển khai thực hiện Kết luận số 36 KL/TW của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.
Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội sẽ tiến hành tổng hợp, đôn đốc xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn. Hoàn thiện quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai. Tham gia ý kiến đối với dự án, công trình liên quan đến lĩnh vực thủy lợi, tham mưu trình hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi.