THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:15

Hà Nội xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn Thành phố đã phát sinh 30 vụ vi phạm đê điều, đã xử lý 5 vụ, số vụ vi phạm tồn đọng là 25 vụ. Các vi phạm đều được Hạt QLĐ lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và kịp thời chuyển đến cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý.

Trước thực trạng các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều có chiều hướng gia tăng cả về số lượng, quy mô, tính chất ngày càng phức tạp, Chi cục cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều văn bản gửi chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc vi phạm đề nghị chỉ đạo, xử lý vi phạm theo thẩm quyền, quy định của pháp luật.

Theo Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, những trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng chưa được xử lý dứt điểm đều ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ, bãi sông, công trình bảo vệ bờ và gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của đê.

Gia cố đê, phòng chống lũ rừng ngang ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Gia cố đê, phòng chống lũ rừng ngang ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Về các sự cố đê, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn xảy ra 6 sự cố, điển hình là sự cố sạt lở tường chắn bằng đá hộc kết hợp đá xây tại vị trí tương ứng K64+600 hạ lưu đê hữu Hồng, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình tháng 2/2023; sạt trượt mái đê tại vị trí K1+175 đến K1+225 hạ lưu đê bao Quang Lãng (đê cấp III) thuộc địa bàn thôn Mai Xá, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên tháng 5/2023; nứt ngang đê, trên đỉnh cống tiêu Cẩm Hà tại K24+950 hạ lưu đê hữu Cầu và sự cố sạt lở chân đê, mái đê thượng lưu tại K25+850 đê hữu Cầu tháng 6/2023.

Tất cả những sự cố trên đều được Chi cục báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và xin ý kiến chỉ đạo. Cùng với đó, hướng dẫn và làm thủ tục trình các trường hợp thoả thuận, cấp phép liên quan đến đê điều theo quy định. Tham mưu UBND Thành phố ban hành ban hành 13 văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị thỏa thuận trước khi cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều, và 16 Quyết định cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều. Tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội ban hành 44 văn bản, Chi cục ban hành 328 văn bản về hướng dẫn, thỏa thuận các hoạt động liên quan đến đê điều.

Về  vi phạm công trình thủy lợi, trong 5 tháng năm 2023, tổng vi phạm trên địa bàn Thành phố phát sinh là 131 vụ, giải tỏa được 11 vụ mới phát sinh và 28 vụ vi phạm cũ từ năm 2022 trở về trước, còn tồn tại 120 vụ. Các vi phạm mới phát sinh và vi phạm tồn tại cũ chủ yếu là lấn chiếm, xây dựng nhà và công trình trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng an toàn và năng lực phục vụ sản xuất. Sở Nông nghiệp và PTNT đã thường xuyên có văn bản đôn đốc, đề nghị xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong việc kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi và báo cáo về Sở để tổng hợp, báo cáo theo quy định. Riêng trong 6 tháng năm 2023, đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành 22 văn bản đôn đốc xử lý vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn.

Trước đó, tại Chỉ thị số 07/CT-UBND về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện, xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, môi trường, an ninh, trật tự an toàn xã hội... tồn đọng trên địa bàn theo đúng quy định pháp luật; phát hiện và có giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm mới phát sinh, bảo đảm an toàn hệ thống công trình phòng, chống lũ, lụt, phòng cháy, chữa cháy.

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh