CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:42

Hà Nội: Nhiều công viên cây xanh đang bị 'xẻ thịt'

Tỉ lệ diện tích cây xanh còn thấp

Phát triển diện tích cây xanh, mặt nước giúp tạo môi trường xanh, sạch, hạ nhiệt độ đô thị... Chính vì vậy, TP. Hà Nội đã đặt ra mục tiêu quan trọng, đó là trồng thêm 1 triệu cây xanh đến năm 2020; xây dựng mới 20 - 25 công viên trong đó có 5 công viên đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên thực tế trong 5 năm từ 2010 - 2015, tại Hà Nội thống kê được có 17 ao hồ ở đã bị san lấp hoàn toàn. Tổng diện tích mặt nước ao hồ của Hà Nội sau 5 năm giảm đi hơn 72.000 m2. Đây mới chỉ là thống kê trong 6 quận nội thành của Hà Nội. Nếu không được quản lý chặt chẽ diện tích ao hồ tự nhiên bị san lấp; diện tích cây xanh sẽ tiếp tục bị thu hẹp.

Một góc công viên Nghĩa Đô bị chiếm dụng làm quán cà phê

Theo báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia 2016 của (Bộ TN&MT), tỷ lệ đất cây xanh, mặt nước, công viên ở Hà Nội so với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện đạt rất thấp. Các khu đô thị mới đang thiếu vắng các không gian công cộng như: vườn hoa, công viên, cây xanh, khu vui chơi giải trí ngoài trời… khiến cho chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị suy giảm.

So với các tiêu chuẩn và quy chuẩn thì tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh còn rất thấp. Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, con số này chỉ đạt khoảng 2m2/người, không đạt quy chuẩn và chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới.

Trong khi tỉ lệ cây xanh vẫn còn ở mức thấp, thì hiện nay nhiều công viên trên địa bàn TP Hà Nội đang bị chiếm dụng một cách vô tội vạ. Điều này, không chỉ dẫn đến tình trạng hạ tầng đô thị thiếu đồng đều, không gian xanh ngày càng thiếu hụt, gây bức xúc cho cộng đồng, xã hội.

Đất công viên bị xử dụng sai mục đích

Trong những năm trở lại đây, người dân sống trên địa bàn quận Cầu Giấy quá quen thuộc với hình ảnh một quán cà phê lớn có tên New Wind chiếm chọn một phần Công viên Nghĩa Đô (thuộc phường Dịch Vọng và Nghĩa Đô) và Nhà văn hóa phường Dịch Vọng biến thành nơi kinh doanh. Đi đôi với đó, quán cà phê này còn thường xuyên chiếm dụng dọc vỉa hè phố Chùa Hà làm nơi đỗ ô-tô, xe máy để phục vụ khách vào quán.

Mặc dù hoạt động kinh doanh dịch vụ sai mục đích trong nhiều năm, nhưng không hiểu sao đến nay quán cà phê trên vẫn ngang nhiên hoạt động công khai.

Tại Công viên Thủ Lệ (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình), phần tiếp giáp với đường Đào Tấn có mặt tiền dài hàng trăm mét vốn là một phần của công viên cũng bị biến thành một chuỗi các hàng ăn, quán nhậu, gara sửa ô-tô, quán cà-phê, sân tennis… được xây dựng kiên cố trở thành một tổ hợp kinh doanh thể thao - ăn uống hoạt động sầm uất. Việc này, vô hình chung đã biến một phần diện tích của công viên cây xanh trở thành nơi kinh doanh sai mục đích.

Bà Nguyễn Thu Bình (một người dân tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) bày tỏ: “Công viên là nơi vui chơi, phục vụ cộng đồng vậy mà một số đơn vị lại được phép khai thác kinh doanh là điều khó hiểu. Không chỉ chiếm một phần công viên, cửa hàng này còn thường xuyên sử dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi đậu đỗ xe cho khách”.

Nhiều hoạt động sử dụng đất công viên sai mục đích

Đồng quan điểm trên ông Phạm Đức Trí (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Việc công viên cây xanh bị chiếm dụng đã diễn ra trong một thời gian dài, người dân cũng đã có nhiều phản ánh nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý một cách triệt để”.

Thực trạng trên cũng đang diễn ra tại nhiều công viên trên địa bàn thành phố. Tại công viên Tuổi Trẻ Thủ đô (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng), bên cạnh các hạng mục công trình phục vụ vui chơi, giải trí còn xuất hiện hệ thống nhà hàng hiện đại hoạt động tấp nập trong khuôn viên của công viên. Trong khi đó, tại quận Hà Đông, dự án Khu Công viên thể thao cây xanh Hà Đông (thuộc phường Hà Cầu và Kiến Hưng) đang bị biến tướng thành tụ điểm ẩm thực khi mọc lên hàng loạt nhà hàng, quán nhậu.

Mục đích hoạt động của công viên là để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân là chính. Tuy nhiên trong thời gian qua, do sự thiếu giám sát, buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng trong việc triển khai các khu dịch vụ tại công viên dẫn đến việc nhiều diện tích trong công viên bị sử dụng sai mục đích, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Để giải quyết vấn đề trên, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan chức năng thành phố.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh