Hà Nội: 1.000 nhà vệ sinh công cộng xã hội hóa, chỉ 2 hoạt động
- Dược liệu
- 21:45 - 20/02/2017
Một nhà vệ sinh công cộng bị bỏ hoang.
Từ tháng 8/2016, UBND TP Hà Nội đồng ý cho Công ty CP Truyền thông Vinasing triển khai dự án đầu tư 1.000 NVSCC, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước tự động uống trực tiếp và 200 ghế đặt tại các nơi công cộng để phục vụ cộng đồng. Ngược lại, doanh nghiệp được khai thác quảng cáo trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trên địa bàn Hà Nội trong 10 năm.
Trong một cuộc họp sau đó, nhà đầu tư đã báo cáo, trước Tết Nguyên đán 2017 sẽ có 200 NVSCC được đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố. Thông tin này đã khiến dư luận rất mong đợi, đặc biệt là những người lao động thường xuyên phải làm việc bên ngoài. Tuy vậy, đến nay mới chỉ 55 NVSCC được lắp đặt nhưng chưa sử dụng. Mới chỉ có 2 điểm đang hoạt động thí điểm tại phố Trần Nhân Tông (trước cửa Công viên Thống Nhất) và Vườn hoa Yersin (phố Lê Thánh Tông).
Chậm do dân phản đối
Ghi nhận thực tế tại NVSCC phố Trần Nhân Tông, đã có nhân viên thu tiền, dọn dẹp. Tờ giấy dán thông báo NVSCC giai đoạn thử nghiệm cũng niêm yết chi phí 2.000 đồng/lượt. Theo nhân viên ở đây, lượng khách ra vào khá đông do nằm ở vị trí thuận lợi. Còn NVSCC tại vườn hoa Yersin chiều 18/2, đang trong tình trạng khóa cả 2 cửa phòng, không có nhân viên trông giữ. Theo một người bán nước tại vườn hoa, nhà vệ sinh này mở được vài hôm thì thấy đóng cửa. “Chắc do ít khách quá, mỗi ngày được 4, 5 người thì phải nghỉ thôi”, chị nói. Một số người dân cho rằng bố trí NVSCC ở đây rất bất hợp lý, bởi ngay cùng vườn hoa cũng đã có 1 NVSCC được xây dựng.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Bùi Thái Song, Phòng Dự án Công ty CP Truyền thông Vinasing cho biết, dự kiến ngày 20/3, Cty sẽ tiếp tục bàn giao 100 NVSCC để đưa vào sử dụng. Lý giải về việc chậm trễ tiến độ xây dựng NVSCC, đại diện Cty cho biết, nhiều vị trí chậm bàn giao mặt bằng. Tuy đã được quy hoạch vị trí nhưng khi công nhân đến, nhiều người dân mới biết và phản đối. “Mặc dù được giải thích là NVSCC hiện đại, không gây mùi nhưng nhiều người dân vẫn kiên quyết phản đối xây NVSCC gần nhà họ”, ông Song nói. Ở đây có trách nhiệm của các phường, xã, nhiều địa phương không nắm được vị trí cụ thể lắp đặt NVSCC, không tuyên truyền, nên gây ra phản ứng từ phía người dân. “Bên cạnh đó, còn một số NVSCC phải hoàn trả mặt bằng, hủy bỏ vị trí do vướng công trình ngầm”, ông Song nêu khó khăn.