THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:21

Hà Nội: Người dân trại phong Đá Bạc với nỗi lo “an cư, lạc nghiệp”

Cách trung tâm Hà Nội chừng 40km, trại phong Đá Bạc nằm heo hút giữa những ngọn đồi thưa thớt dân cư sinh sống, thuộc địa bàn xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn. Trại phong được xây dựng từ những năm 50 của thế kỷ trước. Có thời điểm, trại phong Đá Bạc hơn 150 người bệnh điều trị, sinh sống.

Năm 2013, TP Hà Nội quyết định di dời trại đi nơi khác nhằm đảm bảo tốt hơn các điều kiện sinh sống cho bệnh nhân. Tùy theo điều kiện, nhiều người đã chuyển tới nơi điều trị mới, một số người lại trở về sống với gia đình, còn một số người xin ở lại. Lý do vì từ khi mắc bệnh quái ác này, họ gần như cắt đứt liên lạc với gia đình, người thân, bởi thân phận của họ thời điểm đó không ai dám lại gần, một phần vì đã gắn bó với nơi này quá lâu, rồi những đứa con, cháu của họ được sinh ra từ những mối tình “cùng cảnh ngộ”, từ những cái đám cưới không người thân, không đón rước, nhưng đã đem lại cho họ những niềm an ủi, những nghị lực để phấn đấu vươn lên.

Người dân trại phong Đá Bạc với nỗi lo “an cư, lạc nghiệp”.

Người dân trại phong Đá Bạc với nỗi lo “an cư, lạc nghiệp”.

Chị Nguyễn Thị Mai (SN 1973), là con của bệnh nhân trại phong cho biết, bố mẹ chị đều là bệnh nhân phong, lên điều trị từ những năm 1968. Là những người cùng cảnh ngộ, hai ông bà dần bén duyên và đi đến cuộc hôn nhân.

“Ngày đó nghe đến tên “Trại Phong” ai cũng khiếp sợ, đến cả dân trong xã cũng hiếm người dám bén mảng vào, thế nên những thế hệ con cháu chúng tôi sau này lấy vợ, gả chồng phần lớn đều là con em bệnh nhân phong tìm đến nhau”.

Theo chị Mai, trong thời gian điều trị tại trại phong Đá Bạc, cha, mẹ chị cùng nhiều trường hợp khác  đã phải lao động không biết mệt mỏi để trồng trọt và chăn nuôi nhằm cải thiện cuộc sống. “Gia đình tôi đã xây nhà và canh tác trên mảnh đất hơn 14.000m2 nhiều năm nay. Tuy nhiên thời gian gần đây, khi tìm hiểu thì gia đình chị Mai và nhiều hộ khác mới vỡ lẽ bởi nhà, đất mà họ đang sinh sống thuộc đất công, do xã quản lý, khiến họ rất bất an, vì lâu nay họ đã xem đây là nơi “chôn rau cắt rốn”, là quê hương của mình.

Với mong muốn “an cư lạc nghiệp”, không riêng gì gia đình tôi, mà nhiều hộ dân con em bệnh nhân phong đã làm nhà, sinh sống tại trại phong (cũ) đã nhiều lần làm đơn đề nghị xin cấp đất thổ cư.

Còn anh  Nguyễn Ngọc Oanh, là con của bệnh nhân phong cho biết, từ khi biết được thông tin mảnh đất các hộ gia đình đang sinh sống là đất công, thuộc khu điều trị trại phong theo bản đồ 1993, chúng tôi sống trong tâm trạng lo lắng, bởi nếu bị thu hồi thì không biết con cái tôi sẽ sống như thế nào khi không có nhà.

“Cuộc sống của người dân khổ một thì những con em bệnh nhân của căn bệnh quái ác như chúng tôi khổ gấp năm, gấp mười. Từ lâu nơi đây chưa có nước sạch, chưa đường bê tông, điện lưới thì mới có từ năm 1996. Bây giờ lại nhận được thông tin từ UBND xã chúng tôi như ngồi trên đống lửa, nguy cơ bị mất trắng mảnh đất do cha mẹ gây dựng nên.

Biên lai nộp thuế sử dụng đất của người dân trại phong.

Biên lai nộp thuế sử dụng đất của người dân trại phong.

Ngày 4/4/2023, hàng chục hộ dân đã có đơn gửi chính quyền địa phương về nguồn gốc thời điểm sử dụng đất, và quá trình sinh sống của các hộ dân tại khu trại phong Đá Bạc và đề nghị xem xét làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đến ngày 4/5/2023, UBND xã Minh Phú ban hành văn bản trả lời công dân. Theo văn bản số 101/UBND/ĐC về trả lời công dân của UBND xã Minh Phú cho biết: “Từ kết quả việc xác định 23 vị trí thửa đất đang được các hộ dân sử dụng tại thôn Phú Ninh, xã Minh Phú đều nằm trong ranh giới khu đất trại phong đã được Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn lập và bàn giao ngày 1/6/2019 để UBND xã Minh Phú quản lý là đất công. Do vậy các thửa đất này không đủ điều kiện để đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Empty
Theo Văn bản trả lời công dân của UBND xã Minh Phú thì toàn bộ đất mà con, cháu bệnh nhân trại phong đang sử đụng đều là đất công.

Theo Văn bản trả lời công dân của UBND xã Minh Phú thì toàn bộ đất mà con, cháu bệnh nhân trại phong đang sử đụng đều là đất công.

“Sinh ra vốn không được may mắn như bao người khác, bố mẹ của nhiều bệnh nhân phong không quê, không người thân nên hàng chục năm nay, họ xem đây là nhà, là quê hương của mình, do đó trong đơn kiến nghị gửi các số cơ quan chức năng, người dân mong muốn UBND TP. Hà Nội cũng như huyện Sóc Sơn xét sự việc một cách thấu tình, đạt lý để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các hộ gia đình đã sinh sống lâu năm nơi đây, giúp cho những thế hệ con, cháu họ được “an cư lạc nghiệp”, không phải lo nay đây, mai đó.

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh