CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:28

Ân nhân của bệnh nhân phong

Sơ Xuân tâm sự với bệnh nhân phong.

Sơ Nguyễn Thị Xuân, tu sĩ dòng Thánh Tâm, với tên thánh là Anna theo cách gọi của người theo đạo Thiên Chúa. Với những người không may bị bệnh phong cùi thì chị Xuân chính là niềm an ủi lớn nhất với họ. Đã có thời, bệnh nhân phong cùi trở thành nỗi ám ảnh đối với xã hội. Tôi đã chứng kiến có người bị hủi phải âm thầm sống cách xa đồng loại. Hủi là một điều ghê tởm, và không biết từ khi nào, hủi trở thành một nghĩa địa chết chóc – nghĩa địa đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng trong “nghĩa địa” ấy, có một người phụ nữ lành lặn tự nguyện hiến trọn cuộc đời mình cho những bệnh nhân phong. Dù có những can ngăn, cám dỗ nhưng chị không sợ bệnh, không sợ chết, chỉ sợ mình không đến được với sự tử tế.

Chọn con đường phục vụ

Sinh ra và lớn lên tại xã Đại Xuân (huyện Quế Võ, Bắc Ninh), 18 tuổi cũng mặn mà nhan sắc, tiếng quan họ cũng lảnh lót vang rền như ai, nhưng Nguyễn Thị Xuân không hề mảy may nghĩ đến việc lập gia đình. Cha mất sớm, là chị cả trong gia đình 5 anh chị em nên chị chăm chỉ làm ăn phụ giúp mẹ nuôi các em ăn học.

Là một cô gái nổi tiếng giỏi giang trong vùng nên không ít chàng trai si mê chị. Ở Quế Võ, người ta bảo ai lấy được cô Xuân về làm dâu thì phúc đức ba đời. Nhưng rồi, ai ngỏ lời chị Xuân cũng từ chối. Có người bảo “cô Xuân kén cá chọn canh”, nhưng không, ngay từ nhỏ chị đã thì thầm với mẹ: “Con muốn theo con đường thánh hiến, phục vụ tha nhân”. Thế rồi, người ta thấy chị Xuân đi tu. Bao nhiêu lời gièm pha, ngăn cản, có người nói chị điên. “Tôi cũng chỉ biết vậy chứ không biết nói sao cho mọi người hiểu. Ở đời này còn nhiều người cần được giúp đỡ, nếu lập gia đình thì chẳng có thời gian đâu mà phục vụ những thân phận khốn khổ”, chị Xuân chia sẻ.

Sơ Xuân đo cỡ chân để làm giầy cho bệnh nhân.

Thực ra sự chọn lựa của chị Xuân đã có từ thuở nhỏ. Khi còn là thiếu nhi nhà thờ đạo, chị thường được theo các đoàn từ thiện đi thăm các gia đình nghèo. Khi gặp gỡ những thân phận khốn cùng, cô bé Xuân đã khóc và từ đó, mơ ước được phục vụ, được gánh vác với người khác những cùng cực cứ ám ảnh mãi. 

Noi gương mẹ Têrêsa

Chị Xuân cho biết: “Khi bước vào con đường tu đạo, tu thân thì mình được tiếp xúc với nhiều tấm gương sáng về tinh thần phục vụ. Đặc biệt là mẹ Têrêsa, người được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1979. Lúc sống, mẹ Têrêsa đã không ngại khó, không ngại khổ, không màng đến cả mạng sống để cống hiến chăm sóc những người khốn cùng của 123 quốc gia, trong đó có cả Việt Nam”. Noi gương những hành động cao cả ấy, chị Xuân đã “khăn gói quả mướp” đi khắp các trại phong Việt Nam để phục vụ bệnh nhân. Chị bảo, những năm ấy bệnh phong còn bị kỳ thị ghê gớm. Người ta kỳ thị bệnh nhân phong đã đành, còn kỳ thị với cả chị. Thấy chị từ trại phong ra, người quen biết đều lảng tránh vì sợ lây bệnh.

Có những lúc, chị tủi thân vô cùng. Nghĩ mình làm việc thiện thì sẽ được đền đáp. Nhưng không, càng gần gũi những người bệnh phong, những ánh mắt ngoài kia nhìn chị một cách quái gở. Chị không trở thành người tốt mà trở thành kẻ điên. Vì chỉ bị điên mới lao thân phục dịch những người bị hủi.

Chị Xuân nói: “Tôi không cảm thấy sợ một chút nào. Từ việc tắm rửa đến giặt quần áo cho người hủi. Thậm chí, tôi còn ăn cùng ngủ cùng những bệnh nhân lở loét sắp chết. Gần bên họ, tôi hiểu hơn những đau khổ của họ. Họ đau đớn về thể xác một thì tinh thần dằn vặt gấp mười. Nếu như người lành lặn không gần gũi, an ủi thì họ sẽ không nghĩ mình là một con người”. 

Mỗi bệnh nhân phong có một cỡ giầy khác nhau.

 

Ghép những mảnh vỡ

Suốt hơn 20 năm phục vụ trong Trại phong Quả Cảm cũng như tham gia thăm viếng bệnh nhân của nhiều trại phong khác, chị Xuân đã trở thành cầu nối hạnh phúc cho họ. Hàng chục gia đình nhỏ trong trại phong ấy nhận chị là mẹ, vì chị đã “ghép” họ lại với nhau thành vợ thành chồng.

Anh Nguyễn Văn Chất, ở huyện Gia Bình cũng nhập trại từ khi còn nhỏ. Lớn lên, hầu như anh không thể quen và gần gũi bất cứ cô gái nào. Chị Xuân đến bên Chất dò hỏi ý định, rồi lại tất tả đi tìm cho anh một cô gái xứng đôi. Ngày cưới anh Chất, đại diện duy nhất của hai bên gia đình là chị Xuân. Bữa cơm cưới không có gì ngoài mâm cỗ nhạt với rau dưa cùng những khách mời tàn tật trong trại.

Ấy vậy mà hai mảnh vỡ ấy sống với nhau thật hạnh phúc. Chồng nuôi lợn rừng, gà chọi. Vợ trồng lúa, cấy ngô và họ gặt hái được đầy ắp những tiếng cười yêu thương. Còn hàng chục gia đình khác cũng vậy, mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, nhưng tựu chung họ đều là những người bị hắt hủi và đến với nhau nhờ sự mai mối của chị Xuân.

Anh Chất, một bệnh nhân trong Trại Quả Cảm lấy được vợ, nuôi được lợn rừng nhờ sự giúp đỡ của chị Xuân.

 

Phục vụ trọn đời

Thấy những bệnh nhân phong chân tay cụt què, không đôi giầy nào có thể vừa với họ. Vậy là chị Xuân lên tàu vào Trại Quy Nhơn (Bình Định) học nghề làm giầy. Chỉ 3 tháng sau chị đã thành thợ giỏi. Trở về Trại Quả Cảm, chị ngày đêm lọ mọ bên bàn để làm ra những chiếc giầy không giống ai. Hơn 90 bệnh nhân phong với đủ mọi kích cỡ, kiểu loại giầy. Chị không chỉ cúi xuống chạm tay vào những đôi chân lở loét ấy tỉ mẩn đo đếm. Ở mỗi chiếc giầy, chị đều thêm vào đó một lượng da đáng kể để bệnh nhân đi đứng bớt phần đau đớn.

Năm 2012, chị Xuân nghỉ hưu theo chế độ, nhưng lãnh đạo Bệnh viện phong da liễu Quả Cảm và Giám mục Giáo phận Bắc Ninh đồng ý cho chị ở lại trại phong phục vụ bệnh nhân. Ngày nào cũng vậy, chị khám sức khỏe cho từng người, giúp họ tập luyện phục hồi sức khỏe. Thậm chí, những bệnh nhân qua đời còn được chị tắm rửa khâm liệm. Khi sang cát chẳng ai dám rửa xương, chị Xuân lại xốc vác tất cả những công việc ấy. Ở trại phong, người ta gọi chị Xuân là bà, là mẹ đầy thân thương. Chị bảo, âu cũng là hoa quả ngọt từ sự tử tế. Sống tử tế với nhau là cách tạo những yêu thương để gắn kết tình người.

Chị Nguyễn Thị Xuân tâm sự: “Lương thiện là điều kiện tối thiểu để làm người. Và sự tử tế với nhau là điều cần phát huy để xã hội tránh được những tội ác. Những bệnh nhân phong, những người nghèo hèn khốn khổ hơn ai hết là những người cần đến sự quan tâm, cần đến sự tử tế để họ vượt khó, vượt định kiến bệnh tật”.

 Với những cống hiến hết mình cho việc phục vụ bệnh nhân phong, năm 2010, chị Xuân được đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc. Cùng năm này, chị được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng Bằng khen. Năm 2012, chị được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Huân chương Lao động hạng III.

TRẦN HÒA/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh