THỨ NĂM, NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2024 10:13

Hà Nội: Nghịch lý “đất vàng” bỏ hoang

 

Bỏ hoang hơn 40 triệu m2 đất

 Năm 2004, UBND TP Hà Nội có Quyết định thu hồi trên 35ha đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai (quận Hoàng Mai) giao Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) tổ chức điều tra lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng chuẩn bị triển khai dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt. Thế nhưng sau 14 năm triển khai, khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chỉ là những bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. Dự án đang giậm chân tại chỗ, kỳ vọng về một khu đô thị mới, hiện đại phía Nam thành phố Hà Nội vẫn chỉ tồn tại trên bản vẽ. Khu đô thị mới Thịnh Liệt chỉ là một trong số hàng trăm dự án trên địa bàn Hà Nội rơi vào tình trạng "đắp chiếu".

 

Nhiều chủ đầu tư "xí" phần đất rồi bỏ hoang

 

Hồi đầu tháng 8, HĐND TP Hà Nội công khai kết quả giám sát việc quản lý sử dụng đất đối với các dự án vốn ngoài ngân sách giai đoạn 2012-2017. Kết quả giám sát của HĐND TP cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai của các tổ chức được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án còn nhiều. Việc lấn chiếm, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí, cho thuê lại đất sai quy định vẫn diễn ra ở một số nơi gây bức xúc trong nhân dân.

Cụ thể như các dự án: Trung tâm thương mại Đền Lừ, quận Hoàng Mai; tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao cấp quận Thanh Xuân; khu văn phòng và nhà ở tại số 2-4 Đội Nhân, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình; bệnh viện đa khoa Quang Trung tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai; Nam Đàn Plaza (Công ty CP địa ốc dầu khí viễn thông), quận Nam Từ Liêm...

Theo Sở Tài nguyên Môi trường và tại 8 đơn vị đoàn giám sát làm việc trực tiếp, số dự án chậm triển khai, để đất hoang hoá lên đến 211 dự án với tổng diện tích trên 44 triệu m2. Trong đó có những dự án đã được thành phố kiểm tra phát hiện từ năm 2012 nhưng vẫn chưa xử lý triệt để.

Ngoài ra, qua báo cáo của 22 quận huyện, đoàn giám sát phát hiện thêm 172 dự án chậm triển khai, nâng tổng số các dự án trong diện này lên 383 trường hợp. Một số quận, huyện có số dự án chậm, vi phạm nhiều như: Hoài Đức 51 dự án; Mê Linh 50 dự án; Nam Từ Liêm 48 dự án; Hoàng Mai 25 dự án; Bắc Từ Liêm 23 dự án...

Kiên quyết xử lý dự án bỏ hoang

Mới đây Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 173/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội về việc kiểm tra, xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai.

Theo đó, lãnh đạo TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát 161 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai. Trên cơ sở đó hoàn tất hồ sơ thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng có nhiệm vụ hoàn thiện hồ sơ, trình UBND TP Hà Nội trong tháng 9/2018 ban hành các quyết định thu hồi quyết định giao đất, cho thuê đất đối với 8 dự án sở này kiến nghị và 47 dự án theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.

Đồng thời, UBND thành phố yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư không xem xét, đề xuất điều chỉnh dự án, gia hạn thời gian thực hiện dự án đối với các dự án chậm triển khai, chủ đầu tư vi phạm các quy định của Luật Đất đai; yêu cầu các chủ đầu tư cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ, chấp hành việc ký quỹ thực hiện dự án và xử lý nghiêm các dự án chậm triển khai theo quy định của pháp luật.

 

Hà Nội kiên quyết xử lý dự án đất vàng bỏ hoang.

 

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra 21 dự án trên địa bàn 7 quận, huyện (Mê Linh, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông…). Đồng thời xử lý dứt điểm các vi phạm tại 89 dự án đã được đoàn giám sát của HĐND kiến nghị nhưng chưa khắc phục.

Đối với các dự án đã giao đất nhưng vi phạm các quy định của Luật Đất đai (không triển khai dự án trong thời gian quy định, sử dụng đất sai mục đích, không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất…), Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ, trình UBND TP ban hành các quyết định thu hồi.

Để xảy ra tình trạng các dự án “đắp chiếu” nhiều năm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội còn yêu cầu các đơn vị liên quan xác định trách nhiệm quận, huyện, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiếm trúc, Tài chính, Cục Thuế trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm.

KS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua, khi tiến hành kiểm tra, Hà Nội có khoảng hơn 8 triệu m2 đất đai sử dụng chưa hợp lý đất. Việc thu hồi đất đai đã được đặt ra rất nhiều lần và trong nhiều năm vừa qua, nhưng thiếu sự quyết liệt trong xử lý thực hiện. Vì vậy, mới tồn tại thực trạng những khu “đất vàng” đã bị bỏ hoang tới cả chục năm.

PHƯƠNG ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh